BHXH TP Cần Thơ 'mạnh tay' xử lý hành vi chây ì, chậm đóng BHXH

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại TP Cần Thơ, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đang gây nên những hệ lụy nghiêm trọng cho người lao động, ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi an sinh của họ. Trước thực trạng này, BHXH thành phố đã triển khai các biện pháp quyết liệt, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động và xử lý các doanh nghiệp vi phạm một cách nghiêm minh.

Ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của người lao động

Hiện nay, tình trạng chậm đóng BHXH vẫn còn là vấn đề khá nan giải và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Cụ thể, khi quyền lợi bị xâm phạm, người lao động không thể nhận lương hưu khi về già, mất trợ cấp thất nghiệp khi mất việc, thậm chí còn không được hưởng BHYT khi gặp rủi ro sức khỏe.

Trong khi đó, tại Điều 21, Chương II của Luật BHXH 2014 số 58/2014/QH13 quy định rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, người sử dụng động còn có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động (định kỳ 6 tháng) và cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

Phòng Thanh tra (thuộc BHXH TP Cần Thơ) làm việc tại doanh nghiệp.

Phòng Thanh tra (thuộc BHXH TP Cần Thơ) làm việc tại doanh nghiệp.

Thực tế, tính đến hết tháng 10/2024, trên địa bàn TP Cần Thơ có 793 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, với số tiền hơn 91 tỷ đồng; chậm đóng BHXH thời gian dài nhất 104 tháng và số tiền cao nhất là hơn 20 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra kiểm tra, BHXH thành phố Cần Thơ đã truy thu số tiền trên 18 tỷ đồng, truy đóng cho 1.648 lao động, với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), với tổng số tiền xử phạt là hơn 2,7 tỷ đồng (Trong đó, thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND thành phố ban hành 10 quyết định, với số tiền xử phạt VPHC là hơn 1,5 tỷ đồng). Kết quả, có 53 đơn vị thực hiện nộp phạt, với tổng số tiền gần 640 triệu đồng, đạt tỷ lệ 23,14% trên tổng số tiền xử phạt.

Từ con số trên cho thấy, mặc dù ngành chức năng đã nỗ lực, quyết liệt trong việc bảo vệ lợi ích người lao động, nhưng việc chậm đóng BHXH của những doanh nghiệp, đơn vị vẫn còn khá dai dẳng. Điều này không những ảnh hưởng tới quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào doanh nghiệp, có thể làm giảm sự gắn bó và năng suất lao động, thậm chí dẫn đến tình trạng nghỉ việc hàng loạt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng và có thể đối mặt với các vấn đề pháp lý về những hành vi trên.

BHXH TP Cần Thơ tích cực tham mưu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời chủ động xây dựng kịch bản phù hợp, quyết liệt phối hợp các cơ quan, ban, ngành triển khai ở từng địa phương.

BHXH TP Cần Thơ tích cực tham mưu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời chủ động xây dựng kịch bản phù hợp, quyết liệt phối hợp các cơ quan, ban, ngành triển khai ở từng địa phương.

Theo BHXH TP Cần Thơ, tình trạng chậm đóng BHXH chủ yếu xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH, thiếu quan tâm hoặc không hợp tác với cán bộ chuyên quản của cơ quan BHXH khi được đôn đốc thu. Một số đơn vị còn thay đổi địa chỉ trụ sở nhưng không thông báo với cơ quan BHXH, gây khó khăn trong việc gửi thông báo, hỗ trợ.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, đơn vị cố tình không đăng ký tham gia hoặc đăng ký không đủ số lao động thuộc diện bắt buộc tham gia theo quy định, khiến cơ quan BHXH gặp trở ngại trong công tác thu. Tuy tình hình kinh tế xã hội sau dịch Covid-19 vẫn còn khó khăn, nhưng việc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phần lớn do sự thiếu trách nhiệm và chưa chủ động từ phía các doanh nghiệp.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm

Ông Trần Văn Khải - Phó Giám đốc BHXH TP Cần Thơ cho biết, hành vi chậm đóng BHXH, BHTN là những hành vi bị nghiêm cấm (Theo Luật BHXH 2014 hiện hành, tại Điều 17). Đồng thời, đối với những hành vi nêu trên sẽ có những biện pháp xử lý như: Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN… Còn theo Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ 01/7/2025 sắp tới đây, những hành vi nêu trên là những hành vi bị nghiêm cấm sẽ được quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN.

Ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc BHXH TP cho biết sẽ công khai thông tin và kết quả kiểm tra, thanh tra, đồng thời sẽ chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm theo quy định.

Ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc BHXH TP cho biết sẽ công khai thông tin và kết quả kiểm tra, thanh tra, đồng thời sẽ chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm theo quy định.

“Các hành vi vi phạm về chậm đóng BHXH, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà sẽ có biện pháp xử lý. Cụ thể, theo Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, BHYT với mức cao nhất là 75 triệu đồng. Trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ Luật Hình sự”, Phó Giám đốc BHXH TP Cần Thơ thông tin thêm.

Trước tình trạng chậm đóng BHXH, BHXH Cần Thơ đã và đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thời gian tới, đơn vị sẽ công khai danh sách các đơn vị chậm đóng BHXH trên Cổng Thông tin điện tử BHXH thành phố, trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất tại các doanh nghiệp có dấu hiệu chậm đóng BHXH.

Các hội nghị, đối thoại luôn được BHXH thành phố quan tâm, triển khai nhằm giúp người lao động hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc đóng BHXH, BHYT.

Các hội nghị, đối thoại luôn được BHXH thành phố quan tâm, triển khai nhằm giúp người lao động hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc đóng BHXH, BHYT.

Bên cạnh việc xử lý vi phạm, BHXH Cần Thơ cũng triển khai các chương trình tuyên truyền, giúp doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc đóng BHXH, BHYT. Đơn vị cũng định hướng tổ chức các buổi tập huấn, đối thoại và cung cấp thông tin liên tục thông qua các kênh truyền thông đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT. Từ đó, hướng đến mục tiêu của BHXH Cần Thơ là giảm thiểu tình trạng chậm đóng và đẩy mạnh sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn.

“BHXH TP Cần Thơ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và nghiên cứu, xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng nặng hình thức xử phạt nhằm tạo sự răn đe. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ triển khai thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên. Đặc biệt, chúng tôi công khai thông tin và kết quả kiểm tra, thanh tra, đồng thời sẽ chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm theo quy định”, Phó Giám đốc BHXH TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Đọc thêm