Trong quan niệm người Việt, loài chó không chỉ là con vật thân thuộc, gắn bó với cuộc sống đời thường; còn là loài vật trung thành, biểu tượng sự thông minh, tình nghĩa. Chó được xếp vào “lục súc”, đem đến những điều may mắn, thuận lợi và nhiều niềm vui. Người xưa thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật hoặc đặt trên bệ thờ. Nhiều địa phương, người ta kính cẩn gọi chó đá là “cụ thạch”, “thần cẩu”, “quan lớn hoàng Thạch”...
Lấy cảm hứng từ quan niệm truyền thống đó, anh Nguyễn Văn Lực (37 tuổi), một trong những người tham gia dự án “Bảo tồn, gìn giữ nghề thủ công truyền thống 1102” cho biết thêm: “Trong phong thuỷ, tượng chó có ý nghĩa trấn trạch, bài trừ sát khí, bảo vệ chủ nhân khỏi bị hãm hại. Trấn tượng chó phong thuỷ trong nhà hoặc không gian làm việc còn mong bảo vệ của cải tiền tài, mang lại sự yên tâm, thúc đẩy sự nghiệp”.
Tết Mậu Tuất năm nay, những người tham gia dự án trên tìm tòi tạo hình chế tác kỳ linh với “đầu khuyển mình nghê” mang biểu trưng văn hoá thuần Việt, thể hiện sự dũng mãnh, uy quyền, linh thiêng, chất liệu gốm men dát vàng.
Loại đất sét nguyên liệu được lấy từ nguồn duy nhất gần Khu di tích lịch sử nhà Trần |
Ông Trần Văn Sáu, người điêu khắc mẫu kỳ linh năm nay của dự án 1102 cho biết, sau khi tác phẩm rời khuôn, người thợ dùng dụng cụ tỉa các chi tiết, biến những đường nét thô mộc đất sét thành từng sợi lông, khóe mắt, rãnh mũi sống động. Tất cả đều được làm thủ công, nên dù cùng một khuôn đúc, nhưng không tác phẩm nào giống tác phẩm nào.
Ông Vương Cường, người có mấy chục năm kinh nghiệm làm gốm thì cho hay, nguyên liệu làm nên phần gốm được pha chế tỷ lệ riêng, kết hợp kinh nghiệm truyền thống với những phương pháp mới. Sau khi sản phẩm rời khuôn, tráng men, sẽ được đưa vào lò, với thời gian nung lâu hơn 5 tiếng so với thông thường để đảm bảo lớp men đạt chất lượng cao nhất. Sau mỗi lần sản xuất, khuôn được đập bỏ, để đảm bảo không có sản phẩm nào khác xuất hiện trên thị trường. Không chỉ số lượng sản phẩm bị giới hạn, mỗi kỳ linh được đánh số riêng biệt, chứng tỏ sự duy nhất, và không có mẫu nào giống nhau hoàn toàn.
Để chế tạo kỳ linh Mậu Tuất năm nay, những người tham gia cho biết đã phải kinh qua 22 công đoạn kỳ công. Trong đó việc lên ý tưởng và tạo khuôn mất 30 ngày công. Công đoạn chế tác tiếp theo cần 15 ngày hoàn thiện.
Sau khi thành hình, sản phẩm được đem nung nhiệt độ trên 1.205 độ C liên tục trong 18 tiếng. Công đoạn này hết sức quan trọng bởi nhiệt độ chỉ cần lệch một chút là gây ảnh hưởng đến chất lượng gốm. Năm ngày kế tiếp, kỳ linh được dát vàng.
Vàng dát sản phẩm là loại vàng 24K |
Loạt kỳ linh năm nay gồm sáu phiên bản, với năm màu men phù hợp các mệnh Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, và một phiên bản dát kín vàng. Mỗi sản phẩm có hai giấy chứng nhận: Hồ sơ ghi lại quá trình chế tác, Chứng nhận chế tác độc quyền. Chỉ có 99 cặp kỳ linh Mậu Tuất cho dịp Tết Nguyên đán 2018.
Bốn năm trước, nhiều người bắt đầu biết đến “Dự án 1102” với sản phẩm đầu tay là kỳ linh Ất Mùi để tôn vinh hai làng nghề gốm Bát Tràng và dát vàng Kiêu Kỵ. Để thăm dò thị trường quà tặng cao cấp, dự án năm đó chỉ tung ra 88 cặp, được đón nhận và tiêu thụ hết trong vòng một tháng. Dù giá không hề rẻ vì việc sản xuất giới hạn, trải qua nhiều công đoạn thủ công cầu kỳ và phủ vàng toàn bộ, sản phẩm năm đó vẫn được đánh giá cao vì tính thẩm mỹ và giá trị tinh thần, tâm linh ẩn sau.
Món quà đặc biệt được cho là chắt lọc tinh hoa hai làng nghề truyền thống. Sự cầu kỳ thể hiện từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chắt lọc mẫu men, tay nghề dát vàng. Loại đất sét nguyên liệu được lấy từ nguồn duy nhất gần Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh). Ngoài yếu tố linh thiêng, đất khu vực này có chất lượng tốt để gốm bền chắc. Vàng dát sản phẩm là loại vàng 24K do những người thợ lâu năm nhất đảm nhiệm.
Ngắm nhìn những cặp kỳ linh Mậu Tuất dự án dành thời gian nghiên cứu sáng tạo suốt một năm qua, một người tham gia chế tác tự hào: “Năm nay cũng là năm đánh dấu tròn bốn năm chúng tôi tham gia dự án. Chúng tôi thấy vui hơn khi những sản phẩm kỳ linh được đón nhận, say mê. Đó là phần thưởng lớn nhất với người làm nghề truyền thống và mong chờ nghề gốm truyền thống được phục dựng, phát triển”.