Bếp trưởng nuôi quân và danh hiệu Anh hùng lao động

 Đến tận bây giờ, nữ bếp trưởng Đinh Thị Dung vẫn rất khiêm nhường khi nói về mình. Nhưng, không phải ngẫu nhiên khi bà được toàn thể anh, chị em trong đơn vị tín nhiệm đề cử Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động.

Đến tận bây giờ, nữ bếp trưởng Đinh Thị Dung vẫn rất khiêm nhường khi nói về mình. Nhưng, không phải ngẫu nhiên khi bà được toàn thể anh, chị em trong đơn vị tín nhiệm đề cử Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động.

Cựu bếp trưởng Đinh Thị Dung giờ đang  vui thú điền viên
Cựu bếp trưởng Đinh Thị Dung giờ vui thú điền viên.
1. Bố mất sớm nên mới chưa đầy 3 tuổi, bà Dung đã phải từ giã nơi “chôn nhau, cắt rốn” (huyện Ứng Hòa, Hà Tây) theo mẹ ra Yên Xá, Tân Triều, Hà Nội sinh sống (năm 1947). Theo nguyện ước của cha (một người lính dũng cảm đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp), bà Dung xin vào làm công nhân quốc phòng, rồi trở thành nhân viên cấp dưỡng cho Bệnh viện (BV) 103. Khi ấy, nữ cấp dưỡng Đinh Thị Dung mới tròn 16 tuổi (năm 1959).

Noi theo tấm gương anh dũng của cha, nữ cấp dưỡng Dung không quản ngại vất vả, khó nhọc, lăn sả vào phục vụ bữa ăn cho những người thầy thuốc khoác áo lính. Mọi công việc của bếp hầu như đều do bà Dung đảm nhiệm hết, nhiều khi bà còn gánh thêm việc cho những người nghỉ ốm, con nhỏ...

Vì mới học hết lớp 7 nên những lúc rảnh rỗi, bà lại tranh thủ học để nâng cao trình độ và nghiệp vụ. Do chăm chỉ, biết lắng nghe và kiên trì học tập, đặc biệt là tinh thần hết lòng phục vụ của mình, năm 1965, bà được cử làm quản lý bếp ăn của BV.

2. Ở cương vị của một bếp trưởng, bà Dung vẫn ôm đồm tất cả mọi việc: Từ nghĩ món, đi chợ, nấu ăn đến bưng bê phục vụ cho anh em... Và, như một con thoi, thoắt chỗ này, bác lại hiện lên ở chỗ khác, mong sao có những bữa ăn đủ chất và đầm ấm để các chiến sỹ ta đủ sức, vững tâm, vững lòng cứu chữa thương binh tâm, phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước.

Nhắc về những tháng ngày gian khổ và kiêu hùng đó, bà Dung không khỏi bồi hồi: “Thời điểm năm 1972-1973, giặc đánh ác quá nên đơn vị của tôi phải sơ tán hết nơi này đến nơi khác. Có lần, vì mải nấu nướng, khi đưa cơm đến cho các chiến sỹ thì chỉ thấy nhà cửa tan hoang, cây cối đổ nát, đơn vị thì di chuyển đến nơi khác rồi. Đội ngũ cấp dưỡng thì một người bị chết, một người bị thương...

Mình thấy thương anh em vô cùng. Có khi miệt mài làm việc, về đến nhà thì làng xóm lại bị đánh bom nên phải sơ tán đi nơi khác, chồng và các con cũng không thấy tăm hơi. Những lúc ấy, mình chỉ biết khóc cho đỡ sợ hãi và cô đơn...”. Nhưng rồi, nỗi sợ ấy cũng trôi qua rất nhanh, vì sự nghiệp vẻ vang của cách mạng và đất nước, bếp trưởng Dung lại dấn thân vào công việc khá vất vả và đầy hiểm nguy này.

Bếp ăn hiện tại của Bệnh viện 103
Bếp ăn hiện tại của Bệnh viện 103
3. Hơn 40 năm đảm trách nuôi quân, bà Dung luôn tận tâm và nhiệt thành với công việc của mình và chưa từng bị anh em, đồng nghiệp trong đơn vị ca thán một lời nào. Bởi, bếp ăn của bà bao giờ cũng rất sạch sẽ, khu chia cơm lúc nào cũng gọn gàng và đảm bảo vệ sinh.
Để đồng đội có được bữa ăn ngon, bếp trưởng Dung tính toán rất kỹ lưỡng rồi lặn lội cùng chị em cấp dưỡng đi hàng mấy chục cây số mua thức ăn, mua than về nấu nướng. Thời kỳ bao cấp khó khăn phải ăn cơm độn ngô, sắn, khoai, hạt bo bo..., bếp trưởng Dung đã nghĩ ra mọi cách để cải thiện bữa ăn cho anh em (xay gạo, ngô, khoai là bánh đúc, bánh cuốn, bánh ngô cho khỏi chán).
Trong điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, tiêu chuẩn ăn của một người thấp, giá cả thị trường thì cao nên bếp trưởng Dung còn bàn bạc với tập thể mua cua, mua tôm về nấu canh, đồng thời thay đổi món ăn thường xuyên để bảo đảm cho sức khỏe của mọi người.

Không chỉ tâm huyết với công việc của mình, bếp trưởng Dung luôn tính toán rất kỹ lưỡng để không bị sai sót về nguyên tắc tài chính. Với cương vị phụ trách bếp, bà luôn khiêm tốn, đoàn kết được tất cả mọi người. Ngoài ra, là chi ủy viên, bà đã có đóng góp rất lớn trong công tác lãnh đạo, xây dựng bếp nhân viên vững mạnh. Theo nữ bếp trưởng Đinh Thị Dung, nấu cơm, chăn lợn là công việc mang tính "điệp khúc" song rất cần có công tác tư tưởng tốt. Vì vậy, hàng ngày bà luôn nhắc nhở và động viên mọi người phải biết gạt tư tưởng cá nhân, bảo thủ, trì trệ, phục vụ hết mình cho tập thể.

Ở cơ quan thì lăn mình vào chuyện bếp núc, về đến nhà cũng lại nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, bận rộn với việc đồng áng. Trong khi đó, đồng lương không đủ chi tiêu, đôi khi bà Dung cũng nghĩ xin nghỉ việc ra ngoài buôn bán nuôi con. Nhưng, cứ nghĩ đến cảnh anh em cơm không đủ no; ăn không đủ chất, bà quyết tâm ở lại...

4. So với thời giá hiện tại, bảo đảm và duy trì một chế độ ăn tốt, hợp lý như thế là sự cố gắng rất lớn của bếp trưởng Dung cũng như tất cả cấp dưỡng của đơn vị. Với sự thẳng thắn, ân cần và cả tấm lòng chân thành của mình, bà Dung đã trở thành hình ảnh vô cùng gần gũi, thân thương và là tấm gương học hỏi của toàn thể anh chị em Học viện Quân y cũng như Bệnh viện 103, cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Chính vì lẽ đó, trải qua hơn 40 năm công tác, bà Dung đã có 27 năm đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua”; 20 năm đạt danh hiệu “Chiến sỹ quyết thắng”; tập thể thì liên tục đạt “Bếp nuôi quân giỏi”. Bà Dung còn được tặng thưởng nhiều huân chương có giá trị khác như: Huân chương Chiến công; Huân chương kháng chiến... Đặc biệt, năm 1989, bà Dung đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.

Hoàn thành nhiệm vụ của mình, đến lúc về hưu, bà Dung lại tiếp tục tăng gia sản xuất tại gia đình. Bà mở một đại lý tạp hóa nhỏ để phục vụ bà con quanh xóm. Cửa hàng của bà không bao giờ vắng khách. Trong căn nhà gỗ mang đậm nét cổ của gia đình mình, cựu bếp trưởng Đinh Thị Dung, giờ đã lên chức bà, vẫn rất khiêm tốn khi nói về mình: “Công việc của tôi cũng bình thường thôi, nhưng anh, chị em cứ tín nhiệm và yêu quý nên mới được phong tặng danh hiệu cao quý đó...”.

... Đó là những gì bà nói về mình. Còn, theo nhận xét của các cán bộ Phòng Hậu Cần, Bệnh viện 103 nói riêng và tập thể y, bác sỹ Bệnh viện 103 nói chung: Chưa cần biết công việc của bếp trưởng Dung như thế nào, chỉ cần nhìn vào bảng thành tích của bà ấy, đã thấy quá anh hùng rồi. Bất kể trong thời chiến hay thời bình, người phụ nữ ấy vẫn bất khuất, trung hậu và đảm đang... Bởi vậy, dù làm bất cứ công việc gì, bà Dung luôn được mọi người tin yêu và tín nhiệm.

Đoan Trang

Đọc thêm