Các em thiếu niên nhi đồng cần một tấm gương để noi theo và lớn lên. Nhu cầu này không phải là một ý tưởng ngông cuồng mà là một thực tế. Điều đó có thể quan sát được qua nỗi đam mê đối với các sử thi Star Wars hay như các bộ phim được chuyển thể từ các tiểu thuyết thần thoại của Tolkien.
Đối với Boris Cyrulnik: “Nền văn hóa của chúng ta vô định hình và quá ư che chở đang tạo ra những đứa trẻ quá hiền lành. Nhưng một cuộc sống mà không có mơ ước là một sự mạt vận tinh thần”. Một người trẻ tuổi chết vì buồn chán trong sự tồn tại không định hướng và sợ hãi trước thử thách, thì lại rất cần đến một tấm gương và một bản trường ca về tấm gương ấy để hâm nóng tâm hồn nặng trĩu.
Vì sao các em lại cần đến một nhân vật nào đó để tự xây dựng bản thân mình Boris Cyrulnik cho rằng: “Nếu như các em không có một gương mặt nào tạo cảm giác yên tâm, thế giới này sẽ làm cho chúng khiếp hãi.
Còn nếu như các em có được một hình tượng, thế giới sẽ làm cho các em thích thú và hưng phấn hơn. Ban đầu là mẹ rồi sau đó là cha, sẽ là những vị anh hùng đầu tiên của các em, cho dù họ có thể vắng mặt hay hiện diện không đầy đủ cũng được”.
Khi đứa trẻ bị mất phương hướng, chúng đọc những cuộc phiêu lưu của một nhân vật nào đó mà các em cảm thấy hợp và rất giống mình, để rồi từ đó các em tự vạch cho mình một con đường đi trong thế giới mênh mông này. Điều đó sẽ trấn an được các em để rồi sau đó đến lượt mình các em cũng muốn liều lĩnh một chút.
Đến lúc trưởng thành, các em lại tìm cho mình một hình mẫu khác ngoài bố mẹ ra. Các nhân vật mà các em chọn sẽ mở cho chúng một con đường bằng cách chỉ cho các em thấy những gì các em ao ước đều là có thể.
Bản thân tác giả cũng đã trải qua những thử nghiệm này. Sinh ra tại Bordeaux (miền tây nước Pháp) năm 1937 và sớm trở thành mồ côi do cha mẹ đều bị bắt đưa vào trại tập trung thời Đức quốc xã, ông như đã tìm được bản sao của mình từ cậu bé Rémi, một nhân vật trong tác phẩm “Không gia đình” của tác giả Hector Malot.
Nhân vật này cũng bị mất cha mẹ, đã bị bố mẹ nuôi đem bán lại. Nhưng qua câu chuyện đó, nhà phân tâm học tương lai đã hiểu ra rằng không như vẻ bề ngoài cho thấy, không có chuyện định mệnh bất hạnh. Một sự thử thách nghiệt ngã có thể làm nảy sinh một điều tốt. Bởi vì Rémi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn bên cạnh Vitalis, nghệ sĩ làm trò mua vui già nua, người đã mua cậu bé về.
Bên cạnh Rémi, Boris Cyrulnik còn tìm thấy cho mình nhiều người bạn đồng hành cùng cảnh ngộ khác như Tarzan, cũng là một đứa trẻ bị bỏ rơi hay như Oliver Twist, những gương mặt đã làm tràn đầy hy vọng chàng thanh niên Cyrulnik.
Và chính niềm hy vọng đó đã mang đến cho ông lòng dũng cảm để đối mặt với thế gian đầy thù hằn, một thế giới mà chính bản thân ông cũng cảm thấy đã bị tước mất. “Những nhân vật đó đã mang đến cho tôi một sức mạnh và nhờ vào họ tôi biết nơi mà tôi mơ ước đến”. Sau này, khi lớn lên, đến tuổi ý thức được sự bất công, chính nhân vật trong tác phẩm “Người nổi dậy” (L’insurgé) của Jules Vallès đã làm cho ông cảm thấy thích thú.
Nhưng một số trẻ lại có một thế giới tưởng tượng quá phong phú và điều này khiến các bậc cha mẹ cũng phải lo lắng. Chẳng phải là bọn trẻ con đang chạy trốn thực tế đó hay sao? Ồ không, ngược lại là khác.
Đối với Cyrulnik, cuộc sống đầy trí tưởng tượng sẽ tác động đến thế giới thực tại khi mang đến cho các em sức mạnh biến giấc mơ thành hiện thực. “Khi chúng ta bị một câu chuyện hớp lấy hồn, đó là bởi vì câu chuyện đó đang nhào nặn nên hình dạng và ý nghĩa của chính cuộc đời chúng ta”.
Do đó, nếu như con trẻ có nhìn thẳng vào mắt bạn mà nói rằng: “Cha, mẹ con muốn trở thành một Jedi trong Star Wars, một giải Nobel gì đó hay là một vị giáo hoàng tương lai” thì bạn cũng đừng nên lo lắng. “Khi chúng ta còn nhỏ và yếu ớt, cũng nên có chút hoang tưởng để hy vọng một ngày trở thành một con người mạnh mẽ”.
Một thần tượng anh hùng, đó còn là một câu chuyện kể. Để cho sự tồn tại của các em có ý nghĩa, cho dù là đôi khi có khó khăn hay buồn tẻ, cũng nên cố gắng tạo nên một câu chuyện. Bởi vì chính trong lúc đọc những câu chuyện giả tưởng ấy, mà người ta học được cách viết nên một câu truyện dài của chính mình.
Nhà phân tâm học trấn an là “Một liều nhỏ bịa đặt là cần thiết”: Xây dựng một câu chuyện bằng chính cuộc đời mình cho phép phân biệt một hướng đi, cảm nhận được những vẻ đẹp ẩn giấu, và mở ra nhiều hứa hẹn.
Nếu như các em thiếu niên nhi đồng chọn cho mình những tấm gương, những nhân vật mang đến cho các em nguồn cảm hứng, đó chính là xã hội đang đề xuất với các em những gương mặt có lợi mà Cyrulnik gọi đó là “ngôi sao dẫn đường”.
“Ở một số nước, một số thanh niên ra đi tham gia thánh chiến là vì họ không có “sao dẫn đường”. Điều đó đã biến họ thành những con mồi dễ dàng cho những giáo chủ, những người sử dụng đã sử dụng các em như là một công cụ theo nhu cầu của họ, để biến chúng thành những vị thánh, người bình thường hay là anh hùng”.
Câu hỏi đặt ra: Đối mặt với sự thiếu vắng thần tượng anh hùng, liệu có nên hồi phục các gương mặt lịch sử hay không? Nhà phân tâm học cảnh cáo là những nhân vật anh hùng đó cũng có thể gây ra một sự mê muội phi lý, nhưng ông cũng nhìn nhận rằng để “cảm hóa một tâm hồn”, điều đó có lẽ cũng tốt khi cho khơi dậy một chút sự ngưỡng mộ nào đó.