Bí ẩn làng có những ngôi nhà đối lưng nhau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Làng Yên Thái ở cuối đường Thụy Khuê, nằm sát Hồ Tây và chợ Bưởi (Hà Nội). Đây là một làng cổ đất kinh kỳ, có nghề làm giấy dó truyền thống lại gần sông, gần hồ, gần đường, gần chợ nên nền văn hóa dân gian rất phong phú. Ít ai biết được, làng hình Kim Quy, có những dãy nhà áp lưng vào với nhau. Một nửa làng “ngoảnh” về hướng Tây Nam, một nửa quay về hướng Đông Bắc rất độc đáo. Và đặc biệt hơn là lễ hội cúng gà, bò thui, cơm tẻ, xôi nếp cho hai vị Thánh đã “trầm mình cứu vua”.
Làng Yên Thái xưa.
Làng Yên Thái xưa.

Dân phát đạt vì nhà hai nửa làng đối lưng nhau

Vào đầu thế kỷ thứ 6, vùng đất này đã có dân cư sinh sống. Đến năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Trường Yên ra Thăng Long, lấy thành Đại La do Cao Biền dựng trước đây xây đắp, tu bổ lại thành Kinh thành Thăng Long thì các làng ven hồ Tây như Yên Thái đã trở thành vùng đất trù phú, có phong cảnh hấp dẫn kỳ lạ đối với các vua nhà Lý.

Yên Thái là một làng có địa thế đẹp theo thuyết phong thủy. Cả làng nằm trên một quả đồi cao có tên là đồi Kim Quy- tựa hình như một con Rùa. Dưới con mắt của dân gian thì toàn bộ xóm giữa như một thân Rồng, đầu vươn ra ngã ba nơi giao tiếp giữa sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Hai bên có hai giếng nước rất trong gọi là mắt Rồng cung cấp cho người dân quanh vùng.

Trong làng đường sá sạch sẽ phong quang. Vốn là một làng cổ nên các thôn trong Yên Thái còn giữ được hệ thống cổng làng khá nguyên vẹn. Đó là cổng Yên Thái, cổng Hầu, cổng Xanh, cổng An Đông. Trên cổng làng Yên Thái có dòng mỹ tự do vua Tự Đức ban cho là “Mỹ tục khả phong” được bà con chạm khắc, sơn son thiếp vàng treo lên giữa cổng, đến nay vẫn còn.

Cụ Lý Khắc Kính - hơn 8 thập kỷ sống trên mảnh đất này, cụ hiểu rất rõ “ngóc ngách” của Yên Thái. Theo cụ, làng này không giống với các trăm làng khác ở đất Kinh kỳ. Hồi xa xưa, dân làng này đói nghèo, xác xơ. Cả làng nằm trên “mai rùa” mà không ai hay.

Một lần có ông thầy địa lý bí ẩn đi qua làng. Ông thầy địa lý dừng lại khá lâu để ngắm nghía. Sau đó, ông phán: “phong thủy đẹp, có hình Kim Quy mà nhà cửa quay hướng lộn xộn”. Ông khuyên rằng, nếu làm ăn muốn phát đạt, dân yên bình thì các ngôi nhà trong làng phải quay lại hướng. Một nửa đầu làng phải quay về hướng Tây Nam, một nửa cuối làng quay về hướng Đông Bắc thì mới thuận.

Nghe vậy, các bô lão trong làng họp lại và quyết định theo lời thầy địa lý bí ẩn. Nhất loạt dân trong làng không ai bảo ai tự giác quay đổi hướng nhà. Hồi xưa, những ngôi nhà chỉ là những nhà rơm rạ nên việc quay lại hướng nhà không quá khó khăn.

Làng được chia làm hai hướng. Nửa ngôi làng đầu và nửa ngôi làng cuối đối lưng nhau, ngoảng ra hai phía. Làng Yên Thái không còn cảnh nhà quay hướng lộn xộn nữa. Dù nhà đối lưng nhau, nhưng tình làng ở đây không hề chia cắt. Họ yêu thương, đùm bọc nhau.

Theo các vị bô lão trong làng, có lẽ cũng vì hướng thống nhất, hợp phong thủy nên dân làng từ ấy dân không còn đói khổ, làm ăn dần phát đạt, yên vui. Làng Yên Thái là làng khá giả, sầm uất trong đất kinh kỳ. Chợ Bưởi đã tồn tại hàng bao thế kỷ trước những biến động lớn lao của thời cuộc: “Chợ Bưởi có điếm cầm canh/ Người qua kể lại như tranh họa đồ”.

Lễ hội Yên Thái.

Lễ hội Yên Thái.

Làng Yên Thái xưa kia không chỉ có truyền thống học hành và đã có nhiều người đỗ đạt khoa làm rạng danh cho làng mà còn có nghề truyền thống làm giấy dó thủ công nổi tiếng. “Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Giấy Yên Thái có nhiều loại như giấy lụa, giấy quý, giấy bản, giấy moi…

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những ngôi nhà của Yên Thái ngày nay lại quay về nhiều hướng khác nhau để phù hợp với con đường mới và cuộc sống hiện đại.

Lễ hội tưởng nhớ hai vị Thánh “trầm mình giúp vua”

Yên Thái còn có lễ hội độc đáo. Hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán khoảng tháng 2, dân làng Yên Thái lại tấp nập bước vào lễ hội. Yên Thái tổ chức lễ hội nhằm đem niềm vui đến cho mọi nhà cũng là để thực hiện nguyện vọng của vợ chồng Thành Hoàng làng.

Theo thần tích lưu truyền, dưới triều Vua Lý Nhân Tông (Thế kỷ XI), nhà vua bị đau mắt, chữa mãi không khỏi, qua xin bói, được biết “bị con nước xói vào thành, nên thánh thể bị tổn thương, nhà vua phải trấn tỏa mới yên vui được”. Sau đó, vua sai lập đàn cầu đảo và được thần báo mộng “phải có người hy sinh nhảy xuống chỗ hợp lưu giữa sông Tô Lịch và sông Thiên Phù, sau đó phong làm phúc thần, lập miếu thờ cúng mới có thể chế ngự được dòng nước và bệnh vua mới khỏi”.

Khi ấy, đúng thời khắc mà thần báo mộng, vợ chồng ông Vũ Phục hành nghề bán dầu đi qua chỗ hợp lưu đó. Sau khi nghe sứ thần giải thích, đã “quên mình vì nước để giúp vua” nhảy xuống sông tự vẫn. Nhờ công tích đó, họ được tôn thờ là Thành hoàng làng Yên Thái.

Theo lưu truyền thì trước khi nhảy xuống sông, nhà vua có hỏi nguyện vọng cuối cùng của hai người như thế nào để nhà vua sai người thực hiện đầy đủ. Bà Vũ Phục đề nghị sau khi chết thì được cúng giỗ hàng năm và trong lễ vật dâng cúng cho Bà phải có cơm nếp cúng với gà mái ghẹ. Ông Phục thì có nguyện vọng trong lễ cúng vào mùa xuân phải ca hát, có xôi dẻo, thịt bò thui béo vì lúc sinh thời ông rất thích những thứ đó.

Một góc Yên Thái nay.

Một góc Yên Thái nay.

Mỗi lần tới lễ, làng cử người ra chợ Bưởi sắm đầy đủ các thứ đã định. Gà mái ghẹ thì phải chọn loại mới lớn, lông óng mượt. Khi làm thịt xong thì để nguyên cả con mà luộc, uốn cổ cánh theo hình một con phượng đang chầu đưa lên đàn cúng. Nước luộc gà phải dùng nước tinh khiết và khi vớt gà ra thì lấy nước ấy mà thổi cơm nếp để cúng cho bà luôn. Còn cúng ông thì chọn gạo nếp cái hoa vàng để đồ xôi cho dẻo. Bò thì chọn con béo ngậy để thui. Mùi thịt nướng bay xa thơm lừng khắp làng.

Những thứ lễ vật này phải được chuẩn bị đầy đủ trong đêm mồng 9. Sáng ngày mồng 10 tháng 2 là ngày lễ chính. Các giáp cử người lần lượt khiêng cỗ tế ra đình. Làng có tất cả 8 giáp. Các tộc họ ăn theo giáp nên không phải sắm sửa gì riêng. Khi các giáp đã dâng đủ lễ tế thì trong đình bắt đầu làm lễ “tế cả”- tức là lễ tế lớn nhất, long trọng nhất.

Theo quy định của làng thì đội tế phải là các trai đinh đã học hành đầy đủ, khôi ngôi, có đủ phẩm hạnh, không vướng tang. Quan tiên chỉ làm chủ tế, bốn cụ có tuổi phục lộc đề huề làm phụ tế, sáu trai đinh làm cử mịch, 10 trai đinh tiến trước, hai Đông xướng và Tây xướng.

Đội tế tất cả 21 thành viên và những thành viên này đều phải tập luyện cẩn thận, trang phục chỉnh tề - chủ tế thì mặc áo thụng đỏ, quần dài trắng, đội mũ vuông có đuôi; các thành viên thì mặc áo thụng xanh, quần dài trắng, đội mũ vuông không có đuôi. Tất cả đều đi hài. Nghi thực tế cả gồm dâng tửu ba tuần, đọc chúc văn; hóa chúc văn. Xong các tuần tế ấy thì các quan viên, các bô lão vào lễ tạ. Sau khi lễ tạ xong, cỗ của giáp nào trả về giáp ấy để chia lộc theo suất đinh.

Hội ở đây cũng được tổ chức sở thích của hai vị Thành hoàng làng. Nguyện vọng của hai Thánh lúc sinh thời là mùa xuân ấp áp có ca hát vui vẻ vào buổi chiều, tối. Làng mời các phường, hát, phường chèo, phường tuồng có tiếng về phục vụ. Các quan viên ngồi trên chiếu bậc cao tham dự và đánh trống chầu giữ nhịp cho các đào hát ca trù.

Nội dung các bài hát là những lời ca ngợi công đức Thánh, ca ngợi tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình dòng học Vũ đã xả thân vì Vua, vì Nước. Ngoài ca hát, dân làng còn tổ chức các trò vui chơi, giải trí ngoài trời để cho mọi tầng lớp có điều kiện tham gia như nhún đu, bắt vịt, bắt chạch… Có thể nói đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tao nhã được dân làng Yên Thái say mê, ưa chuộng.

Với những ngôi nhà phong thủy độc đáo và lễ hội cúng gà mái ghẹ, bò thui, cơm nếp, xôi nếp cho hai vị Thánh đã hy sinh thân mình vì nghĩa lớn làm góp phần tạo nên một Yên Thái rất riêng biệt từ ngàn đời. Dân làng luôn vun đắp và gìn giữ “Mỹ tục khả phong” mà vua Tự Đức ban cho: “Mỹ tục thuần phong vĩnh chiếu Tây Hồ minh giám/ Thiên ngôn hảo sự trường lưu mạt lời danh hương”. Nghĩa là: Nếp sống đẹp mãi mãi như tấm gương hồ Tây chiếu sáng/ Lời nói hay như dòng nước thơm hương không màng danh lợi”.

Đọc thêm