Bí thư Quảng Bình: “Không làm sân bay Đồng Hới theo kiểu Vân Đồn”

(PLO) - Bộ GTVT và tỉnh Quảng Bình vừa “chốt” phương án đầu tư, nâng cấp Sân bay Đồng Hới theo hướng sắp tới, đây sẽ là điểm đến của một số đường bay quốc tế, để hỗ trợ ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh này phát triển.
Tháng 8/2017, Jetstar Pacific và Quảng Bình đã khai trương đường bay quốc tế đầu tiên giữa Chiang Mai và Đồng Hới
Tháng 8/2017, Jetstar Pacific và Quảng Bình đã khai trương đường bay quốc tế đầu tiên giữa Chiang Mai và Đồng Hới

Trước đó, Tập đoàn FLC đã có văn bản gửi Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị được tham gia đầu tư, nâng cấp Sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế, theo hình thức đối tác công - tư, loại Hợp đồng BOT.

Đề xuất đầu tư vào hạ tầng hàng không của Quảng Bình không chỉ để nâng cấp quy mô của một sân bay quan trọng ở miền Trung mà qua đó còn giúp phát triển kinh tế du lịch của địa phương, khi FLC là doanh nghiệp đang triển khai Dự án quần thể nghỉ dưỡng FLC Quangbinh Beach & Golf Resort lớn nhất miền Trung, đặt tại phía Nam của tỉnh Quảng Bình. 

Tuy nhiên, trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Bộ GTVT hôm 2/5, Bộ này cho biết, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì Cảng hàng không Đồng Hới là một cảng hàng không nội địa, hiện đã có chủ trương đầu tư và kế hoạch cấp vốn để nâng cấp; dự kiến, việc này sẽ diễn ra vào cuối năm nay. 

“Việc đầu tư, nâng cấp Sân bay Đồng Hới để nó giống như Sân bay quốc tế Nội Bài hay Tân Sơn Nhất thì không thể được. Còn làm theo kiểu như ở Sân bay Vôn Đồn (Quảng Ninh) thì khó bởi ở đó, nhà đầu tư Sun Group bỏ vốn vào làm từ đầu. Còn ở Đồng Hới thì đã có sẵn sân bay rồi nên không thể triển khai theo hình thức BOT”, ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thông tin với PLVN. 

Ông Hoàng Đăng Quang: "Có nhiều đường bay quốc tế đến Đồng Hới, du lịch Quảng Bình thêm khởi sắc"
Ông Hoàng Đăng Quang: "Có nhiều đường bay quốc tế đến Đồng Hới, du lịch Quảng Bình thêm khởi sắc"

Được biết, Cảng hàng không Đồng Hới có thiết kế công suất 400 ngàn khách/năm, nhưng hiện đang có dấu hiệu của sự quá tải, khi cả 4 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet, Jetstar Pacific đều đã khai thác một số đường bay đi và đến thành phố này, trong đó có đường bay thẳng từ Đồng Hới đi Chiang Mai (Thái Lan) và ngược lại.

“Sau khi bàn bạc và thảo luận, Bộ GTVT, tỉnh Quảng Bình và cả FLC cùng thống nhất phương án sẽ nâng cấp Sân bay Đồng Hới để đáp ứng như cầu tăng trưởng vận tải, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai chứ không đầu tư xây dựng thành sân bay quốc tế như đề xuất trước đó của doanh nghiệp.

Cụ thể, các cơ quan liên quan tiến hành nâng cấp và sẽ thực hiện theo hướng tới đây, có thể mở một số đường bay quốc tế đi và đến TP.Đồng Hới”, lời ông Quang.

Với “kịch bản” đó, lãnh đạo Quảng Bình tin tưởng điều nay có thể thành hiện thực và hiệu quả, bởi hạ tầng du lịch của tỉnh này trong những năm gần đây đã được đầu tư, phát triển khá mạnh. Ngoài ra, Quảng Bình còn là địa phương được cả nước biết đến khi đang có ít nhất 3 dự án sân golf đang triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng.

“FLC hiện đang trình đề án thành lập Hãng hàng không Tre Việt. FLC cũng đã đặt mua máy bay của Airbus. Vì thế, sau khi hạ tầng hàng không ở đây được nâng cấp, Tập đoàn này sẽ có điều thuận lợi trong việc đề xuất mở và tham gia khai thác một số đường bay quốc tế đi và đến Đồng Hới để phục vụ việc kinh doanh du lịch”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình khẳng định.

Khách xứ lạnh có thể bay đến Quảng Bình nghỉ đông

“Khi Quảng Bình có sân golf thì các đoàn khách quốc tế ở vùng xứ lạnh có thể đáp máy bay đến Quảng Bình để nghỉ đông. Một đoàn khách như vậy có thể lên tới hàng chục người, họ có thể thăm thú cảnh sắc thiên nhiên, nghỉ dưỡng và giải trí bằng môn thể thao golf… 

Khách đến đông, chắc chắn nguồn thu cho ngân sách của tỉnh sẽ cao lên chứ không phải hơn 3.000 tỷ đồng/năm như hiện nay”, ông Trần Công Thuật -  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình.

Đọc thêm