Bị dân kiện, “quan” dọa “cho thẩm phán mất chức”

(PLO) - Từng có hàng chục năm làm thẩm phán tại TAND TP.HCM, cựu thẩm phán Phạm Công Út (nay là Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) đã có một vụ án nhớ đời khi xử “dân kiện quan”. 
Hình minh họa
Hình minh họa
“Tại phiên tòa hôm ấy, đại diện cho một cơ quan chính quyền của địa phương cho rằng họ không có lỗi để phải đứng trước tòa.
Người đi kiện cơ quan nhà nước ấy là một chị phụ nữ nông dân chất phác, cho rằng mình đã bị mất trắng thửa đất hàng ngàn m2 từ mồ hôi công sức của cả gia đình chị đổ ra từ nhiều năm qua mới có được.
Tôi hỏi bị đơn: 
- Vì sao các ông không bồi thường tiền giải phóng mặt bằng cho phía nguyên đơn?
Đại diện bị đơn:
- Vì phía nguyên đơn mua đất nhưng không chịu làm giấy tờ chuyển đổi chủ quyền nên chúng tôi chỉ có trách nhiệm bồi thường cho người đứng tên trên sổ đỏ hợp pháp.
- Vậy các ông đã bồi thường tiền cho người đã nhận tiền bán đất cho nguyên đơn từ hàng chục năm trước sao?
- Làm sao chúng tôi biết được ai là người đứng tên sử dụng hợp pháp miếng đất này nếu họ không có tên trên sổ đỏ. Do đó chúng tôi chỉ bồi thường cho người đứng tên trên sổ đỏ mà thôi.
Tôi hỏi:
- Xung quanh khu đất này có rất nhiều hộ đã chuyển nhượng đất cho nhau từ hàng chục năm qua nhưng cũng không được đứng tên trên sổ đỏ. Vậy thì các ông giao tiền bồi thường cho ai?
Cựu thẩm phán Phạm Công Út
 Cựu thẩm phán Phạm Công Út
Đại diện bị đơn:
- Ơ … Thì chúng tôi giao tiền đền bù cho những người đang sử dụng đất trực tiếp.
Tôi hỏi: 
- Làm sao các ông biết ai là người sử dụng đất trực tiếp khi sổ đỏ lại là người chủ cũ cách đó hàng chục năm đã bán và chuyển đi nơi khác từ lâu?
Đại diện bị đơn:
- Ơ… tôi đề nghị tòa phải bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, đừng hỏi chúng tôi cắc cớ như vậy!
Tôi gằn giọng: 
- Khi tham gia tố tụng, các đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, để nghị ông trả lời trực tiếp vào câu hỏi của Tòa.
Lúc này, đại diện bị đơn liên tục lau mồ hôi trán và liên tục:
- Tôi đề nghị tòa tạm hoãn phiên tòa lại để chúng tôi về xin ý kiến lãnh đạo.
Tôi nói: 
- Việc “xin ý kiến lãnh đạo” của các ông không thuộc điều kiện để tạm hoãn phiên tòa theo luật định, đề nghị ông trả lời trực tiếp câu hỏi của tòa.
Đại diện cho bị đơn cương quyết không trả lời bất kỳ câu hỏi nào nữa.
Bản án hôm đó, HĐXX tuyên buộc phía bị đơn phải bồi thường tiền giải phóng mặt bằng theo đúng yêu cầu của nguyên đơn, chị nông dân chất phác kia.
Kết thúc phiên tòa, tôi nghe người bảo vệ giữ xe của cơ quan nói lại rằng, đại diện cho bị đơn, người đàn ông kia vừa ra lấy xe, vừa lầm bầm hăm dọa rằng, “thằng” thẩm phán này sẽ bị mất chức nay mai”./.

Đọc thêm