Điệu hát đi vào quên lãng
Để tìm hiểu về điệu hát Dô, tình cờ chúng tôi đến trụ sở xã Liệp Tuyết thì gặp ông Kiều Văn Bạch, cán bộ phụ trách Văn phòng Ủy ban, người nắm giữ những tài liệu liên quan đến điệu hát cổ. Qua lời kể của ông Bạch, làn điệu mà Liệp Tuyết có thuộc dạng cổ nhất của dân tộc còn lưu truyền đến ngày nay. Nó càng đặc biệt hơn khi một đời người, nếu may mắn được “lộc tuổi” thì cũng chỉ có thể dự hội hát Dô… hai lần. Vì sao ư? Bởi hội hát Dô chỉ mở duy nhất một lần sau quãng thời gian 36 năm.
Căn cứ theo lời kể và sổ sách về điệu hát Dô mà ông Bạch cung cấp thì gốc tích hát Dô được thuật lại như sau: Trong một lần đức Thánh Tản đi du ngoạn có qua đoạn ven sông Tích. Khi đến xã Lạp Hạ (nay là Liệp Tuyết), thấy ruộng đất phì nhiêu nhưng dân cư nghèo nàn, thưa thớt, ngài bèn dừng lại dạy dân trồng trọt, cày cấy. Không chỉ vậy, ngài còn gọi nam thanh, nữ tú (trai chưa vợ, gái chưa chồng) đến dạy hát múa. Sau đó, Đức Thánh Tản ra đi, hẹn mùa lúa chín sẽ về.
Ông Kiều Văn Bạch, cán bộ phụ trách Văn phòng Ủy ban xã Liệp Tuyết đưa ra những tài liệu chứng minh điệu hát Dô có gốc tích lâu đời. |
Mùa đó, người dân Lạp Hạ bội thu nhưng ngóng chờ mãi vẫn không thấy ân nhân quay lại. Người dân bèn dựng đền Khánh Xuân để lưu giữ và truyền dạy những điệu hát Thánh dạy. Bẵng đi quãng thời gian 36 năm sau, Đức Thánh Tản Viên mới quay lại. Thấy dân no ấm, ngài đã cùng dân tổ chức hát lại những bài hát mà mình đã dạy thuở nào.
Trước khi đi, Thánh Tản cùng dân Lạp Hạ giao kết rằng hội hát sẽ chỉ được tổ chức sau khoảng thời gian 36 năm. Ngài cũng nguyền rằng những ai dám xóa bỏ giao kết này sẽ gặp những chuyện không tốt lành, thậm chí bị ngài… vật chết!
Theo lời các cao niên làng Đại Phu, tục lệ khi xưa quy định khá ngặt nghèo nên người biết tường tận hát Dô gần như không có ai. Lệ tục ngặt nghèo ở chỗ, người làng chỉ được phép học hát vào khoảng tháng 8 năm thứ 35. Khi ấy dân làng mới bắt đầu đi tuyển các thiếu nữ từ 12 đến 18 tuổi để học các điệu hát ghi trong sách cổ. Những người hát nhất thiết phải đáp ứng yêu cầu như: “Con hát tuổi hạn hai mươi/ Nếu qua độ ấy thì thôi hát hò/ Bao giờ đến hội hát Dô/ Thì còn phải kiếm gái tơ chưa chồng…”.
Sau khi mở tráp, việc lấy sách học chỉ diễn ra từ ngày mùng 10 đến 15 thì lại phải cất sách, đóng tráp. Cách đúng 35 năm sau mới được mở ra lần tiếp. Theo đó, hội hát Dô được tổ chức chính thức từ ngày 10 đến 15 tháng Giêng tại đền Khánh Xuân. Sau ngày hội, dân làng tuyệt đối không ai được nhắc đến cụm từ “hát Dô”, không được cất tiếng hát và càng không được phép mở tráp ra xem sách nếu chưa đúng năm. Tất cả những đồ vật dùng trong lễ hát Dô như khăn, váy, túi đeo tay đựng trầu, sách ghi chép các làn điệu hát đều phải cất vào đền…
Kiêng cữ là thế, vậy nhưng khi chúng tôi hỏi sâu hơn về những ứng nghiệm của lời nguyền, người dân Liệp Tuyết chẳng mấy ai biết, cũng không ai đưa ra được những “bằng chứng sống” phạm kỵ. Ngay như ông Kiều Văn Bạch cũng chỉ mơ hồ khẳng định: “Các cụ ngày xưa kiêng cữ, gìn giữ như một lệ tục thì con cháu cứ thế mà theo thôi”.
Theo tìm hiểu, lễ hội hát Dô diễn ra khoảng thời gian gần đây nhất là năm 1926. Mặc dù Liệp Tuyết là địa phương phát tích ra điệu hát Dô độc đáo ấy nhưng lấy mốc từ những năm này trở đi, người dân nơi đây không mấy ai biết đến một làn điệu, một câu hát Dô.
Vượt qua lời nguyền, dựng lại điệu hát cổ
Quà Thánh rơi ở giữa làng/ Phúc tôi “nhặt” được phải năng giữ gìn/ Hai con một nách, không tiền/ Hát Dô tôi biết còn “hèm” thì... quên. Lời thơ mà bà Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết đọc cho chúng tôi nghe tưởng chừng cho vui tai, nhưng nếu ngẫm kỹ thì nó như một đoạn kết vắn tắt ghi lại quãng thời gian vượt qua lời nguyền, dựng lại thành công điệu hát cổ.
l Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô khẳng định người dân Liệp Tuyết hiện giờ đã bước qua “lời nguyền”, hát Dô đang được hồi sinh. |
Nghe bà Lan thuật lại, năm 1989 huyện Quốc Oai bắt đầu manh nha ý tưởng phục dựng lại hát Dô. Mọi sự càng thuận lợi hơn khi quỹ For sau khi thẩm tra cũng tài trợ 60 triệu để cho dân làng phục hồi. Có kinh phí lại được chủ trương ủng hộ nghe qua tưởng mọi sự hanh thông nhưng khi đem đề xuất này ra với dân làng thì ai cũng… sợ. Người Liệp Tuyết sợ hát Dô một phần vì lời nguyền, phần khác vì chẳng ai biết hát Dô là gì ngoài dăm, ba cụ tuổi trên 80 thuộc vài làn điệu.
Bà Lan chia sẻ: “Ngày đó chúng tôi tập hợp được 25 người, bao gồm cả những cụ bà và thanh, thiếu niên. Trong xã chỉ còn vỏn vẹn vài cụ từng hát tại Hội như cụ Tạ Văn Lai, cụ Kiều Thị Nhuận, cụ Đàm Thị Điều… sau khi trình bày lý do muốn lưu giữ lại điệu hát mà các cụ thuộc, thuyết phục mãi tôi cũng ghi lại được dăm, ba làn điệu”.
Theo lời bà Lan, mọi sự đang tiến triển tốt thì bỗng dưng có điều trùng hợp rất khó giải thích đó là sau khi các cụ truyền lại những điệu hát cổ xong, bỗng đều sinh ốm đau rồi mất. Thế rồi, một thành viên trong câu lạc bộ cũng xin nghỉ vì lý do gia đình cấm bởi nếu đi hát mai này sẽ bị bệnh nặng và… tâm thần giống như người bà. Sau khi người này nghỉ, các thành viên đang học hát Dô cũng lần lượt xin bà Lan nghỉ theo.
Để lấy lại tinh thần cho mọi người, bà Lan cùng lãnh đạo địa phương ngoài việc vận động các thành viên tiếp tục học hát còn gấp rút “làm lễ”, xin mở cuốn sách cổ ghi các làn điệu hát Dô trong đền Khánh Xuân. Năm 1998, Câu lạc bộ hát Dô Liệp Tuyết chính thức được thành lập.
Theo bà Lan, hát Dô gồm có tổng cộng 36 làn điệu, nó gần gũi, dân dã tới mức từ câu chữ đến lối diễn đều hoàn toàn mô phỏng đời sống hàng ngày của người lao động. Ví dụ như: “Rủ là rủ nhau, rủ là rủ nhau, ồ rằng lên núi, ồ rằng lên núi, lên núi hái chè/ Hái dăm ba mớ, xuống khe, xuống khe ta ngồi, ta ngồi…”. Đặc biệt hơn là nó hay theo đúng nghĩa với âm điệu lạ, luyến láy không thể lẫn với các điệu hát khác.
Nói sâu thêm về hát Dô, ông Kiều Văn Bạch hồ hởi: “Ghi nhận những giá trị của hát Dô Liệp Tuyết, năm 2003 Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã công nhận hát Dô là địa chỉ văn hóa dân gian. Năm 2005, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phối hợp với quỹ Ford thực hiện dự án bảo tồn và phát huy hát Dô. Riêng bà Nguyễn Thị Lan hiện cũng được các ban ngành chức năng công nhận danh hiệu nghệ nhân hát Dô”.
Bằng sự gắng sức bảo tồn, nay hát Dô ở Liệp Tuyết đã không phải chờ đợi 36 năm mới được tổ chức một lần nữa. Mỗi độ xuân về, đội hình hát Dô bao gồm “Cái hát” (Ám chỉ người nam giữ nhịp hát - PV) và các “Bạn nàng” (Những người con gái trong đội hình hát - PV), lại khiến không khí đón xuân ở Liệp Tuyết càng trở nên ấm nồng.
Hát Dô không chỉ được những người dân nơi đây gìn giữ thành công mà nó còn đi ra cả nước ngoài. Những điều kỳ bí do “lời nguyền của Thánh” đem lại không còn làm cho người hát Dô sợ hãi nữa mà nó còn như thêm chút “gia vị” để tạo cho hát Dô những bí ẩn, linh thiêng.
Vãn hồi câu chuyện, đâu đó trong đôi mắt nghệ nhân hát Dô Nguyễn Thị Lan tôi thấy lẩn khuất nét phiền muộn. Nếu thẳng thắn ghi nhận thì điệu hát Dô như đốm lửa tàn sắp tàn, sau bao năm được những con người nhiệt huyết gìn giữ nó lại được nhen nhóm, thổi bùng lên mạnh mẽ.
Vậy nhưng, khi xét trên góc độ quản lý, điệu hát cổ ở Liệp Tuyết hiện vẫn chưa có phương án bảo tồn cụ thể nào. Và những nghệ nhân dân gian thuộc nhiều làn điệu cổ như bà Lan hiện vẫn đang lay lắt sống. Họ truyền dạy điệu hát bằng cái tâm chứ hoàn toàn không có bất kỳ chế độ trợ cấp nào.