Bí mật vụ thảm sát kinh hoàng trong Đại sứ quán Trung Quốc

(PLO) - Kẻ gây ra vụ thảm sát cướp đi sinh mạng 9 cán bộ của tòa Đại sứ quán Trung Quốc tại Maputo là Đường Kiến Sinh, cán bộ phiên dịch, đồng nghiệp của họ. 
Sứ quán Trung Quốc tại Maputo
Sứ quán Trung Quốc tại Maputo
Buổi sáng đẫm máu
Sáng ngày 29/7/1982, khoảng 7 giờ, các cán bộ, nhân viên sứ quán mới lục tục trở dậy, chuẩn bị bắt đầu ngày làm việc mới. Đường Kiến Sinh – cán bộ phiên dịch –đánh răng, rửa mặt và tắm xong, quay vào giường ngồi thừ người trầm ngâm. Đến 7h25’, hắn đứng bật dậy, nhét khẩu súng ngắn K59 đạn đã lên nòng cùng 24 viên đạn vào túi quần rồi lao ra khỏi cửa.
Chạy bộ từ tầng 7 xuống tầng 5, Đường Kiến Sinh gõ cửa phòng ở của Vương X, một phiên dịch khác cùng phòng làm việc. Vương mở cửa, hỏi: “Có việc gì thế?”. “Cho tôi mượn chiếc túi xách của anh”. 
Khi Vương quay ra đưa túi thì Đường Kiến Sinh rút súng nổ một phát, Vương ngã gục, chết ngay. Đường khóa cửa lại rồi tiếp tục đi xuống lầu.
Xuống đến sân, miệng khô khốc, tay vẫn còn run, Đường Kiến Sinh vào nhà ăn ở cạnh đó ăn vội điểm tâm rồi quay trở lại tầng 5 gõ cửa phòng Hứa X, nhân viên cơ yếu. 
Hứa và vợ là Trần X đang ăn sáng trong phòng, Trần ra mở cửa, hỏi: “Có chuyện gì thế?”. “À, không có chuyện gì, muốn gặp lão Hứa tán phét một chút ấy mà”. Vừa nói, Đường vừa rút súng nhằm đầu hai người bắn 2 phát, cả 2 vợ chồng đều chết ngay. 
Đường khóa cửa phòng lại, theo cầu thang máy lên tầng 7, đi tìm ông Trương, Chánh văn phòng sứ quán, cũng nói có chuyện cần trao đổi rồi vào phòng bắn chết ông.
Tiếp đó, Đường Kiến Sinh xuống tầng 4 tìm ông Sử X, Tham tán Chính trị. Lúc này cửa phòng ở của ông Sử và vợ, bác sĩ Vương đều mở toang cả 2 cánh. Đường thấy khó xử lý gọn họ được, bèn giả cớ bị bệnh đến xin thuốc để lừa bà Vương lên phòng y tế trên tầng 8 rồi hạ sát. 
Tạp chí “Cầu lịch sử” mới đây đã tiết lộ sự thật về vụ việc được coi là “sự kiện bi thảm trong ngành ngoại giao” xảy ra 33 năm trước tại Đại sứ quán Trung Quốc tại nước M (nay được nói rõ là Mozambique): Một cán bộ phiên dịch xả súng giết hại 9 đồng nghiệp.
Lúc này đã 8h30’, sứ quán có việc cần đến nhân viên cơ yếu, không thấy anh ta đến phòng làm việc, gọi mãi không được nên cho người lên phòng ở tìm. Người đến tìm mở cửa thì thấy 2 vợ chồng đã chết trong vũng máu.
Nghe tin cấp báo, lãnh đạo sứ quán liền ra lệnh đóng chặt cổng lại, cử người thông báo với Bộ ngoại giao Mozambique và cảnh sát địa phương, đề nghị hỗ trợ tìm bắt hung thủ.
Trong lúc đó, Đường Kiến Sinh vẫn tiếp tục gây án. Hắn nổ súng bắn chết thêm 4 người nữa. Sau khi bắn chết 9 người, Đường Kiến Sinh chạy xuống tầng ngầm phá hoại các đường dây điện thoại, cắt đứt mọi sự liên hệ với bên ngoài. Cảnh sát Mozambique đã kéo đến bao vây xung quanh sứ quán. 
Biết là khó trốn thoát, y bèn quay về phòng, lấy giấy bút viết mấy chữ “Tôi chấm dứt hành động” rồi vứt xuống sân. Hắn vứt khẩu súng cùng số đạn còn lại xuống vườn hoa rồi đi xuống ra phòng tiếp khách ngoài cổng, tự nộp mình cho cảnh sát MoZambique. 
Một nạn nhân bị Đường Kiến Sinh sát hại
 Một nạn nhân bị Đường Kiến Sinh sát hại
Thảm án kinh hoàng từ một câu nói
Đường Kiến Sinh quê Giang Tây, xuất thân trong một gia đình cán bộ. Khi đi học, vào lính, Đường đều thể hiện xuất sắc, nhiều lần được khen thưởng. Có lẽ chính vì tự cảm thấy mình là người ưu tú, nên hắn tự coi mình là anh hùng, ở trên mọi người, không chấp nhận những ý kiến đóng góp của người khác, không cho phép người khác đối xử lạnh nhạt với mình.
Sau này Đường Kiến Sinh khai, chiều hôm 17/6, tức trước khi xảy ra thảm án hơn 1 tháng, hắn đi cùng ông Cư, một nhân viên phiên dịch trong sứ quán tới Bệnh viện trung tâm Maputo khám bệnh. 
Không gặp được bác sĩ điều trị, bệnh tình ông Cư lại đột ngột trở nặng nên hắn gọi điện về sứ quán báo cáo, xin ý kiến ông Lý, Bí thư thứ nhất, Lý đáp: “Cần làm gì thì cứ làm!”. 
Đường nghe xong nổi giận: “Ông nói thế là sao?” “Thì cần làm gì thì cứ làm chứ sao!”. Hai người lời qua tiếng lại trên điện thoại một chặp. Sau khi quay về sứ quán, Đường đến tìm ông Lý, đưa nhau đến gặp ông Sử Tham tán nhờ phân giải. 
Đường manh động giáng cho Lý 2 cái tát, ông Sử lập tức nghiêm khắc phê bình. Sau đó, sứ quán đình chỉ chức vụ và công tác của Đường để kiểm điểm.
Tối 12/7, sứ quán tổ chức họp kiểm điểm, Đường đọc bản tự kiểm điểm trước hội nghị nhưng mọi người đều phát biểu cho rằng bản kiểm điểm chưa đủ sâu sắc. Đường nghi ngờ cuộc họp này được lên kế hoạch từ trước, cố ý trả thù hắn. 
Ngày 19/7, lãnh đạo sứ quán thông báo: Đường Kiến Sinh sẽ về nước vào ngày 7/8. Sau đó, Phòng thương vụ cũng thông báo, vợ Đường cũng sẽ về nước cùng chồng. Đường cho rằng đó là kiểu xử lý xâu chuỗi không đúng. Lãnh đạo sứ quán giải thích thế nào, Đường cũng không chấp nhận. 
Trong lúc nổi cơn thịnh nộ, hắn quyết định sử dụng khẩu K59 vừa mua được từ viên Thượng úy tiểu đoàn trưởng vệ binh Phủ Tổng thống Mozambique để trả thù. Chiều 28/7, nhân lúc vợ có công việc phải ra ngoài, hắn đã ghi âm lại kế hoạch hành hung của mình và viết bản Tuyên bố ly  hôn vợ. 
Ngày 8/8, Đường được chuyên cơ đưa về giao cho công an Bắc Kinh lập hồ sơ xử lý. Khi đứng trước vành móng ngựa, được hỏi nguyên nhân gì khiến hắn phạm phải tội ác tày trời như thế, Đường Kiến Sinh trả lời: 
“Một là, do buông lỏng cải tạo tư tưởng, trong lòng chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân; hai là, thiếu quan niệm pháp chế, trong đầu không biết gì về đảng kỷ quốc pháp nên sa chân vào vũng lầy tội ác”.
Khẩu súng K59, công cụ gây tội ác của Đường Kiến Sinh
  Khẩu súng K59, công cụ gây tội ác của Đường Kiến Sinh
Đường Kiến Sinh thực ra không phải là phiên dịch bình thường, mà là nhân viên của Phòng tùy viên quân sự, phụ trách phiên dịch cho các phái đoàn quân sự và giúp Mozambique đào tạo sĩ quan quân đội, có công lao trong việc giúp đỡ xây dựng quân đội nước này. Vì vậy hắn dễ dàng kiếm được khẩu súng từ viên tiểu đoàn trưởng cảnh vệ Phủ Tổng thống cũng như lúc nào cũng có thể ra vào Phủ Tổng thống Mozambique.
Quan hệ giữa Đường Kiến Sinh và Lý X, Bí thư thứ nhất sứ quán đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” từ lâu. Lý X là con trai ông Lý Chấn, cố Bộ trưởng Công an Trung Quốc. 
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, năm 1966 Lý Chấn là Thứ trưởng Bộ CA. Năm 1972, ông Tạ Phú Trị - Bộ trưởng qua đời, Lý Chấn lên thay. Đêm 20/10/1973, người ta phát hiện ông treo cổ chết ở hành lang nối Trung Nam Hải thông ra Thiên An Môn. Sau đó Bộ CA thông báo ông nguyên nhân chết là “tự tử do sợ tội”, nhưng có ý kiến nghi ngờ, cho rằng ông bị mưu sát.
Giữa Đường Kiến Sinh và Lý X đã có mâu thuẫn từ trước nhưng tại sao khi ra tay, hắn lại không giết Đại sứ Dương và ông ta? 
Người ta tìm thấy lời giải thích trong băng ghi âm lời nói chiều hôm trước ngày hành sự: “Để cho họ nếm mùi khi lực sĩ ra tay”. Vả lại, Lý X ngay khi nghe tiếng súng đã vào nhà xe lấy ô tô phóng chạy ra ngoài. 
Trong số 9 người bị Đường Kiến Sinh giết hại, hắn cho rằng chỉ giết oan ông đầu bếp, số còn lại đều là những người phê đấu hoặc “ném đá” hắn tại hội nghị kiểm điểm. Khi hắn nổ súng, người đầu bếp đang ở trong phòng Đại sứ Dương ở tầng 6. Nghe tiếng súng, Đại sứ bảo ông ra xem có chuyện gì. Thấy Đường lăm lăm súng trong tay, ông hoảng quá kêu la ầm ĩ, Đường liền nổ súng bắn chết ông.  
Ngày 13/12/1982 Đường Kiến Sinh đã bị tòa án tuyên phạt án tử hình và bị đưa ra pháp trường thi hành ngay. Sau khi vụ việc xảy ra, Đại sứ Dương và Lý X bị triệu về nước rồi không được cử đi đâu nữa. Gia đình những nạn nhân bị giết hại không kiếm được chỗ phát tiết liền tìm đến hai người này để phát nộ. 
Mấy năm sau, ông Dương chết trong u uất, còn Lý X bị đưa trả về Bộ Ngoại thương, làm công tác hậu cần cho đến khi về hưu…/.

Đọc thêm