Bí mật về lực lượng tác chiến mạng của Triều Tiên

(PLO) -Tài liệu của Hàn Quốc cho biết, từ giữa thập niên 1990, Triều Tiên đã có kế hoạch huấn luyện các học sinh ưu tú thành các hacker tại hai trường chuyên ở Bình Nhưỡng. 
Cảnh trong phim 'The Interview'
Cảnh trong phim 'The Interview'

Vào năm 2013, Hàn Quốc đã chỉ trích Triều Tiên đã tấn công mạng làm tê liệt mấy ngàn máy tính của hệ thống ngân hàng và đài phát thanh của họ. Trước đó vào các năm 2009, 2011 và 2012, các hacker Triều Tiên cũng thực hiện các vụ tấn công tương tự đối với Hàn Quốc. 

“Cục 121”

Về mặt kỹ thuật, năm 2013 Triều Tiên đã sử dụng kỹ thuật dùng mã độc xâm nhập và DDoS (từ chối dịch vụ) thông qua hàng vạn máy tính ảo khiến mạng của đối phương tê liệt. Những phần mềm độc hại đó được xuất phát từ các hệ thống máy tính đặt ở 10 quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, phía Triều Tiên đã phủ nhận việc can dự vào bất cứ cuộc tấn công mạng nào nhằm vào Hàn Quốc. Trong vụ tấn công vào hãng Sony Pictures, báo chí Triều Tiên không đưa ra bất cứ bình luận nào, nhưng một quan chức ngoại giao nước này đã nói với phóng viên Đài VOA “gắn vụ việc này với Triều Tiên là bịa đặt”.

Hãng Sony Pictures bị hacker tấn công
Hãng Sony Pictures bị hacker tấn công

Ngoài “Đơn vị 180” được biết đến qua vụ virus WannaCry lần này, một đơn vị tác chiến mạng nổi tiếng khác của Triều Tiên đã được biết tới là “Cục 121”, rất có thể đây chỉ là 2 tên gọi khác nhau của một đơn vị. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đơn vị hacker tác chiến mạng Triều Tiên được thành lập năm 1986.

Các thành viên được đào tạo khóa trình chuyên về máy tính 5 năm tại Đại học Quân sự Kim Nhật Thành; sau đó được đưa về các Cục tự động hóa và Cục trinh sát Bộ Tổng tham mưu, chuyên tiến hành tác chiến mạng, xâm nhập các hệ thống máy tính của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật, mục đích là thu thập tình báo và phát động tấn công mạng.

Do thiết bị cơ sở mạng internet của Triều Tiên rất yếu nên lực lượng hacker quân đội này thiết lập nhiều cơ sở bí mật ở nước ngoài. “Cục 121” được nhìn nhận là đơn vị phụ trách các cuộc tấn công của các hacker.

Cục này được thành lập vào cuối những năm 1990, trong biên chế có khoảng 1.800 người, nằm trong Tổng cục Trinh sát – một cơ quan tình báo quân sự tinh nhuệ. Nó bắt đầu hoạt động mạnh mẽ từ năm 2005.

Thời báo New York cho rằng, đội ngũ hacker Triều Tiên rất lớn, có tới 1.700 người, ngoài ra còn có khoảng 5000 nhân viên được huấn luyện và các lực lượng chi viện khác. Để tránh bị nghi ngờ, các hacker này thường hoạt động từ Trung Quốc Đại Lục, các nước Đông Nam Á và châu Âu dưới sự giám sát của cơ quan chủ quản.

Vào năm 2014, Jang Se-yul, một chuyên gia máy tính của chính phủ Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc tiết lộ: Triều Tiên có một đơn vị rất đông người chuyên tiến hành chiến tranh mạng với các nước, trình độ vượt ngoài sự tưởng tượng của mọi người, gọi là “Cục 121”. Đến lúc này Cục 121 mới được bên ngoài biết tới.

Jang Se-yul nói, các hacker của đơn vị này được tự do lên mạng mọi lúc, không bị hạn chế. Họ biết rất rõ tình hình bên ngoài, nhưng tuyệt đại đa số vẫn không muốn rời khỏi Triều Tiên, không muốn phản bội đất nước, dù Hàn Quốc hứa hẹn tạo cho họ công việc và thu nhập tốt.

Năm 2015 có thêm giáo sư Kim Heung-Kwang, người từng lên lớp về máy tính cho các học viên quân sự chạy sang Hàn Quốc cho biết: ông phát hiện ra các học sinh của ông rất thích nhân vật hacker, họ rất tự hào vì trở thành “Chiến sỹ tác chiến mạng của Kim Jung-un”.

Các rạp ở Mỹ không dám chiếu 'The Interview'
Các rạp ở Mỹ không dám chiếu 'The Interview'

Kim nói, Cục họ hy vọng tạo ra được con virus giống như “Stuxnet” đã giúp các hacker của Mỹ và Israel sử dụng thành công trong việc phá hoại các máy ly tâm của các nhà máy phát điện, khiến nhà máy điện hạt nhân của Iran không vận hành được.

Những cuộc tấn công mạng nổi tiếng

Trước năm 2014, hacker Triều Tiên chủ yếu hoạt động nhắm vào Hàn Quốc, cho đến khi nhà lãnh đạo Kim Jung-un nổi giận…

Năm 2014, hãng Sony Pictures sản xuất một bộ phim hài có nội dung châm biếm, bôi xấu hình ảnh của nhà lãnh đạo họ Kim mang tên “Cuộc phỏng vấn” (The interview) hay còn có tên khác là “Mưu sát Kim Jung-un”. Bộ phim kể về một phóng viên Mỹ mượn cơ hội được phỏng vấn để tiếp cận, ám sát ông Kim.

Tình tiết thì dài, đại khái có mấy ý chính được mô tả: Kim sống dưới cái bóng của người cha, thỉnh thoảng lại cảm thấy mình như vật phế thải; Kim rất thích xem bộ phim sitcom Mỹ  “The Big Bang Theory”, khóc lóc khi nghe nữ ca sĩ nhạc pop Mỹ Katy Perry hát; phim mô tả Kim là một người có xu hướng đồng tính ái (Gay); kết quả ông ta chết vì trực thăng bị nổ tung…

Hình ảnh nhà lãnh đạo họ Kim trong 'The Interview'
Hình ảnh nhà lãnh đạo họ Kim trong 'The Interview'

Sau khi trailer bộ phim được công bố, truyền thông chính thức của Triều Tiên đã đưa ra lời cảnh cáo, nói Hollywood cho chiếu bộ phim có nội dung mưu sát nhà lãnh đạo Triều Tiên là một “hành vi tuyên chiến”. “Nếu chính phủ Mỹ im lặng cho qua hoặc ủng hộ việc phát hành nó, chúng tôi sẽ có biện pháp đối phó thẳng thừng”.

Sau đó, chính phủ Triều Tiên lại nhiều lần nghiêm khắc lên án bộ phim “khiến người ta buồn nôn”, thậm chí trong nước Mỹ cũng có một số người cho rằng bộ phim này “vô trách nhiệm, sẽ làm gia tăng thêm tình hình căng thẳng”. Trong tình hình đó, Sony Pictures vẫn không nao núng, ráo riết tuyên truyền rầm rộ để công chiếu rộng rãi. Thế là chuyện gì đến sẽ đến…

Tháng 12/2014, website của Sony Pictures bị một tổ chức hacker mang tên “Đội bảo vệ hòa bình” tấn công, rất nhiều thông tin an ninh cá nhân, e-mail của các nhân viên thường đến giới quản lý cao cấp đều bị lộ lọt; nhiều bản phim gốc chưa phát hành bị phát tán, nhiều kịch bản phim, thậm chí mật khẩu, bảng lương chi tiết của giới lãnh đạo hãng cũng bị phơi bày.

Ngày 16/12, hacker ra “tối hậu thư”, cảnh cáo tất cả những ai đến rạp xem phim “The Interview” “đừng quên sự kiện 11 tháng 9”, đe dọa tấn công những địa điểm chiếu phim, khiến nhiều rạp của Mỹ vội vã hủy bỏ kế hoạch chiếu phim này. Ngày 17/12, hãng Sony Pictures buộc phải ra tuyên bố hủy bỏ kế hoạch phát hành bộ phim này trên toàn thế giới…

Đọc thêm