Gần 700 năm qua, ít ai biết một báu vật bích họa về vị vua Trần Nhân Tông lại âm thầm lưu giữ tại một bảo tàng nước ngoài. Đến khi bản sao của bức thư họa được bán đấu giá tại nước ngoài vào năm 2012 với giá kỷ lục gần hai triệu USD, người ta mới bàng hoàng.
Hình ảnh trong bức tranh phiên bản. |
Tuyệt phẩm mô tả cuộc đời Phật hoàng
Tư liệu trong cuốn sách cổ “Thạch cừ bảo cấp bí điện châu lâm tục biên”, cũng như những lời đề từ trên bức họa cho thấy bức tranh do họa sư đời Nguyên là Trần Giám Như (người Hàng Châu, Trung Quốc) sáng tác vào khoảng mùa xuân năm 1363. Tên gọi “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” do Trần Đăng, người đầu tiên đề bút lên bức hoạ đặt ra.
Nhà nghiên cứu cổ vật, diễn giả Trần Đình Sơn, người tâm huyết góp công sức trong hành trình “giải mã” những bí ẩn liên quan đến bức tranh cho biết bức họa có chiều dài tổng cộng gần 10m (gồm 3m tranh vẽ, 7m lời đề từ), rộng 0,3m. “Tranh vẽ cảnh đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi, mô tả cảnh đoàn người đến đón Phật hoàng xuống núi, di chuyển bằng võng khiêng. Tranh gốc được vẽ bằng mực trên chất liệu giấy hoa tiên, tính đến nay đã trên 650 năm tuổi”, ông Sơn cho biết.
Tại một cuộc toạ đàm bàn về thân thế, sự nghiệp vua Trần Nhân Tông diễn ra tại Huế vào cuối tháng 2/2013 vừa qua, khi công bố bản chụp hình bức họa này, có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung bức thư hoạ liên quan đến hai chữ “xuất sơn”.
Nhiều ý kiến cho rằng tranh tả lại cảnh vua Trần Nhân Tông rời núi Vũ Lâm (Ninh Bình), lên núi Yên Tử tu hành. Trong khi đó, Đại đức, Tiến sĩ Thích Không Nhiên, chùa Hải Đức (Tp Huế) nhận định, bức họa tả cảnh lúc Phật hoàng sau khi đã tu hành đắc đạo nên hạ sơn đi khắp nơi truyền đạo.
Nhận xét về bức họa, nhà tu hành Thích Không Nhiên cho biết tranh đã phần nào mô tả những điểm nổi bật trong cuộc đời vua Trần Nhân Tông. Cụ thể, đó là vị vua nhà Trần sau khi giác ngộ Phật pháp đã từ bỏ ngai vàng, lên núi tu hành, lập ra thiền phái Trúc lâm ở Việt Nam. Nói cách khác, vua Trần Nhân Tông là người có công trong việc sáng lập, phát triển Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cùng có chung nhận định rằng bức thư hoạ không những chứa đựng giá trị văn hoá nghệ thuật mà còn mang giá trị lịch sử sâu sắc.
Bức tranh cung cấp cho người xem cái nhìn sâu rộng về trang phục, phần nào diện mạo đời sống văn hoá đất nước Đại Việt vào thế kỉ 13 – 14. “Bức tranh không chỉ khắc hoạ một sự kiện lịch sử là đại sĩ Trúc lâm xuống núi sau khi giác ngộ, mà còn tiết lộ chân dung của Thượng hoàng Trần Nhân Tông và cả con của ngài, Hoàng đế Trần Anh Tông, những chân dung vốn rất hiếm hoi trong di sản nghệ thuật còn bảo tồn được ở Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Nam (công tác tại Viện Harvard Yenching, Mỹ) nhận xét.
Số phận “long đong” của bích họa
Bức thư họa gốc đang được lưu giữ tại bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc). Trên thế giới cũng chỉ có duy nhất một bản sao của bức tranh được công bố. Đó chính là bức họa bán đấu giá tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 4/2012, đạt giá “khủng” 1,8 triệu USD (khoảng 36 tỷ đồng).
Bức tranh sao chép có kích thước 961 x 28cm, vẽ đen trắng trên chất liệu giấy xuyến theo loại hình tranh thuỷ mặc. Tranh vẽ tất cả 82 nhân vật, gồm đoàn người xuống núi và đoàn người đến đón. Giống với tranh nguyên bản, trung tâm bức tranh sao chép là Phật hoàng Trần Nhân Tông với những đặc điểm đặc trưng: Mày dài, tai to, tay cầm tràng hạt.
Ông Sơn cho biết, bức thư hoạ cổ đã có hành trình lưu lạc khá long đong. Tranh do Trần Giám Như sáng tác, nhưng một người họ Trần khác sống ở Trung Quốc là Trần Đăng mới là chủ sở hữu đầu tiên.
Tuy nhiên, bài dẫn trên bức thư hoạ lại cho thấy bức tranh thuộc về một người tên Trần Quang Chỉ. Năm 1420, Trần Quang Chỉ đã công bố bức tranh ra công chúng, đồng thời mời các danh sĩ nổi tiếng đến đề từ, chứng giám. Hiện chưa thể chứng minh được giữa Trần Đăng và Trần Quang Chỉ có quan hệ như thế nào, tại sao tác phẩm của Trần Giám Như lại về tay hai người này?.
Vào thời gian giữa triều nhà Minh, bức thư họa không rõ vì lí do gì rơi vào tay một nhà sưu tầm cổ vật ở tỉnh Chiết Giang. Sau khi nhà Thanh truất phế nhà Minh, bức tranh lần nữa “phiêu bạt” khắp nơi rồi vô tình xuất hiện trong kho cổ vật nhà Thanh.
Đến đời vua Phổ Nghi thì cách mạng Tân Hợi nổ ra, buộc ông phải thoái vị tìm đường chạy trốn ra nước ngoài. Cuộc chạy trốn thất bại, bị bắt giữ, chính quyền thu giữ toàn bộ hành trang, trong đó có bức tranh cổ vẽ về vị sư nước Đại Việt.
Từ đó đến nay bức thư họa được bảo tồn, lưu giữ tại bảo tàng Liêu Ninh, chưa từng công bố bản gốc ra công chúng.
Một tài liệu khác lại cho rằng bức tranh là báu vật trong kho tàng của Hạng Nguyên Biện, một giám thưởng gia nổi tiếng vào đời Minh sang đời Thanh, được giữ trong Cố Cung như một quốc bảo.
Năm 1922, Phổ Nghi tuy đã thoái vị nhưng vẫn ở trong Tử cấm thành, bí mật “tuồn” ra ngoài hơn 1.300 bảo vật, trong đó có cả bức thư họa này.
Lưu lạc đến năm 1949, số báu vật nói trên mới được đưa vào Bảo tàng Đông Bắc (nay là Bảo tàng Liêu Ninh) lưu giữ, công chúng không mấy dịp được chiêm ngưỡng nữa. Bức tranh cũng vì thế mà biệt tích.
Người Việt Nam có công phát hiện ra bức thư hoạ cổ trên chính là Tiến sĩ người Việt đang công tác tại Mỹ, ông Nguyễn Nam. Mười bốn năm trước đây, năm 1999, ông Nam trong một lần tình cờ đọc được một tài liệu hội hoạ của người Hoa, thấy nhắc đến bức tranh cổ vẽ đức vua Trần Nhân Tông.
Được sự cổ vũ của nhóm nghiên cứu Phật giáo “Suối nguồn” ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nam tiếp tục truy tìm tung tích bức thư hoạ, biết được thông tin bản gốc bức tranh hiện nằm tại bảo tàng Liêu Ninh, phiên bản được bán đấu giá tại Bắc Kinh vào năm 2012.
Tác giả bức tranh là người Việt?
Có một bí ẩn liên quan đến bức tranh mà đến nay giới nghiên cứu chưa thể lý giải. Đó là mối quan hệ giữa “bộ 3” tác giả - người sở hữu đầu tiên - người đề từ đầu tiên trên bức thư họa đều mang họ Trần. Từ đây, một câu hỏi đặt ra: Phải chăng những người này là con cháu hoàng tộc nhà Trần chạy trốn sang Trung Quốc, sau khi bị nhà Hồ đánh chiếm ngai vàng?.
Còn rất nhiều bí ẩn xung quanh bức họa |
Theo ý kiến ông Sơn, tài liệu cổ Trung Hoa cho rằng Trần Giám Như là danh hoạ thời nhà Nguyên, tuy nhiên tài liệu này lại viết ông “cư Hàng Châu” chứ không phải “Hàng Châu nhân”.
Do vậy không loại trừ Trần Giám Như là con cháu nhà Trần ở Việt Nam sống lưu vong tại Hàng Châu, tương tự như con cháu nhà Lý sinh sống ở Hàn Quốc.
“Chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu lai lịch của 3 người họ Trần này và làm rõ mối quan hệ giữa họ. Có như thế mới làm rõ thắc mắc những người này thuộc con cháu hoàng tộc nhà Trần ở Việt Nam. Nếu giả thiết trên là sự thật, khi đó chúng ta sẽ trịnh trọng tuyên bố rằng tuyệt bích “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” là do danh hoạ người Việt sáng tác”, ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, Đại đức, Tiến sĩ Thích Không Nhiên góp ý, giới nghiên cứu văn hoá cần chú trọng tìm hiểu mối liên hệ thân thế giữa 3 người họ Trần gắn bó mật thiết với bức thư hoạ cổ, từ đó mới có thể chứng minh tranh có phải do người Việt vẽ hay không.
Ông đưa ra lý lẽ khá sắc bén: “Một danh họa nước Nguyên lại đi vẽ chân dung vị vua trị vì đất nước vừa đánh bại hai cuộc xâm lăng của vó ngựa Nguyên - Mông (vào năm 1285 và 1288) quả là điều vô lý, khó lý giải”.
Còn trong trường hợp bức tranh là do người nước ngoài sáng tác thì sao?.
Trả lời câu hỏi này, Đại đức Thích Không Nhiên mỉm cười: “Nếu tác giả bức thư họa là người nước ngoài, chúng ta càng tự hào hơn về vị vua anh minh Trần Nhân Tông. Nhà vua, Phật hoàng của chúng ta vĩ đại tới mức ngay danh họa nước ngoài cũng phải ngưỡng mộ, vẽ tranh để đời”.
Quảng Thiên – Văn Mai