Bị thiên tai lịch sử, Việt Nam cần trợ lực của quốc tế

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã thông báo cụ thể về đợt thiên tai lịch sử mà Việt Nam đang trải qua tại Hội thảo ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tình hình sẽ xấu hơ trong những tháng tới.

Cụ thể, lượng mưa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm 20-30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trên sông Mê Kông chảy về Việt Nam giảm khoảng 50%. Trong tháng 1 và 2, thủy triều dâng cao hơn bình thường trong nhiều năm nên đã xảy ra xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Nhiều nơi vào sâu tới 70-90km, cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-30km.  

Gần 300.000 hộ dân không có thu nhập

Hiện gần một nửa diện tích ĐBSCL đã bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, 160.000ha lúa bị thiệt hại. Gần 300.000 hộ gia đình trong những tháng qua không có thu nhập, khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ riêng cây lúa. Khoảng 204.000 hộ gia đình với khoảng 1 triệu người không có nước ngọt sinh hoạt. Dự báo, tình hình sẽ còn xấu hơn trong những tháng tới, khi vào tháng 3, tháng 4, lượng nước chảy về trên sông Mê Kông không tăng nên nước mặn tiếp tục xâm nhập đất liền sâu hơn.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, những ngày qua, nước mặn đã tiến sâu lên phía thượng lưu sông Tiền. Cụ thể, tại huyện Cai Lậy, độ mặn đo được là 1,15 phần nghìn.

Dự báo những ngày tới, mặn sẽ tiếp tục tăng cao, đi vào các kênh nội đồng, đe dọa toàn bộ vùng sản xuất phía Nam. Tiền Giang đang triển khai đắp đập ngăn mặn, gia cố các đoạn bờ bao xung yếu ở khu vực này.

Vùng sản xuất phía Nam tỉnh Tiền Giang gồm các huyện: Châu Thành, Cai Lậy, Tân Phước, Cái Bè và thị xã Cai Lậy. Hiện khu vực này có khoảng 77.000ha vườn cây ăn trái và 40.000ha lúa Xuân Hè cần được bảo vệ khẩn cấp. Nếu không có những giải pháp phòng chống hạn, mặn hiệu quả thì 70% diện tích đất sản xuất phía Nam của tỉnh Tiền Giang sẽ bị mặn bủa vây.

1 tỷ USD để chống hạn, ngập mặn

Trước tình trạng này, Chính phủ đã phải hỗ trợ khẩn cấp khoảng 700 tỉ đồng cho các địa phương, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt. Tuy nhiên, con số thiệt hại của các địa phương tăng lên từng ngày.

Đến nay, các địa phương bị ảnh hưởng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 100 triệu USD để xây đập, cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ lương thực, khôi phục sản xuất. Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ bổ sung 1 tỉ USD xây dựng các công trình khẩn cấp, cấp bách để chống hạn và xâm nhập mặn, đối phó thiên tai.

Trước những khó khăn của Việt Nam, đại diện các tổ chức nước ngoài, trong đó có Liên Hợp quốc, cho biết sẵn sàng có cứu trợ nhân đạo để giúp người dân đang bị thiệt hại. Ngoài ra, các tổ chức khác cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới về công nghệ canh tác nông nghiệp thông minh, quản lý nước ngầm, tối ưu hóa hệ thống nguồn nước, quản lý rừng...

Đọc thêm