Lực lượng đặc biệt Triều Tiên và những vụ đột kích nổi tiếng trong lịch sử

(PLO) - Ngày 17/9/1996, tàu tiếp tục đi vào vùng biển Hàn Quốc để đón tổ trinh sát lần thứ 2. Đến khoảng 21h thì nó bị mắc cạn, cuối cùng phải dừng tại khu vực bãi biển có độ sâu 20m cách Gangneung 5km về phía Nam. Toàn thể nhân viên tàu cố gắng tìm cách giải thoát con tàu nhưng không thành công. 
11 lính Triều Tiên đột nhập tự sát để không bị bắt
11 lính Triều Tiên đột nhập tự sát để không bị bắt

Do mắc cạn nên tàu bị hư hại, bị kẹt ở đáy biển. Thượng úy thuyền trưởng Chong Yong-ku ra lệnh cho toàn bộ nhân viên rời bỏ tàu. Họ để lại mồi lửa trên tàu với ý đồ phá hủy mọi trang thiết bị trên tàu. Đến 23h50’, toàn bộ 26 người mang theo vũ khí và trang bị đổ bộ lên bãi biển.

Khoảng 1h sáng ngày 18/9, một tài xế taxi Hàn Quốc nhìn thấy một toán người co cụm lại ở bên cạnh đường cao tốc ven biển Gangneung. Ông cũng nhìn thấy một vật thể lớn dưới biển gần bờ.

Cảm thấy nghi ngờ, ông ta liền báo cho nhà đương cục biết. Lập tức lực lượng lục quân và cảnh sát nhanh chóng báo động chạy đến khu vực này triển khai lực lượng phong tỏa và lùng sục những kẻ xâm nhập. Các binh sĩ Triều Tiên cũng nhanh chóng chia thành các tốp nhỏ chạy vào rừng.

Đến 5h sáng, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Hàn Quốc ra lệnh triển khai chiến dịch càn quét ở khu vực tỉnh Kangwon. Khoảng 40 ngàn lính lục quân được huy động cùng các máy bay trực thăng và chó nghiệp vụ tham gia lùng sục trong khu vực có bán kính 50km.

Khi trời sáng, một toán lính đặc nhiệm của hải quân Hàn Quốc lên tàu ngầm thì tìm thấy một khẩu súng máy do Tiệp Khắc chế tạo, 1 khẩu AK-47, cùng 250 viên đạn và một số vật phẩm khác. Đến 11h10’ trưa 18/9, các binh sĩ Hàn Quốc phát hiện 2 lính Triều Tiên đang chạy trốn, Hai người này trong khi trốn đã gặp 2 nông dân Hàn Quốc, đã đánh gục họ rồi bỏ chạy.

Lee Kwang-soo - người duy nhất trên tàu Sang-O bị bắt
Lee Kwang-soo - người duy nhất trên tàu Sang-O bị bắt

2 nông dân này đã báo cáo lại sự việc với cảnh sát, các binh lính Hàn Quốc lập tức triển khai truy bắt. Chiều hôm đó, một nông dân thông báo có người lạ mặt đi trên ruộng của mình. Lính Hàn Quốc lập tức đến và bắt được Trung úy Lee Kwang-soo, người điều khiển chiếc tàu ngầm. Lee khai tàu ngầm của anh ta có 20 thủy thủ bị hỏng động cơ khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, khiến nó dạt vào lãnh thổ Hàn Quốc, không khai ra các thành viên đội đặc nhiệm.

Cùng ngày, lính Hàn Quốc phát hiện một cảnh tượng đáng sợ trên đỉnh núi gần đó. Thi thể của thuyền trưởng Chong Yong-ku và 9 thành viên thủy thủ đoàn nằm trong vũng máu cùng vết đạn vào đầu ở cự ly gần, cạnh đó là xác của đại tá Kim Dong-won.

Tất cả 11 người này đã tự sát để khỏi rơi vào tay người Hàn Quốc. Việc thẩm vấn Lee Kwang-soo có tiến triển sau khi phía Hàn Quốc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ. Người này đã thú nhận chiếc tàu ngầm Sang-O đang thực hiện nhiệm vụ gián điệp với tổng cộng 26 người trên khoang, đồng nghĩa với việc còn 14 binh sĩ Triều Tiên đang lẩn trốn.  

Khi chạy về phía Bắc, các binh sĩ Triều Tiên sống sót không có ý định đầu hàng. Họ chỉ có mục đích duy nhất là mở đường máu qua giới tuyến quân sự để trở về tổ quốc. Từ ngày 19 đến 30/9, có 11 người bị chết trong các cuộc đọ súng với lính Hàn Quốc.

Cứ khoảng 1 tuần, đài truyền hình Hàn Quốc lại phát đi kết quả mới nhất về những cuộc đấu súng với hình ảnh những lính Hàn Quốc mang những tấm chăn đẫm máu và khiêng những cỗ quan tài bên trong là thi thể những binh sĩ Triều Tiên xâm nhập ra khỏi rừng.

Chiếc Sang-O được cẩu lên bờ
Chiếc Sang-O được cẩu lên bờ

Ngày 19/9, trong 3 lần đọ súng, lính Hàn Quốc đã giết chết 7 binh sĩ Triều Tiên, trong đó 3 người mặc quần bò, sơ-mi trắng với áo khoác ngoài và đi giày thể thao. Họ bị hạ sát tại một ngọn núi ở phía Nam Gangneung lúc 10h trưa.

Đến 14h, người Hàn lại phát hiện 3 người đột nhập khác, hai bên đấu súng, 1 người chết ngay, 2 người bị thương nặng và cũng chết sau đó. Lúc 16h, trong một cuộc giao chiến khác, 1 người Triều Tiên bị giết sau khi bắn bị thương 1 lính Hàn Quốc.

21h đêm 22/9, có 2 binh sĩ Triều Tiên bị chết trong khi đọ sức; từ ngày 23 đến 30/9 có thêm 2 binh sĩ Triều Tiên nữa bị hạ sát. Ngày 22/9, hải quân Hàn Quốc cho kéo chiếc Sang-O về cảng Tongil để tiến hành kiểm tra kĩ lưỡng con tàu.

Từ tháng 10 đến ngày 5/11/1996, lục quân Hàn Quốc tiếp tục truy lùng 3 binh sĩ Triều Tiên còn sót lại đang tiếp tục di chuyển về phía giới tuyến quân sự.  3 người này có thể chia thành 2 tốp, 1 người đi lẻ và một toán 2 người.

Ngày 5/11 có thêm 2 binh sỹ Triều Tiên bị bắn hạ trong một cuộc đọ súng. Một người Hàn Quốc phát hiện họ băng qua đường cao tốc đã báo cảnh sát. Lính bộ binh Hàn Quốc đã truy đuổi và phát hiện họ ở khu vực cách giới tuyến 20km về phía Nam, cách Gangneung 100km về phía Bắc.

Lúc 22h30’, khi 2 người Triều Tiên phát hiện lính Hàn đến gần họ ở núi Hyangro đã nổ súng bắn hạ 3 người, làm bị thương 14 người trước khi bị hạ sát. 2 người này bị giết chết đúng 50 ngày sau khi con tàu ngầm của họ bị mắc cạn.

Cả 2 đều mặc quân phục lính Hàn Quốc, trang bị súng M16, súng ngắn và lựu đạn. Lính Hàn Quốc còn tìm thấy trên người họ 3 cuốn sổ, một trong số đó vẽ lại sơ đồ hành trình 49 ngày đào tẩu. Một cuốn sổ khác mô tả lại cuộc đào thoát của họ như sau: phá hủy tàu ngầm, lên bờ phân tán hành động; ngày 21/9 giết 1 tên địch, di chuyển về phía Nam; ngày 4/10 vượt qua chốt gác Chinkogae; ngày 8/10 trừng trị 3 người dân Hàn Quốc; ngày 16/10 bị người Hàn trên xe hơi phát hiện khi vượt qua quốc lộ rồi băng qua một đập nước; ngày 19/10 đến cầu Yangku, chỗ nào cũng gặp lính Hàn lùng sục, tìm được đồ ăn trong một ngôi nhà cũ; ngày 22/10 gặp và giết một người lái xe quân sự Hàn; ngày 23/10 vượt qua 1 cây cầu, rồi vượt qua chốt gác Hankyeryong, nghỉ trong 1 nông trang, vượt qua một con đường quân sự…Kết thúc chiến dịch truy lùng này, phía Hàn Quốc đã để một binh sĩ Triều Tiên trốn thoát về nước, đó là lính đặc nhiệm Li Chul-jin.

Kết quả của hành động xâm nhập này là: trong số 26 binh sĩ Triều Tiên có 1 người bị bắt, 11 người tự sát, 13 người bị sát hại trong các cuộc đọ súng với lính Hàn Quốc, 1 người trốn thoát về miền Bắc. Chiến dịch truy lùng của Hàn Quốc bắt đầu ngày 18/9 kết thúc ngày 5/11 sau khi hạ sát 2 người cuối cùng, tổng cộng kéo dài 49 ngày. Phía Hàn Quốc bị thiệt hại kinh tế hơn 187 triệu USD cùng sinh mạng của 4 dân thường, 8 binh sĩ, 1 cảnh sát và 1 lính dự bị. 

Lính Hàn Quốc lên lục soát con tàu Sang-O
Lính Hàn Quốc lên lục soát con tàu Sang-O

Sau này, phía Hàn Quốc đưa Trung úy Lee Kwang-soo về Seoul tổ chức họp báo. Tại đây, Lee đã khai nhận tàu của anh ta không phải đang huấn luyện mà đang thực hiện một nhiệm vụ trinh sát, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn. Anh ta còn khai trên tàu có 1 sĩ quan cấp Đại tá ở Cục Trinh sát.

Vụ đột nhập của con tàu Sang-O đã gây nên sóng gió về ngoại giao. Ngày 20/9/1996, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Yong-sam tuyên bố: đây là một vụ khiêu khích vũ trang chứ không phải là một vụ xâm nhập hoạt động gián điệp như trước đây nay được phục hồi.

Ông tuyên bố bất cứ hành động nào khiêu khích thêm đối với Hàn Quốc cũng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thực sự. Phía Triều Tiên đáp trả, với tuyên bố: chiếc tàu ngầm của họ đang huấn luyện thì bị hỏng động cơ rồi trôi dạt về phía Nam, các nhân viên trên tàu không còn cách nào khác đành phải lên bờ biển Hàn Quốc; điều này có khả năng dẫn đến vụ xung đột vũ trang.

Ngày 1/10/1996, một nhà ngoại giao Hàn Quốc tên là Choi Doo-kun bị ám sát tại thành phố Vladivostok của Nga. Vụ này được coi là hành động của Triều Tiên trả thù việc Hàn Quốc giết hại những người trên con tàu Sang-O.

Đến ngày 29/11, Bình Nhưỡng ra thông báo, tỏ ý lấy làm tiếc về vụ tàu Sang-O; đổi lại, Hàn Quốc đồng ý trao trả tro cốt của 24 người đột nhập Triều Tiên cho họ…/.

Đọc thêm