Chính thầy là người khởi xướng và góp tới 100 triệu đồng, mỗi tháng lại trích 10 triệu đồng tiền lương của mình cho đề án này dù đang mang trong mình chứng bệnh hiểm nghèo.
Nỗi niềm “tiếng Việt” với học trò Jrai
Đến đầu xã Ia Tul, hỏi địa chỉ Trường Tiểu học Kim Đồng, một phụ nữ đồng bào Jrai hồ hởi chỉ đường, rồi hỏi lại chúng tôi: “Chắc là hỏi thầy Khoa hiệu trưởng của trường với bếp ăn cho học sinh lớp 1 chứ gì?”.
Thấy chúng tôi gật đầu, chị liền bảo: “Ở xã này ai mà chẳng biết thầy Khoa. Thầy ấy tốt bụng lắm! Thầy biết đồng bào chúng tôi khó khăn, trẻ em không được ăn no để đến trường nên thầy đem cả gia tài của mình ra để lo bữa ăn cho học trò. Con tôi cũng đang học lớp 1, được ăn trưa miễn phí ở trường, có thịt, có cá, về nhà lúc nào cũng bảo cơm trường ngon hơn cơm trắng với rau rừng ở nhà rất nhiều. Tôi biết ơn thầy ấy lắm!”.
Kể lại câu chuyện người phụ nữ tấm tắc ngợi khen, thầy Khoa cười hiền: “Bà con đồng bào nơi đây là vậy, họ quý cái tình cái nghĩa của các thầy, cô giáo lắm! Nhiều lúc đi ngoài đường, họ thấy là bắt chuyện, hỏi thăm nên tôi cũng vui.
Nhưng thật ra họ nói hơi quá chứ tôi cũng chẳng làm được gì nhiều. Chỉ là thấy các em cơm chưa đủ no, hàng ngày còn phải theo cha mẹ lên rẫy mưu sinh, không thể đến trường nên tôi góp một phần công sức để các em yên tâm học hành. Mà cũng chỉ mới lớp 1 thôi, các lớp khác vẫn chưa có điều kiện để làm”.
Ngồi trò chuyện, thầy Khoa bảo, từ thời sinh viên, thầy đã mắc căn bệnh xơ cứng bì hiếm gặp. Về sau, bàn tay khô cứng dần, khiến thầy không thể duỗi được như bao người bình thường. Dù vậy thầy vẫn không nản lòng, cố gắng học tập và cũng đạt được ước mơ đứng trên bục giảng của mình. Rồi, thầy cũng nên vợ thành chồng với người đồng nghiệp Trần Thị Vân Oanh (43 tuổi) và sinh được 2 người con trai. Đó là niềm vui lớn của cuộc đời thầy.
Chắt chiu được ít tiền từ đồng lương nghề giáo của 2 vợ chồng, cô Oanh đã đưa thầy đi chữa bệnh. Tuy nhiên, qua hết các bệnh viện trong nước, rồi sang tận Singapore, bác sĩ vẫn lắc đầu không thể chữa dứt căn bệnh. Bác sĩ khuyên về uống thuốc đều đặn, bồi dưỡng thể trạng để chặn đà tiến triển của bệnh. Cũng vì căn bệnh này mà giờ đây hàm răng dưới của thầy đã rụng sạch vì bị co thắt hàm.
Hiện tại, thầy Khoa chỉ ăn được cháo và một số loại thức ăn mềm. Nhưng không vì vậy mà thầy quên chuyện trường lớp. Bệnh tật chính là động lực để thầy cố gắng đóng góp sức mình vào xây dựng giáo dục vùng cao, tăng cường khả năng đọc và nói tiếng Việt cho học trò của mình.
Thầy Khoa bảo, thầy đã 27 năm dạy học tại huyện vùng sâu Ia Pa này, trong đó 11 năm làm hiệu trưởng. Cuối năm 2016, thầy được luân chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng. Hiện trường có 396 học sinh, trong đó khối lớp 1 có 102 em, 100% học sinh của trường là người dân tộc Jrai sống ở xã Ia Tul.
Gần 30 dạy học ở huyện nghèo này, thầy Khoa thấy rõ hiện trạng ở những nơi 100% đồng bào dân tộc thiểu số, việc vận động các cháu ngày 2 buổi tới lớp học để biết đọc, biết nói tiếng Việt là điều vô cùng khó khăn, nhất là đối với học sinh lớp 1. Hầu hết các bậc cha mẹ chỉ cho con đến trường 1 buổi, rồi trưa đến đón con lên rẫy.
“Trong giờ học ở trường các cháu nói tiếng Việt, còn ra ngoài các cháu toàn giao tiếp bằng tiếng Jrai. Đã có trường hợp học hết tiểu học vẫn chưa viết đúng, nói rành tiếng Việt, thế là thầy, cô bị phê bình về việc để học trò ngồi nhầm lớp.
Muốn giữ học sinh ở lại trường 2 buổi/ngày để các thầy, cô kèm tiếng Việt chỉ có cách phải tổ chức cho các cháu ăn và nghỉ trưa tại trường. Tuy nhiên, Ia Tul dù là xã vùng sâu miền núi nhưng không thuộc diện đặc biệt khó khăn nên học sinh ở đây không được hưởng chế độ bán trú”, thầy Khoa cho biết.
Đem cả “gia tài” lo cho trò nghèo
Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, thầy Khoa lên ý tưởng về việc làm bữa ăn trưa ngay tại trường, để những tiết học phụ đạo buổi chiều của các em không bị gián đoạn. Thầy bàn với vợ lấy cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu đồng của gia đình tạo dựng bếp ăn cho học sinh lớp 1, rồi mỗi tháng thầy trích 10 triệu trong phần lương 12 triệu của mình lo cho các em.
|
Niềm vui của hoc lớp 1 với bữa cơm trưa tại trường |
Lý do thầy đưa ra là lương 2 vợ chồng hơn 20 triệu đồng, trích 10 triệu lo cho các em, phần còn lại chi tiêu, phụng dưỡng cha già vẫn đủ. Các con cũng đã có lương của mình nên không phải lo lắng. Thầy còn bảo, bệnh tình của mình chẳng biết như thế nào, nên còn khỏe thì phải làm việc có ích, nếu không sau này sẽ hối tiếc. Nghe những lời của thầy, cô Oanh gật đầu đồng ý và hứa sẽ đồng hành cùng chồng.
Ngay sau đó, thầy Khoa đem đề án “Tổ chức ăn trưa cho học sinh lớp 1 người dân tộc Jrai tại Trường Tiểu học Kim Đồng lộ trình đến năm 2021” báo cáo lên Phòng GD&ĐT huyện Ia Pa và được chấp nhận. Vậy là thầy cùng tập thể giáo viên nhà trường bắt tay vào thực hiện. Thầy Khoa hy sinh căn phòng làm việc của hiệu trưởng để dời thư viện trường qua, rồi trưng dụng phòng thư viện làm nhà bếp cho trường.
Bằng số tiền tiết kiệm của gia đình, thầy đã bỏ ra 30 triệu đồng để mua nồi niêu, dụng cụ bếp núc cho bếp ăn bán trú và khay ăn bằng inox, đũa muỗng cho học sinh; 70 triệu đồng còn lại thầy dành để mua gạo cho bếp ăn. Còn chỗ nghỉ, thầy nhờ thợ đến cưa một số cây trong trường rồi đóng những chiếc giường cho các em ngủ trưa. Đầu năm học 2018 - 2019, đề án chính thức đi vào hoạt động.
Để duy trì bếp ăn trưa theo hướng bền vững cho hơn 100 học sinh lớp 1 với cơm trắng, canh rau, cá hoặc thịt kho, mỗi ngày sẽ trích khoảng 650.000 đồng để nấu ăn. Các thầy, cô giáo trong trường bỏ công đi mua thực phẩm và nấu nướng.
Như vậy, trừ những ngày nghỉ, trung bình mỗi tháng sẽ mất gần 15 triệu đồng tiền ăn cho các em. Thầy Khoa đã bỏ ra 10 triệu đồng, số còn lại thầy liên hệ với một số bạn bè, nhà hảo tâm bằng cách viết những lá thư để kêu gọi hỗ trợ. Hiện tại, các nhà hảo tâm đã ủng hộ gạo, tiền và dự kiến số tiền này cùng với 10 triệu đồng hàng tháng thầy bỏ ra sẽ duy trì bếp ăn đến hết năm học 2019 - 2020.
“Giáo viên toàn trường rất ủng hộ việc làm của thầy Khoa nên ai cũng vui vẻ làm công việc bếp núc để lo bữa ăn cho các em. Nấu ăn cho học sinh cũng như nấu ăn cho mình, nên anh chị em giáo viên cứ ai rảnh là vào bếp, kể cả thầy Khoa. Chúng tôi cố gắng để đảm bảo các em ăn no và đủ dinh dưỡng. Ưu tiên lớn nhất là giữ vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bữa ăn”, cô giáo Rô H’Điên chia sẻ.
Hướng đến các khối lớp đều có bữa ăn trưa
Từ đầu năm học 2018 - 2019, sau bữa ăn trưa, tất cả học sinh lớp 1 được bố trí các phòng để ngủ trưa. Sau đó, buổi chiều các thầy, cô giáo sẽ tăng cường dạy tiếng Việt để các em có thể theo kịp chương trình sách giáo khoa. Đồng thời việc giữ các em lại trường cũng góp phần duy trì sĩ số học sinh, giảm thiểu tình trạng bỏ học.
“Trước mắt là thực hiện ăn trưa đối với học sinh lớp 1 để cho các em nắm chắc kiến thức cơ bản. Sau này, nếu nhận được thêm nhiều sự đóng góp hỗ trợ, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng đề án này cho học sinh các khối khác”, thầy Khoa cho biết.
|
Thầy Khoa còn vận động các đoàn thiện nguyện đến trường cắt tóc miễn phí cho học trò |
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Đức - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia Pa, cho biết: “Khi thầy Khoa đề cập đến đề án “Tổ chức ăn trưa cho học sinh lớp 1 người dân tộc Jrai tại Trường Tiểu học Kim Đồng lộ trình đến năm 2021”, chúng tôi rất hoan nghênh nhưng cũng có đôi phần e ngại. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và tình thương đối với trò nghèo, đến nay thầy Khoa đã duy trì được bếp ăn đầy ý nghĩa này”.
Cũng theo ông Đức, Phòng GD&ĐT huyện Ia Pa cũng đang kêu gọi các nguồn lực bên ngoài ủng hộ nhằm duy trì và hướng tới tất cả các khối lớp của trường được có bữa ăn trưa. Ngoài việc chăm lo bữa ăn cho học trò, hàng tháng thầy Khoa còn vận động các đoàn thiện nguyện đến trường cắt tóc miễn phí cho học trò.
Theo ông Võ Anh Tuấn - Bí thư Huyện ủy Ia Pa, thầy Khoa có thâm niên công tác trong ngành giáo dục và là người có tấm lòng nhân ái đối với học trò nghèo dân tộc thiểu số. Gia cảnh của thầy Khoa cũng bình thường, trong khi bản thân mắc căn bệnh xơ cứng bì hiếm gặp nhưng thầy đã bỏ hết số tiền dành dụm của gia đình để làm từ thiện cho học trò nghèo.
“Nhiều lãnh đạo huyện Ia Pa cũng tự nguyện trích một phần lương của mình để đóng góp cho bếp ăn tại Trường Tiểu học Kim Đồng. Việc làm của thầy thật đáng trân quý, chúng tôi rất ủng hộ và luôn kêu gọi các nhà hảo tâm đồng hành cùng thầy. Sắp tới huyện sẽ nhân rộng mô hình này đến các trường khó khăn để nâng cao chất lượng ngành giáo dục”, ông Tuấn cho biết.
Mặc dù chưa phải là sung túc nhưng đối với học sinh nghèo nơi đây có được bữa cơm no như hôm nay là điều mơ ước. Hy vọng rằng, với bếp ăn tình thương này, nhiều em sẽ vượt qua được khó khăn, tiếp tục bám lớp, bám trường.
Và, mai này trưởng thành chắc hẳn các em sẽ không bao giờ quên những bữa cơm trưa này ở tuổi học trò, là món quà quý giá mà các thầy, cô giáo cùng những nhà hảo tâm đã chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão đến trường của mình để có tương lai tươi sáng.
Chia tay thầy và trò Trường Tiểu học Kim Đông, chúng tôi hy vọng rằng, với ý nghĩa thiết thực, bếp ăn cho học trò nghèo tại nơi đây sẽ nhận được sự chung sức ngày càng nhiều, càng đông đảo của các nhà hảo tâm để không chỉ dừng lại ở các học sinh lớp 1 mà ở các khối lớp khác.
Và chợt nghĩ, sức lan tỏa của việc làm mang đầy tính nhân văn này không chỉ làm thổn thức trái tim hàng triệu người trên khắp cả nước, mà còn lay động tâm hồn trẻ thơ, để từ đó nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.