Bản lĩnh thẩm phán và chuyện án “dân kiện quan”

(PLO) - Những vụ án hành chính vẫn được nôm na gọi là án “dân kiện quan. Hôm nay (23/6), trong phiên thảo luận  của QH về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính, nhiều ĐB vẫn lo ngại về bản lĩnh thẩm phán trong những vụ án mà bị đơn là UBND huyện, là chủ tịch huyện trong khi người xử án là các thẩm phán huyện.
Hiện tại, có hai luồng ý kiến đối với quy định về thẩm quyền của giải quyết các khiếu kiện hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Ý kiến thứ nhất là ủng hộ việc tòa án cấp tỉnh xét xử quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. 
Ý kiến thứ hai là vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Tòa án cấp huyện thụ lý và xét xử sơ thẩm vụ án hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. 
Mấu chốt của hai luồng ý kiến này là câu chuyện bản lĩnh của thẩm phán cấp huyện khi thụ lý án "dân kiện quan".
E ngại, nể nang  "nắn" phán quyết?
Ủng hộ quan điểm giao tòa án cấp tỉnh xét xử khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, một số ĐBQH tỏ ý không tin tưởng vào bản lĩnh của các thẩm phán cấp huyện đối với những áp lực của “cấp trên”.
ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hoá) cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa cao, là do thẩm phán cấp huyện còn có sự e ngại, nể nang và áp lực khi tuyên xử quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện. 
“Một thực tế hiện nay chính quyền cấp huyện xem tòa án như là một cơ quan phòng ban chuyên môn, điều này thực sự đã ảnh hưởng tới việc vị thế và sự độc lập xét xử của tòa án mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định.” – ông nói. 
ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa)cũng nêu những bất cập: “ Kiểm sát viên, Thẩm phán khi xét xử sơ thẩm chịu nhiều áp lực ở địa phương không nêu được quan điểm áp dụng pháp luật đúng đắn, khi giải quyết làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân vì các quyết định quy hoạch, thu hồi đất, triển khai dự án thường được thông qua tập thể của cấp ủy Ủy ban nhân dân địa phương.
Đối với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử phúc thẩm vì thế người dân thắng kiện rất hy hữu thường chỉ xảy ra ở giai đoạn xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.”
Nhận định do nhiều nguyên nhân khác nhau, Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn phụ thuộc nhiều vào cấp ủy và cơ quan hành chính, tính độc lập của thẩm phán bị chi phối nhiều về mặt tổ chức nhân sự, về điều kiện tái bổ nhiệm, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng việc xử án của thẩm phán cấp huyện vẫn bị ảnh hưởng và chi phối.
Theo bà, điều này không những làm yếu đi vị thế vai trò của thẩm phán cấp huyện về lâu dài còn khiến cho người dân không tin tưởng nhiều vào Tòa án hành chính, mà sẽ tiếp tục lựa chọn việc giải quyết bằng con đường khiếu nại, điều đó khiến cho tình trạng khiếu nại kéo dài phức tạp. 
ĐB Huỳnh Văn Tính
ĐB Huỳnh Văn Tính  
ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) khẳng định thay đổi thẩm quyền như vậy là một quy định cần thiết, bởi quyết định trên sẽ tháo gỡ được những khó khăn của Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện đang rơi vào tình thế khó có thể khách quan, vô tư được khi thi hành công vụ, khi được giao xử lý những vụ án có liên quan đến Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. 
Việc quy định như trên là một biện pháp tất yếu, để đảm bảo tính khách quan, độc lập trong xét xử. Quy định như trên vừa giải tỏa được tư tưởng của Thẩm phán, vừa đảm bảo cho người dân tin tưởng vào sự khách quan của tòa án.
“Điều tôi băn khoăn còn lại là bản lĩnh của Thẩm phán cấp tỉnh có đủ sức vượt qua tình thế khó có thể khách quan, vô tư khi thi hành công vụ, khi xem xét xử lý những vụ liên quan đến các quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. 
Thực tế chúng ta thấy, không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ Tòa án, cũng đang phấn đấu vì cấp trên nhiều hơn phấn đấu vì dân, gần quan, xa dân. Những cán bộ như vậy, chúng ta không tin tưởng có đủ bản lĩnh để vượt qua những khó khăn này. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu khắc phục những tình hình trên. Nếu vì Quốc hội biết Thẩm phán cấp tỉnh sẽ rơi vào tình thế khó có thể khách quan, vô tư, nhưng vẫn giao nhiệm vụ cho họ, trước tiên là sai phạm của người làm luật, sai phạm có thể bắt nguồn ngay từ các điều luật. .” ĐB phát biểu trước QH  
Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật
Bảo vệ bản lĩnh của những người nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc xét xử những vụ án hành chính, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) bức xúc: 
“Thực tiễn qua 4 năm thực hiện luật cho thấy đã từng bước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước pháp luật, thể hiện sự bình đẳng của công dân với các cơ quan hành chính nhà nước. Nay cho rằng, năng lực của các thẩm phán cấp huyện còn hạn chế, dẫn đến tỷ lệ án bị hủy cao hơn, nên cần sửa đổi Điều 29, 30 Luật tố tụng hành chính hiện hành là không có tính thuyết phục, đi ngược lại lộ trình cải cách tư pháp.”
Ông cũng cho rằng Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Về mở rộng thẩm quyền của tòa án cấp huyện, do đó việc sửa đổi như trên là xây dựng luật theo hướng thụt lùi, không dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
“Qua khảo sát, hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có bản lĩnh, lập trường rõ ràng, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nên không ngại xét xử các vụ án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp khi có vi phạm.
Việc án hành chính bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm chiếm tỷ lệ cao, so với các loại án khác như giải trình của Ban soạn thảo là do một số thẩm phán cấp huyện, cấp tỉnh, thiếu năng lực chứ không phải chỉ do thẩm phán cấp huyện lo sợ, né tránh. 
Điều này có nghĩa là năng lực của thẩm phán cấp tỉnh cũng cần được đánh giá lại chứ không phải riêng gì thẩm phán cấp huyện.” ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu. 
ĐB Nguyễn Bá Thuyền
 ĐB Nguyễn Bá Thuyền 
Đồng quan điểm của ĐB Huỳnh Nghĩa, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng khẳng định không có một lý do gì nói là trình độ cán bộ cấp huyện yếu, bởi vì họ đã làm được những vụ án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh ngày trước làm.
“Sợ thẩm phán không dám đối đầu với chính quyền địa phương, tôi cho rằng điều đó không phải như vậy. Bởi vì, nếu chúng ta nói như thế thì tất cả dồn lên cấp tỉnh, người dân phải kiện một vụ án hành chính đi rất xa. Ví dụ Lâm Đồng từ cấp huyện lên cấp tỉnh gần 300 cây số để đi kiện thì việc này rõ ràng trở ngại cho dân mà người dân người ta muốn gần để tiếp cận công lý thuận hơn, bây giờ chúng ta lại dồn về cấp tỉnh, tôi cho việc đó không thuận lợi cho dân mà gây khó khăn cho dân.”
ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ), ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đều đề nghị giữ nguyên thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như luật hiện hành. Có như vậy mới đảm bảo tinh thần cải cách tư pháp, tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện. 
“Nếu vì lý do mở rộng thẩm quyền nhằm đảm bảo tốt hơn nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án và không bị ảnh hưởng của chính quyền địa phương theo địa giới hành chính là chưa có sức thuyết phục, không đúng với nguyên tắc hiến định, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp.” – ĐB Phương Thị Thanh nói.

Đọc thêm