Sở dĩ số tiền cao đến khó tin như vậy vì bệnh nhân này phải thường xuyên truyền máu và điều trị bằng các thuốc cầm máu hỗ trợ. Ông Đức cho hay chi phí 3,6 tỉ đồng bệnh nhân được cơ quan bảo hiểm chi trả là tính tới hết tháng 9-2017, có thể hết năm 2017 số tiền sẽ cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, tổng chi phí điều trị của bệnh nhân này là hơn 3,657 tỉ đồng. Do bệnh nhân thuộc diện bảo trợ (tức đối tượng được chi trả 100%) nên toàn bộ số tiền này BHYT chi trả. Thậm chí, kể cả những trường hợp đồng chi trả 20%, nếu bệnh nhân phải cùng chi trả số tiền vượt quá 6 tháng lương cơ sở và có thời gian tham gia BHYT trên 5 năm, thì quỹ BHYT cũng trả 100% các chi phí thuộc danh mục BHYT chi trả.
Hiện nay, mỗi năm, bệnh nhân nam này chỉ đóng BHYT theo quy định là 702.000 đồng/năm.
Cũng theo ông Đức, nếu bệnh nhân nào cũng được chi trả với số tiền lớn như thế thì nguy cơ vỡ quỹ rất cao. Tuy nhiên, bản chất BHYT nhằm chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền của người bệnh và tạo nguồn lực quan trọng để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Có những người đóng BHYT nhưng cả đời không sử dụng đến nhưng có người cả đời đóng bảo hiểm có khi đã tiêu sạch trong một lần điều trị. Với những bệnh nhân có chi phí lớn nhưng hợp lý, BHYT sẵn sàng chi trả.
Hiện nay, với những người tham gia BHYT theo hộ gia đình, số tiền đóng bảo hiểm giảm xuống còn 491.400 với người thứ 2; 421.200 đồng với người thứ 3; 351.000 đồng với người thứ 4 và 280.800 đồng với người thứ 5.
Với nhóm học sinh, sinh viên, năm học 2017-2018, mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân với số tháng tương ứng với thời hạn sử dụng của thẻ BHYT (mức lương cơ sở từ 1-7-2017 là 1.300.000 đồng) và HSSV chỉ cần đóng 70% chi phí, còn 30% còn lại sẽ được ngân sách chi trả.