- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trả lời: Theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 56/2017/TTBYT ngày 29/12/2017 quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (GCN) do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại các cơ sở KCB này căn cứ tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế sẽ cấp GCN cho người bệnh phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn. Vì vậy, việc cấp GCN đối với Bạn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của Bạn và chỉ định của cơ sở KCB nơi Bạn điều trị.
Trường hợp Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH thì Bạn được hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng trợ cấp ốm đau theo quy định tại Điều 28 Luật BHXH: Mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Tại Điều 100 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gồm: Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Tại Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan BHXH.