Theo đó, hàng năm BHXH Việt Nam đều ban hành Kế hoạch PBGDPL ngành BHXH hướng đến đối tượng PBGDPL gồm công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH Việt Nam; đơn vị sử dụng lao động, người lao động; người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện PBGDPL, phân công rõ trách nhiệm các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL của ngành BHXH Việt Nam, thời gian hoàn thành và điều kiện bảo đảm thực hiện; kết hợp chặt chẽ công tác PBGDPL với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL.
Trên cơ sở đó, BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng Kế hoạch PBGDPL tại địa phương và triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch PBGDPL của BHXH Việt Nam.
Trong đó tập trung phổ biến các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn; các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan. Về hình thức, toàn ngành BHXH đã đa dạng các hình thức PBGDPL, đảm bảo cơ hội tiếp cận đến các đối tượng cần PBGDPL: tổ chức Hội nghị, hội thảo, cuộc thi, đăng tải tin, bài, sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng TTĐT BHXH ngành Việt Nam.
Chính vì vậy, công tác PBGDPL thời gian qua đã tạo sự chuyển biến trong ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của công chức, viên chức Ngành BHXH cũng như đơn vị sử dụng lao động và người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó, giúp người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa, quyền lợi, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT cũng như những nội dung cải cách chính sách BHXH, BHYT. Công tác PBGDPL được thực hiện tốt đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL của Ngành BHXH Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế BHXH Việt Nam đã đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, chú trọng đối tượng đặc thù; chú trọng việc lồng ghép nội dung PBGDPL trong các chương trình hội nghị, hội thảo, sản phẩm truyền thông; gắn với việc biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, PBGDPL, tổ chức thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Tăng cường các hoạt động đối thoại chính sách pháp luật gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động, tích cực thực hiện chuyển đổi số và phát huy sức mạnh của mạng xã hội trong công tác PBGDPL; đổi mới việc quản lý, vận hành, cập nhật kịp thời tin, bài, văn bản lên Trang phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, công chức, viên chức của Ngành tiếp cận thông tin, pháp luật dễ dàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Thứ ba, tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác PBGDPL; coi PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi công chức, viên chức trong đơn vị, trong đó vai trò quan trọng của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL; đào tạo kỹ năng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật.
Thứ năm, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL trong ngành BHXH Việt Nam.