Bí quyết sống 'an toàn' cùng người giúp việc

(PLVN) - Sau một số sự việc không hay xảy ra liên quan đến người giúp việc trong nhà, nhiều người đã bày tỏ nỗi bất an xoay quanh chuyện thuê giúp việc và đang tìm kiếm một giải pháp khả thi để việc nhà vẫn trôi chảy nhưng bảo đảm sự an toàn cho gia đình.
Chủ nhà cần lựa chọn cẩn thận và có kĩ năng xử lý trong mối quan hệ với người giúp việc để giảm thiểu rủi ro. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Chủ nhà cần lựa chọn cẩn thận và có kĩ năng xử lý trong mối quan hệ với người giúp việc để giảm thiểu rủi ro. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Nhiều rủi ro từ những “người lạ trong nhà”

Trên các diễn đàn về gia đình, có không ít lời “than phiền” về chuyện thuê giúp việc trông coi nhà cửa. Nhiều ý kiến các chị em cho rằng, hiện nay việc thuê giúp việc không dễ dàng, giá giúp việc theo giờ hoặc theo tháng đều cao. Đặc biệt với những gia đình mới phát sinh sự việc như nhà có người ốm, có người bận công tác đột xuất hay mới sinh con..., việc tìm kiếm giúp việc càng khó khăn và một khi quá cần, tìm gấp thì rủi ro càng cao.

Cạnh đó, thái độ, hành xử của một bộ phận người giúp việc như lười làm việc, “lên mặt” với chủ nhà, thiếu thật thà... cũng là điều khiến nhiều gia đình “đau đầu”. Đã có không ít sự việc không hay xảy ra liên quan đến người giúp việc trong nhà, như giúp việc “dàn cảnh” cấu kết với bên ngoài lấy trộm sạch đồ của gia chủ, người giúp việc bạo hành trẻ nhỏ, tự ý cho trẻ uống thuốc ngủ, hoặc thiếu thật thà, “tắt mắt” với của cải trong nhà. Thậm chí, có cả trường hợp người giúp việc từng phạm tội, trốn truy nã nhưng che giấu chủ nhà.

Sau sự việc bắt cóc trẻ nghiêm trọng xảy ra ở Hà Nội, nhiều gia đình cho biết sẽ sắp xếp công việc lại, nhờ đến người nhà trong các công việc nhà, chăm con nhỏ... để hạn chế việc phải thuê người ngoài, tăng thêm những rủi ro đáng lo ngại.

Chị Lê Phan Thanh Nghiêm, nhân viên ngân hàng, ngụ Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh chia sẻ: “Gia đình hai bên nội, ngoại đều ở nước ngoài, vợ chồng sinh hai con và đều làm văn phòng, bận tối ngày nên không thể không thuê giúp việc. Tuy nhiên, sau 10 năm có giúp việc trong nhà, trải qua 4 người giúp việc thì tôi cũng có lắm “kinh nghiệm”. Có lần phải sa thải người giúp việc vì bỏ mặc cháu bé suốt cả ngày để lo việc riêng, sử dụng điện thoại. Lần khác, tôi phát hiện người giúp việc trộm các loại sữa, thực phẩm dinh dưỡng của cháu đem ra ngoài bán. Một giúp việc khác thì xin về quê thăm mẹ ốm, mượn một số tiền không nhỏ, sau đó khóa máy “mất tích” luôn”.

Tuy nhiên, chị Nghiêm cho rằng, giúp việc cũng như bao nghề khác, luôn có người này, người khác. Bản thân giúp việc là một nghề có ích và “không thể thiếu” đối với các gia đình. Điều quan trọng là chủ nhà cần có sự lựa chọn kĩ lưỡng và kĩ năng xử lý trong mối quan hệ với người giúp việc để giảm thiểu rủi ro. Chị Nghiêm cho biết, bản thân chị, sau bao lần gặp phải sự cố từ giúp việc, nay đã tìm được người giúp việc vừa ý, gắn bó hơn 5 năm nay.

Làm cách nào để sống “an toàn” cùng người giúp việc?

Chị Lê My, phụ trách nhân sự tại một cơ sở cung cấp lao động phổ thông trên địa bàn quận 2 cho biết, để tìm được người giúp việc tốt, an toàn, nếu tìm thông qua các mối quan hệ quen biết cũng không nên đặt niềm tin hoàn toàn mà cần phải tìm hiểu tính cách, nhân thân người giúp việc thông qua các “nguồn” quen biết ấy và cả cơ quan chức năng địa phương nơi người giúp việc cư trú.

Nếu thông qua môi giới, các gia đình cần tìm đến những cơ sở uy tín, chọn lọc người giúp việc có nguồn gốc, giấy tờ rõ ràng. Đồng thời nên lựa chọn cơ sở cung cấp có huấn luyện các kĩ năng làm việc nhà cho người giúp việc, có hợp đồng cam kết về trách nhiệm khi có những vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến giúp việc. Đặc biệt cần tránh trường hợp vì gấp mà tìm vội vàng, miễn có giúp việc là được. Như vậy sẽ rất nguy hiểm, dễ có trường hợp để kẻ gian giả danh giúp việc trà trộn vào nhà, gây nguy hại cho chủ nhà.

Còn theo lời khuyên của các chuyên gia, giúp việc không chỉ là một nghề nghiệp như làm thuê thông thường, mà người giúp việc cũng được coi là một thành viên trong gia đình, ảnh hưởng rất lớn đến không khí, lối sống trong nhà, thậm chí đến cả sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ. Chính vì thế, khi lựa chọn giúp việc, các gia đình không chỉ cần xem xét kĩ đến nhân thân mà còn cần chú trọng đến phẩm cách, thói quen của người giúp việc.

Trong thời gian thuê giúp việc, cũng không nên bỏ mặc toàn bộ việc nhà, việc chăm sóc con cái cho người giúp việc mà cần phải theo sát sao. Thông qua quan sát thái độ, cách làm việc của người giúp việc để biết được tính cách, đạo đức, hành xử, có yêu thương trẻ em, kính trọng người già hay không, lối sống có phù hợp với văn hóa gia đình hay không... Cạnh đó, chủ nhà cũng cần cởi mở, coi người giúp việc như thành viên trong nhà, đối đãi với họ chân thành, tử tế. Có như thế mới mong nhận được chân tình, yêu quý và hết lòng từ người giúp việc.

Đọc thêm