“Hạ sách” trốn chạy đói nghèo
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại vùng núi huyện Con Cuông( Nghệ An), cô gái Ngân Thị Hưng(SN 1996, ngụ xã Đôn Phục) sớm phải gấp sách vở rời ghế nhà trường vì gia đình đông anh em, mẹ lại hay ốm đau bệnh tật. Lên 10 tuổi, cô bé đã biết cùng mẹ vào rừng kiếm củi bán lấy tiền mua gạo, mót sắn. Bước sang tuổi 15, Hưng thành một thiếu nữ xinh xắn, khuôn mặt dễ thương, dáng người nhỏ nhắn.
Tháng 7/2011, nghe nhiều người trong bản truyền tai nhau về một cuộc sống mới bên xứ người, rằng qua Trung Quốc làm việc hoặc lấy chồng sẽ được hưởng một cuộc sống giàu sang, sung túc; được ăn no mặc đẹp. Hưng chủ động tìm gặp chị họ Lang Thị Ngân (SN 1986, ngụ bản Hồng Thắng), người được biết đến là có thể đưa người qua Trung Quốc: “Ở nhà khổ lắm, lại không có tiền. Chị qua Trung Quốc thì cho em đi cùng, qua đó em làm thuê kiếm tiền về phụ mẹ”.
Ngân dụ dỗ ngọt ngào: “Qua Trung Quốc làm việc làm gì cho khổ, tao sẽ đưa mày qua bên đó lấy chồng, vừa có cuộc sống nhàn hạ, lại nhiều tiền tiêu xài. Xinh đẹp như mày ở nhà lấy chồng làm gì cho khổ.” Chỉ nghe như vậy, Hưng đã nhận lời mà không một chút nghi ngờ, lại còn nhờ Ngân cho cô bạn thân của mình SN 1997 đi cùng.
Sau khi dụ dỗ được hai con mồi, Ngân cấu kết với Lương Thị Nhung (SN 1988, cùng ngụ bản Hồng Thắng), là người cầm đầu đường dây mua bán người và Vi Văn Sơn (SN 1983, ngụ bản Hồng Điện) để sắp xếp. Một ngày giữa tháng 9/2011, Hưng điện thoại cho Ngân hỏi bao giờ đi. Chỉ đợi có vậy, Ngân và bạn đã đồng ý, cùng bắt xe đi cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Đến Móng Cái, nhóm buôn người đưa hai cô gái đến một bến đò rồi qua Trung Quốc, gọi người đến xem “hàng”.
Cuộc mua bán người cay đắng như mua mớ rau con cá. Nhóm buôn người nhận 28 triệu đồng là giá hai cô thôn nữ. Hai nạn nhân sau đó bị bán lại. Hưng bị bán với giá 5 vạn nhân dân tệ (tương đương hơn 150 triệu VNĐ), riêng người bạn của cô bị bán cho ai, với giá bao nhiêu thì không rõ, đến nay tung tích vẫn bặt vô âm tín.
Ước mơ hóa ác mộng
Hai năm sau ngày bị bán, có mặt tại phiên tòa tại Nghệ An với tư cách nạn nhân, Hưng trông già dặn hơn nhiều so với cái tuổi 17. Cơn ác mộng đã qua đi, nhưng Hưng kể, vẫn ám ảnh như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Những ngày làm vợ nơi xứ người là những ngày tủi nhục, gánh bao nỗi đau đớn, ê chề cả tâm hồn lẫn thể xác.
Khi bị người chị họ nhẫn tâm bán qua Trung Quốc, Hưng mới 15 tuổi. Hưng phải lầm lũi thức khuya dậy sớm chăm lo cuộc sống cho một gia đình xa lạ, còn bị người chồng hờ hành hạ thân xác với những trận đòn roi khi làm trái ý hay bị coi là không “chiều chồng” đến nơi đến chốn.
Không danh phận, không ngôn ngữ, không tiền bạc, Hưng bị xem như nô lệ… Thậm chí cho đến tận bây giờ, ngay cả cái tên của người chồng “hờ” và địa chỉ nơi mà Hưng đã phải gắn bó một thời gian, em cũng mơ hồ, không nhớ rõ.
|
Các bị cáo trong phiên tòa xử vụ buôn bán người |
“Ngày làm việc quần quật, tối đến nhớ nhà, em lại khóc, cứ sợ lúc thức dậy lại bị đánh đập, chửi mắng. Chồng em bên ấy già hơn cả bố em”, cô nhớ lại.
Mẹ của Hưng nhớ lại, ngày con gái trốn đi, gia đình không hề hay biết. Một ngày, rồi hai ngày, gia đình đã tổ chức đi tìm mà vẫn không tung tích gì. Thời gian Hưng bỏ nhà đi lại vào mùa mưa lũ, mưa kéo dài nên gia đình cứ tưởng em bị nước lũ cuốn trôi khi lên núi kiếm củi.
Phải mất hơn 1 tháng sau. Hưng điện thoại về, mới biết con mình là đã bị Ngân và mấy người lạ mặt bán sang Trung Quốc.
Hưng cay đắng: “Em mần răng biết được đó chỉ là kịch bản mà bọn buôn người đã dàn dựng lên để lừa gạt như vậy. Ở bên nớ sống khổ hơn ở với cha mẹ rất nhiều, lại bị đánh đập nữa…”.
Hỏi tại sao trước khi đi không xin ý kiến của bố mẹ, anh chị trong gia đình, Hưng cúi đầu: “Em sợ bố mẹ không cho đi, lại bắt ở nhà lấy chồng, sinh con. Em chưa muốn lấy chồng. Quê em nghèo, em muốn đi cho đỡ khổ”.
Tự đẩy mình vào bi kịch
Ngày 23/4/2012, lợi dụng lúc gia đình chồng không có người ở nhà, Hưng đã trốn ra ngoài. Trong đêm trốn chạy, em may mắn gặp được một người đồng hương đang định cư ở Trung Quốc. Biết được hoàn cảnh éo le của cô bé, người phụ nữ này đã đưa em trở về lại Việt Nam.
Sau khi trở về quê, Hưng đã làm đơn tố cáo tội ác của người chị họ cùng đồng bọn. Các đối tượng bị bắt khẩn cấp.
Người mẹ cho biết, từ ngày được đoàn tụ với gia đình, con gái mình trở nên ít nói, luôn né tránh mọi người. Cách nói chuyện và suy nghĩ của cô “bà cụ” hơn rất nhiều so với tuổi.
Ngân Thị Hưng là một trong 16 nạn nhân( trong đó có 5 trẻ em) trong vụ mua, bán người lớn nhất xứ Nghệ được TAND tỉnh Nghệ An bị đưa ra xét xử giữa năm 2013. Các đối tượng buôn người cuối cùng cũng phải đền tội nhưng nỗi đau mà những nạn nhân phải gánh chịu sẽ còn ám ảnh. Điều đáng nói, bi kịch của Hưng một phần là do chính sự nhẹ dạ, cả tin của bản thân em tạo nên.
Câu chuyện có một đoạn kết có tình tiết ấm lòng. Được trở về với bản nghèo, được sống bên gia đình, Hưng lại được khoác lên mình chiếc áo cô dâu, được lên xe hoa về nhà chồng. Cô có một cuộc hôn nhân theo đúng nghĩa với một chàng trai sống cùng bản, kỉ niệm năm xưa nay coi như một cơn ác mộng để tự răn mình, để mọi người tránh xa./.