Bi kịch đằng sau chiếc ghế giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam

Chiếc ghế giám đốc ở nhà hát không hái ra tiền, không hái được các dự án trăm tỷ, mà ở đó đồng tiền là một gánh nặng.

Ai đó từng ví, chức giám đốc suy cho cùng chỉ là một chiếc ghế ngồi. Nhưng chiếc ghế ấy đặt ở đâu, đặt ở lĩnh vực nào, đặt vào ai, lại mang đến những câu chuyện khác nhau, những bi hài khác nhau.

Vụ việc vợ NSƯT Xuân Bắc tố cáo đồng nghiệp của chồng chèn ép, chơi xấu, tìm cách đẩy cô ra khỏi hội đồng chấm thi sẽ chỉ là “chuyện đàn bà” nếu người đồng nghiệp không phải là NSND Anh Tú - người đang “cạnh tranh” chức giám đốc với NSƯT Xuân Bắc ở Nhà hát Kịch Việt Nam.

Sự thật về chiếc ghế giám đốc ở Nhà hát Kịch Việt Nam có "hấp dẫn" đến thế?

Bi kịch 'cơm áo không đùa với diễn viên'

Chiếc ghế giám đốc ở Nhà hát Kịch Việt Nam từ 10 năm trước đã luôn ồn ào. Năm 2008, vì nhiều lý do NSƯT Anh Dũng bị thôi chức và thuyên chuyển công tác vì không có bằng đại học.

Năm 2011, NSND Lê Hùng bị kêu ca vì tính quá nghệ sĩ, không hợp làm lãnh đạo. Tựu trung lại, nói như NSƯT Trung Anh, “các nghệ sĩ ở nhà hát thường chỉ giỏi chuyên môn, không giỏi làm quản lý”.

Lý do tưởng như dễ hiểu vậy, nhưng mỗi cuộc “đổi ngôi” ở Nhà hát Kịch Việt Nam luôn kéo theo thị phi về phe cánh đấu đá, về những lời tố cáo, bóc mẽ nhau cay đắng, những cuộc thay đổi quyền lực ấm ức trong không khí ảm đạm của nhà hát.

Một cảnh trong vở diễn kinh điển Hồn Trương Ba da hàng thịt của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.
Một cảnh trong vở diễn kinh điển Hồn Trương Ba da hàng thịt của Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Những cuộc “đổi ngôi”, đổi ghế ồn ào chỉ càng kéo sân khấu miền Bắc xuống tận cùng bi thảm. Sân khấu miền Bắc hơn 20 năm rơi vào khủng hoảng kéo dài. Các nhà hát lay lắt hoạt động cầm chừng như những… “bóng ma”.

Về việc sân khấu bị thất sủng, bị khán giả bỏ rơi, NSƯT Chí Trung (Giám đốc đương nhiệm của Nhà hát Tuổi trẻ) phân tích: “Khi sân khấu ở thời hoàng kim, sân khấu giống như thánh đường, ở đó mỗi đêm sáng đèn, khán giả đều ăn mặc thật đẹp đứng xếp hàng mua vé".

"Sân khấu ở trong chúng tôi vẫn huy hoàng và đầy đam mê như thế. Nhưng thời gian trôi qua, thời đại đã thay đổi chóng mặt. Bây giờ, chỉ cần ngồi nhà, khán giả đã có cả trăm kênh truyền hình để giải trí", Chí Trung thừa nhận.

"Internet kết nối thế giới, thời đại kỹ thuật số hiện đại, âm nhạc, phim ảnh đều phát triển vượt bậc. Khán giả có quá nhiều sự lựa chọn, và họ bỏ quên sân khấu. Có lẽ đó cũng là điều dễ hiểu và những người làm sân khấu chúng tôi phải chấp nhận”.

15 năm nay, Hà Nội chứng kiến cuộc vật lộn mưu sinh đầy mồ hôi và nước mắt của các nghệ sĩ sân khấu ở cả 3 nhà hát: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội và Nhà hát Kịch Việt Nam.

Công cuộc bươn chải mưu sinh để “thoát nghèo, thoát đói” đã chứng minh sự chịu khó không mệt mỏi của Nhà hát Tuổi trẻ, nơi đã bắt kịp xu hướng hài, miệt mài dựng tiểu phẩm hài để dễ bán vé hơn, dễ đi diễn tỉnh hơn, dễ tăng suất diễn hơn. “Nếu chỉ dựa vào chính kịch, sân khấu chỉ còn nước chết đói”, NSƯT Chí Trung từng nhận định.

“Người phán xử” Hoàng Dũng nguyên giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từng rơi nước mắt với phóng viên Zing.vn khi nhắc đến sân khấu. Diễn viên nhà hát sống bằng số lương ít ỏi, tiền bồi dưỡng tập gần như không có, tất cả tiền nhà nước đầu tư đều dồn cho việc dàn dựng vở diễn.

Số tiền đó thường cũng không đủ để có một bối cảnh hoành tráng, rất nhiều chất liệu rẻ tiền được tận dụng, được sơn son thiếp vàng để nó trông như lấp lánh dưới ánh đèn.

Nhà hát Kịch Việt Nam càng nghèo hơn, giữa bối cảnh đó. Nhà hát nhất quyết không theo hài, bởi chính kịch từ lâu luôn là thương hiệu, là niềm tự hào kiêu hãnh của họ.

Ai đã đến rạp, đến cơ sở vật chất của Nhà hát Kịch Việt Nam những năm trước đều có thể nhận thấy sự xuống cấp, ảm đạm, hoang vắng của nó.

Trong khi Nhà hát Tuổi trẻ lấy hài kịch để cứu sân khấu, Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn trung thành với chính kịch. Ảnh: Tư liệu.
Trong khi Nhà hát Tuổi trẻ lấy hài kịch để cứu sân khấu, Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn trung thành với chính kịch. Ảnh: Tư liệu.

Thực tế, chiếc ghế giám đốc ở các nhà hát miền Bắc không hái được ra tiền, không hái được các dự án trăm tỷ, không vẽ ra được những con số ma để lũng đoạn, mà ở đó đồng tiền là một gánh nặng.

Chiếc ghế giám đốc ở các nhà hát kịch là một cuộc vật lộn kiếm tiền, tìm dự án, tìm vở diễn, tìm nhà đầu tư xã hội hóa, tìm mọi nguồn có thể để dựng được vở, kiếm được “miếng cơm manh áo” an ủi đam mê cho các nghệ sĩ vẫn đang nỗ lực bám trụ với sân khấu.

Nỗi ám ảnh mang tên xã hội hóa

Bi kịch của các nhà hát phần nào giống với bi kịch của hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam). Đó là đẩy các nghệ sĩ - vốn là những người làm nghệ thuật - vào cơn lốc xoáy của kinh tế thị trường.

Sân khấu không thể bán vé. Tiền đầu tư của nhà nước ít ỏi. Mỗi nhà hát phải tự tìm cách vận động để tồn tại, để dựng được vở, để kiếm được tiền trả lương.

Ở thời điểm sân khấu bế tắc nhất, NSND Lê Hùng giữ chức giám đốc của cả 2 nhà hát: Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam. Khi đó, NSND Lê Hùng đã trình lên Bộ VHTTDL dự án sáp nhập hai nhà hát làm một, lập ra Nhà hát Quốc gia, được xây dựng cao đẹp lộng lẫy hàng nghìn tỷ đồng.

NSND Lê Hùng đã xây lên một tương lai huy hoàng cho sân khấu, rằng nhà nước sẽ rót vốn nhiều tỷ đồng để đầu tư, để xây một nhà hát thật lộng lẫy, tráng lệ, đầy đủ tiện nghi.

Thế nhưng, ngay khi dự án này được trình lên, NSND Lan Hương đã phản bác, “NSND Lê Hùng bị hoang tưởng”, “Anh Lê Hùng vẽ ra một giấc mơ trên giấy”, “NSND Lê Hùng như vị hoàng đế cởi truồng. Anh cứ nghĩ không ai biết gì, nhưng mọi người biết tất cả”.

Giấc mơ nghìn tỷ của sân khấu sụp đổ chóng vánh trong cay đắng.

Năm 2012, khi NSND Lê Hùng về hưu, ông Nguyễn Thế Vinh lúc đó đang làm Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ được Bộ VHTTDL điều động về giữ chức giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.

Chiếc ghế giám đốc dành cho ông Nguyễn Thế Vinh năm 2012 được đặt trong một nhà hát đang xuống cấp trầm trọng. Nhà hát có một rạp biểu diễn 150 ghế tồi tàn. Tinh thần nghệ sĩ, cán bộ nhà hát mệt mỏi, chán chường. Gần như không mấy khi nghệ sĩ đến nhà hát. Thảng khi, họ đến để ngồi buôn chuyện.

Chiếc ghế giám đốc ở Nhà hát Kịch Việt Nam hấp dẫn hay "đáng sợ"?
Chiếc ghế giám đốc ở Nhà hát Kịch Việt Nam hấp dẫn hay "đáng sợ"?

Sau 5 năm, nhà hát đã có nhiều biến chuyển. Biến chuyển lớn nhất diễn ra vào năm 2017 khi có đến 3 vở diễn được dựng: Bão tố Trường Sơn, Romeo&Juliet, Hồng Lưu Mộng. Trong đó, vở Bão tố Trường Sơn kêu gọi được 2 tỷ đồng đầu tư từ xã hội hóa và bán được số vé khả quan. Vở Romeo&Juliet, Hồng Lưu Mộng đang được chờ đợi ra mắt vào thời điểm cuối năm.

Những nỗ lực chuyển biến đã có, nhưng không vì thế, chiếc ghế giám đốc ở Nhà hát Kịch Việt Nam trở nên dễ dàng. Những cuộc đấu tố đã từng có. Những khủng hoảng lãnh đạo đã từng có.

Nghệ sĩ của nhà hát bám trụ vững chắc với nền tảng chính kịch. Cuộc chiến bán vé, cuộc chiến kiếm tiền giữa sân khấu và các loại hình giải trí hiện đại khác vẫn còn đó, chưa bao giờ hết khốc liệt.