Những mảnh đời nửa tỉnh nửa mê
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn (ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) được bố trí cách biệt với nhà dân. Đằng sau những song sắt là cuộc sống của gần 500 mảnh đời mê nhiều hơn tỉnh mà những người đến đây vẫn gọi họ là “đối tượng tâm thần”. Những “đối tượng” này đón chúng tôi bằng những ánh mắt vô hồn, những tiếng cười, tiếng la hét và tín hiệu xin thuốc lá.
Ông Đoàn Thế Tuấn (Giám đốc Trung tâm) căn dặn chúng tôi không ai được hút thuốc trong khu vực, bởi những người bệnh này rất thèm thuốc lá lại không còn lý trí để kìm chế nên cần phải cảnh giác và không nên có những biểu hiện làm họ kích động.
Ông Tuấn cho biết, mỗi người bệnh có một kiểu “điên” khác nhau. Người thì đập phá, người thì chửi bới, người thì ngồi nhìn xa xăm rồi cười một mình. Có “đối tượng” say sưa hát nhưng không biết bài gì. Những người thường xuyên lên cơn, gây nguy hiểm thì buộc phải xích lại và cho ở riêng. Mỗi lần tắm rửa, nhân viên phục vụ phải đứng từ xa xịt nước vào. Thỉnh thoảng lại nghe từ họ những tiếng la hét, gầm rít ghê rợn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần nhiều người bệnh ở đây là những người nửa tỉnh nửa mê, lúc nhớ lúc quên. Có lúc thần kinh họ “chùng” lại và nhớ ra tên hoặc quê của mình, thậm chí còn nhớ cả những cú sốc cuộc đời.
Ông Võ Khắc Trực (Trưởng phòng Tổ chức của Trung tâm) nhớ mãi câu chuyện về “đại ca chó vàng”, một nhân vật đặc biệt mà ông từng chăm sóc. Theo đó, “đại ca chó vàng” quê ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) vốn là lao động chính trong gia đình, do tai nạn lao động nên phát bệnh, được gia đình đưa vào Trung tâm và luôn miệng tự xưng là “đại ca chó vàng”.
Thời gian đầu “đại ca chó vàng” rất hung hãn và sống cô độc, không tiếp xúc với ai. Ông Trực phải tìm mọi cách làm thân và ông là người duy nhất “đại ca chó vàng” chịu trò chuyện, chịu nghe lời.
Ngoài ông Trực, những nhân viên khác của trung tâm mỗi khi tìm cách tiếp cận lập tức bị “đại ca chó vàng” cầm đá rượt chạy tán loạn. Những lúc như thế dù ông Trực đã hết ca trực vẫn cứ phải ra mặt can thiệp.
“Đang hung hăng nhưng mỗi khi tôi xuất hiện là “đại ca chó vàng” bớt manh động ngay. Nhưng khi tôi hỏi chuyện “đại ca chó vàng” nói ngay: “Tôi đang nóng, đừng hỏi, tôi không trả lời được đâu”. Nói xong “đại ca chó vàng” bỏ chạy về phòng, nằm vùi mặt vào gối. Hiện “đại ca chó vàng” đã bớt bệnh, được gia đình nhận về”, ông Trực kể.
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc cán bộ, nhân viên ở đây dọn bữa cơm cho những người tâm thần. Ông Tuấn cho biết: “Bữa cơm trưa tại đây bắt đầu lúc 10h. Định mức ăn hằng ngày của mỗi người bệnh tại là 27 ngàn đồng. Tuy nhiên, vào những dịp lễ Tết, Trung tâm nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhiều nhà hảo tâm nên mức ăn của mỗi người sẽ được nâng lên gấp 2, gấp 3 lần, tùy vào các khoản hỗ trợ ít hay nhiều”.
Trong lúc mọi người đang chuẩn bị cho bữa cơm trưa, tại nhà thăm nuôi, cụ Phạm Thị Hải (79 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) bày thức ăn ra cho con gái Nguyễn Thị Mãng. “Hơn chục lần theo nó vào Quy Nhơn chữa bệnh mà chẳng ăn thua, vợ chồng tôi thì ngày càng già càng yếu, nên gần 1 năm trước phải gửi nó vào đây. Nhiều lúc tôi muốn xin cho nó về, nhưng sợ nó về lại nặng thêm nên đành thôi”, cụ Hải tâm sự.
Theo ông Tuấn, khi thần kinh không bình thường là lúc họ có cuộc sống bình thường, bởi lúc tỉnh táo họ lại ý thức được thân phận, cảm thấy tủi thân, mà tủi thân, thần kinh căng thẳng thì họ lại lên cơn. Ông nói vui: “Sống cùng họ, dần dần rồi mình cũng giống họ…”.
Nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn chuẩn bị bữa cơm trưa cho người bệnh nhân. |
Buồn, vui nghề chăm sóc người… điên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn hiện có 4 phòng chức năng gồm: phòng y tế có 26 nhân viên gồm y sĩ, điều dưỡng viên, hộ lý; phòng chăm sóc nuôi dưỡng có 24 nhân viên chuyên đi chợ, nấu ăn, chuyển thức ăn đến bệnh nhân; phòng nghiệp vụ trực tiếp dạy bệnh nhân tắm giặt, xếp mùng màn, cách ăn uống sinh hoạt và phòng tư vấn chăm sóc sức khỏe người tâm thần, mới được thành lập.
Đảm trách việc nuôi dưỡng những “đối tượng tâm thần” ở đây là 91 cán bộ, nhân viên. Có người tuổi mới đôi mươi đã có thể gạt bỏ những kỳ thị để vào làm việc, lại có người gắn bó với trung tâm hơn nửa cuộc đời.
Anh Võ Khắc Hảo, nhân viên trợ giúp và chăm sóc người khuyết tật, làm việc ở đây từ đầu năm 2009, mọi buồn vui của người chung sống với bệnh nhân tâm thần anh đều nếm trải.
Hỏi chuyện vui, buồn của nghề phục vụ bệnh nhân tâm thần, anh Hảo kể: “Nhiều người khi gia đình đưa tới trung tâm đã không còn biết gì, sau một thời gian được chăm sóc, họ nhận ra người thân và gọi được tiếng: cha, mẹ. Đó chính là niềm vui, là phần thưởng cho công sức lao động của những người phục vụ như chúng tôi. Buồn nhất là khi bạn bè trêu chọc, cứ gọi mình là “thằng điên”, “thằng tâm thần”. Nhưng nghề này là vậy, không có đức tính chịu đựng và cảm thông thì không thể làm được”.
Nói rồi, anh Hảo cho biết thêm: “Không có trường lớp nào dạy phục vụ người điên, chỉ có trường đời và chính những người tâm thần dạy cho chúng tôi những bài học về nghề. Người ở ngoài, thấy người bị tâm thần thường tránh xa, chúng tôi thì khác. Phải tiếp cận, phải hiểu quy luật tâm, sinh lý của họ, phải biết cười khi bị họ chửi bới, tấn công và phải biết quên những trêu chọc của người đời”.
Đến đây, chúng tôi được nghe kể về những vất vả, nguy hiểm của những người làm việc sát với “đối tượng tâm thần” như dọn vệ sinh, cắt tóc, cạo râu, tắm rửa. Họ vừa làm vừa phải canh chừng bởi trong những cơn mê “đối tượng” có thể hành hung, thậm chí có thể tự gây thương tích chỉ vì… ngứa.
“Đánh răng, rửa mặt, làm các khâu vệ sinh cho họ. Đồng thời trò chuyện, hướng dẫn, dạy lại từ đầu cho họ cách sinh hoạt như một người bình thường. Đừng xem họ là người điên, đừng sợ hãi. Họ có đánh, chửi, la hét hay lên cơn thì mình giữ họ thật chặt, đừng để họ bị thương. Khi cơn bệnh đi qua, họ trở lại bình thường, mình lại tiếp tục giúp họ”, anh Hảo tâm sự.
Theo ông Tuấn, bệnh thần kinh rất khó hồi phục, lại có người hồi phục vẫn không có nơi về vì gia đình ruồng bỏ. Có đến gần 80% gia đình hoàn toàn phó thác “đối tượng” cho trung tâm. Hễ gửi vào được là quên luôn trách nhiệm nên “đối tượng” khó có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Một số người bệnh nhẹ, ổn định mong đợi được đón về nhưng không được quan tâm nên đã có hành vi tự tử hoặc bỏ trốn.
Nói rồi, ông Tuấn kể về một người mẹ tâm thần (quê ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) bệnh nặng sắp qua đời được cán bộ thông báo nhưng người con ruột vẫn không đến nhận, bỏ mặc cho trung tâm.
“Nếu người thân biết quan tâm, biết chăm sóc, chạy chữa kịp thời, nếu mọi người cùng mở rộng vòng tay yêu thương đối với người tâm thần thì gánh nặng sẽ bớt oằn trên vai của những cán bộ, nhân viên nơi này. Nói thì nói vậy nhưng đó là trách nhiệm của chúng tôi”, ông Tuấn tâm sự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khó khăn lớn nhất của trung tâm hiện nay là ở đây chưa có bác sĩ chuyên khoa về tâm thần và cũng mới chỉ có nhân viên chuyên môn chăm sóc người khuyết tật chứ chưa có nhân viên chăm sóc người tâm thần. “Để giúp đỡ được bệnh nhân nhiều hơn, chúng tôi đang cho bác sĩ của trung tâm đi đào tạo thêm về chuyên môn tâm thần để nâng cao hiệu quả trong hoạt động”, ông Tuấn cho biết.
Nắng và nóng làm cho những cơn cuồng nộ của người bệnh tâm thần ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn dày thêm, dài thêm. Dưới bóng dừa phủ lấp, những số phận nửa tỉnh nửa mê, những câu chuyện kể về họ làm quặn thắt lòng người. Và, ở nơi này luôn ấm nồng tình người của những cán bộ, nhân viên gắn bó cuộc đời mình với nghề chăm sóc người… điên.