“Ở nghĩa trang quốc gia vùng Tây Bắc này có hơn 1.700 ngôi mộ liệt sĩ - những người đã mãi nằm lại nơi rừng xanh biên giới khi bảo vệ tấc đất biên cương trước sự bành trướng, xâm lược của quân Trung Quốc 35 năm trước. Chiều hôm qua, Vị Xuyên - túi mưa của Hà Giang đổ mưa như trút. Nhưng cơn mưa tầm tã không ngăn được bước chân của lãnh đạo nhà nước và hàng nghìn người dân đến viếng các anh.
Những ngọn nến được thắp sáng, lung linh, sưởi ấm các anh, những người con ưu tú của đất nước đã khép lại cuộc đời ở giai đoạn đẹp nhất. Nước mắt rơi khi mỗi nén hương đốt cháy. Những cựu binh cầm đèn pin mò mẫm đọc tên từng đồng đội. Họ thì thầm gọi những người nằm dưới mộ và nức nở khi nhắc đến hàng loạt chiến sĩ khác đến nay vẫn còn nằm trong khe đá, thung sâu.
Thắp nến tri ân các liệt sỹ ở nghĩa trang Vị Xuyên |
Những người lính một thời cầm súng đánh giặc Trung Quốc đứng lặng trước bia mộ những linh hồn không tuổi, nhớ lại câu chuyện về người đã khuất hơn 30 năm trước. Họ đã từng thề: "Sống bám đá, chết hoá đá, hoá thành bất tử"”
Vnexpress đã ghi nhận tại nghĩa trang Vị Xuyên những hình ảnh rất xúc động như thế của buổi tối ngày hôm qua.
Cũng trên trang báo của VNexpress có bài “Nỗi đau Vị Xuyên trong ký ức người lính trở về” ghi lại cảm xúc của những chiến sỹ sư đoàn 356 đứng lặng dưới mưa, nhắc lại ký ức về trận chiến Vị Xuyên đau thương, hào hùng như mảnh pháo găm vào da thịt họ suốt 30 năm.
Lễ vật các cựu chiến binh mang lên thắp hương cho đồng đội của mình là những thanh lương khố. Đó là món ngon nhất mà người lính thích ăn trong những ngày giữ chốt biên thùy. "Ăn lương khô giờ chẳng hiểu sao không thể ngon bằng thứ lương khô vừa đắng, vừa bở như bột ngô hồi đó", cựu binh Nguyễn Quang Tuấn (48 tuổi) nói.
“Những vòng khói nhang cứ luẩn quẩn quanh tấm bia phủ màu rêu. Mỗi ngôi mộ là câu chuyện riêng về cuộc đời người lính đến từ những miền quê khác nhau, số phận khác nhau nhưng nằm lại đất này vì chung một nhiệm vụ giữ từng tấc đất biên thùy.” - bài báo viết.
Các cựu chiến binh tri ân những người đồng đội của mình |
Những kỷ niệm nhắc đến mà trào nước mắt cũng được các phóng viên của Vnexpress ghi lại qua tâm sự của cựu binh bên những đồng đội đã khuất của mình:
Đứng trước ngôi mộ ghi thông tin liệt sĩ Đào Văn Tiến (người Hà Nội), cựu binh Lê Huy Tâm (51 tuổi) như vỡ òa: "Mày nhớ không Tiến? Hôm đó, 7 thằng đang ăn thì hết cơm. Bọn mày chạy sang tiểu đội anh Đôn bê nồi cơm về ăn tiếp. Tao bảo kiêng không ăn cơm hai nồi nhưng bọn mày cười xòa. Lính trẻ vô tư, nào có nghĩ gì. 30 năm rồi đấy. Đến hôm nay, nhìn tấm bia tao mới biết mày ít tuổi hơn, thế mà hồi đó tao vẫn gọi mày là anh vì nhập ngũ sau", ông Tâm cười, tiếng cười nghẹn nơi cổ họng, vai khẽ rung lên.
Chung cảm xúc khó kìm nén khi chứng kiến cuộc gặp gỡ của những người lính tại nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, báo Dân trí có bài “Cuộc gặp gỡ cảm động tại mặt trận Vị Xuyên”. Bài viết ghi lại cảm xúc bi hùng của các cựu chiến binh, thương binh của Sư đoàn 356; 316; 313 khi gặp nhau. “Giọt nước mắt của các cựu quân nhân thời bình nhỏ xuống vì những đồng đội của họ đã chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc khi tuổi vừa đôi mươi.” – tác giả viết.
Dân Trí cũng đã ghi lại những hình ảnh rất xúc động của các cựu chiến binh khi hội ngộ với những tấm bia mộ, mà dưới đó là những người đồng đội không tuổi của mình. Đó là hình ảnh của cựu chiến binh Phạm Ngọc Quyền rưng rưng nước mắt bên mộ đồng đội. Anh chính là chiến sĩ của Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 876 Sư đoàn 356 có mặt trong trận đánh mở màn chiến dịch MB84; cựu chiến binh Đường Minh Tuấn vừa khóc vừa lầm rầm cầu khấn cho những đồng đội đã hi sinh. Ông là chiến sĩ đơn vị cối 120 thuộc Đại đội 14 Trung đoàn 123 Sư đoàn 313 đóng tại điểm cao 1509 từ 10/1980 đến giữa năm 1985.
Đặc biệt có một CCB hiện đã đi tu, thầy Thích Vinh Quang (tên thật là Trần Như Toản) cũng từng là Kế toán pháo binh của Sư đoàn 356 tham gia mặt trận Vị Xuyên. Thầy đang trụ trì chùa Đông Đạo tại TP Vĩnh Yên. Thầy Thích Vinh Quang chia sẻ, chiến tranh vẫn là chiến tranh con người vẫn là con người, và thầy luôn day dứt về điều này.
CCB Đường Minh Tuấn vừa khóc vừa lầm rầm cầu khấn cho những đồng đội đã hi sinh. Ông là chiến sĩ đơn vị cối 120 thuộc Đại đội 14 Trung đoàn 123 Sư đoàn 313 đóng tại điểm cao 1509 từ 10/1980 đến giữa năm 1985. |
Sự bi tráng của trận chiến Vị Xuyên, còn thể hiện qua một bài viết trên Vietnamnet: “Hồi ức của người sống qua “chảo lửa” chiến tranh biên giới”. Nhân vật trong bài viết là một người mà tuổi thơ đã đi qua đúng thời điểm chiến tranh biên giới 1979 ở “chảo lửa” Thanh Thủy – Vị Xuyên (Hà Giang). Những dòng hồi ức chân thực phần nào cho thấy một giai đoạn chiến tranh khốc liệt, nhưng đầy bi hùng.
“Chiến tranh biên giới bắt đầu từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và chính thức lan đến quê tôi – Vị Xuyên (Hà Giang), mạnh nhất là vào những ngày đầu hạ. Lúc đó tôi còn bé, chỉ biết chiến tranh từ câu nói sau bữa ăn tối rất vội của bố với mẹ: “Anh phải lên cơ quan!”.
Bố đi, nhoáng cái về. Thay cho cà – lê, tuốc – nơ – vít của một kĩ sư cơ khí hàng ngày, sau lưng đã đeo khẩu súng đầy ự đạn. Gấp gáp, bố bảo mẹ: “Em sửa soạn đưa các con vào núi tránh pháo. Anh phải đi đây”. Cùng mẹ, chúng tôi chạy thục mạng, nhằm khu núi đá bên Đội 4, chỗ định cư của tướng lĩnh và hậu duệ Vương Chí Sình để trốn. Rồi pháo Trung Quốc cấp tập nã sang...”
“...Bộ đội hy sinh nhiều lắm. Người ta phải chặt cả những cây gạo do Pháp trồng dọc quốc lộ để đóng quan tài. Ai cũng biết, gỗ ấy dễ mục, nhưng chả có cách nào nữa...Rồi mùa xuân, cây gạo đang nở hoa cũng bị đốn, hoa rụng rải dọc đường, đỏ như màu máu...
Sáu tháng cao điểm, 3 sư đoàn gom lại không đủ 1 Trung đoàn thiếu và là cái để 'làm nên' 1 nghĩa trang gần 2000 ngôi mộ có tên như Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ngày nay…”
Cuộc chiến biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) đã trôi qua 30 năm. Những anh lính năm xưa người trở về đời thường, người tiếp tục theo nghiệp binh. Còn lại trên mảnh đất Hà Giang nơi yên nghỉ của hơn 1.700 liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, cách TP Hà Giang hơn 20 km./.