Tri ân miền “đất lửa”

(PLO) - Cứ vào tháng 7 hàng năm, đến hẹn lại lên khi miền Trung nắng như “đổ lửa” thì cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam lại thực hiện hành trình tri ân về những miền “đất lửa” và về với những miền xa xôi hẻo lánh phía Tây khúc ruột miền Trung, để cùng sẻ chia hoạn nạn, khốn khó với đồng bào…
Tri ân miền “đất lửa”
Tháng 7 năm nay, các điểm đến trên hành trình tri ân của Đoàn công tác Báo PLVN do tiến sĩ Đào Văn Hội – Tổng biên tập dẫn đầu là Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (cùng ở tỉnh Quảng Trị), Khu mộ Vị tướng anh hùng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)… Và thực hiện chương trình thiện nguyện “Hướng về miền Tây Quảng Trị” tại huyện miền núi Đakrông – 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước.
Những nén tâm hương…
Khởi hành từ tinh mơ sáng 12/7 tại thủ đô Hà Nội, Đoàn công tác tri ân – thiện nguyện của Báo PLVN theo đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử và vượt qua chặng đường gần 800 cây số để đến “đất lửa” - miền đất tri ân - miền đất anh hùng đầy nắng gió Quảng Trị khi trời đã vào đêm. 
Trời tháng 7 nơi miền tri ân này nắng như đổ lửa, đâu đó trên những di tích, những chiến khu xưa, những chứng tích chiến tranh một thời oanh liệt vẫn còn chi chít những vết đạn bom, những hầm công sự… là chứng tích cho cả cuộc chiến đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước, dân tộc.
Và cũng hiếm có nơi đâu trên thế gian này như Quảng Trị, mảnh đất chỉ vỏn vẹn 4.739 km2 lại sở hữu đến 72 nghĩa trang với gần 70 ngàn mộ phần liệt sĩ.  Và những ngày này, đất và người Quảng Trị như dang rộng lòng ra đón khách tham quan từ mọi miền đất nước, những đoàn cựu chiến binh từng chiến đấu nơi này, những đoàn thanh niên từ mọi miền về tri ân miền đất lửa. Những ánh hồng rực rỡ của ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa trong khói hương thiêng liêng ở khắp 72 nghĩa trang. Những dòng sông lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng dâng lên những linh hồn bất diệt với thời gian...
Dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Phạm Diệu
Dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Phạm Diệu
Sáng 13/7, Tổng Biên tập Báo PLVN – Tiến sĩ Đào Văn Hội đã dẫn đầu đoàn công tác vào thăm viếng tại Thành cổ Quảng Trị. Cùng với đoàn còn có ông Phan Văn Phong – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị và Bí thư Đảng ủy - Phó tổng biên tập Trường trực Báo PLVN Đặng Ngọc Luyến. Thành cổ nằm dung dị trong lòng thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) và từ lâu, nơi đây được xem là ngôi mộ chung của hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống bởi trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt (từ 28/6 – 16/9/1972) chiến đấu gan cường chống quân Mỹ - ngụy. 
Sau 81 ngày đêm, giặc đã trút xuống 328.000 tấn bom (bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945). Các liệt sĩ, hầu hết là những chiến sĩ đều đang trong độ tuổi đôi mươi, xếp bút nghiên lên đường ra trận. Họ đã anh dũng chiến đấu và nằm lại dưới đất thiêng ở lứa tuổi đẹp nhất đời mình…
Mỗi tấc đất Thành cổ sau 81 ngày đêm ấy là một cuộc đời có thật. Hình hài các anh không còn nguyên vẹn, máu xương các anh đã hoà vào từng nắm đất, từng hạt phù sa tưới tắm cho đời nở hoa. Bởi vậy, các công trình của Thành cổ từ thời nhà Nguyễn không thể phục dựng mà xây dựng thành một công viên văn hoá, tưởng niệm và tri ân. 
Đài tưởng niệm trung tâm ở di tích Thành cổ được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho các liệt sĩ. Trên Đài một là mái nhà Việt cách điệu để vỗ về linh hồn các anh… Một cây đèn màu đỏ, cao 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm và là “đèn thiên mệnh”, đưa linh hồn các anh về cỏi vĩnh hằng. 
Đoàn công tác báo PLVN thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Phạm Diệu
Đoàn công tác báo PLVN thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia
Trường Sơn. Ảnh: Phạm Diệu
Khi Tổng biên tập Đào Văn Hội dẫn đầu đoàn vào dâng nén tâm hương, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các liệt sĩ tiếng nhạc nền trong bản hát Cỏ non Thành cổ (nhạc sĩ Tân Huyền) vang lên cũng như là lời nhắn nhủ của tất cả các cán bộ, phóng viên của Báo PLVN chúng tôi đến tất cả các thế hệ dân tộc Việt: “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ. Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ, xin chớ vô tình, với người hy sinh…”
Rời thành cổ, điểm đến tri ân tiếp theo của đoàn chúng tôi là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, ở TP. Đông Hà. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là một trong 2 nghĩa trang lớn nhất cả nước, là nơi yên nghỉ của hơn một vạn liệt sỹ hy sinh chủ yếu trên chiến trường Đường 9 – Nam Lào. 
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 cũng vừa được khánh thành vào tối 12/7. Sau khi dâng hương tại khu tưởng niệm trung tâm của nghĩa trang này, tiến sĩ Đào Văn Hội cùng các cán bộ, phóng viên đã tỏa đi giữa bạt ngàn mộ, bạt ngàn cây, bàn ngàn hương khói tỏa mờ để kính cẩn dâng đến tận từng anh linh các liệt sĩ những nén tâm hương tỏ lòng tri ân sâu sắc của những người làm Báo PLVN.
Dù đã gần cuối giờ sáng 13/7, nắng nóng tỏa rát mặt người, mồ hôi đã ướt đẫm trên lưng áo nhưng với tấm lòng rạo rực hướng về các liệt sĩ, không ai trong đoàn chúng tôi tỏ ra mệt mỏi và tiếp tục vượt gần 40 cây số để đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Tọa lạc tại vùng địa sơn rộng lớn, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Linh, Nghĩa trang Trường Sơn là chốn yên nghỉ của 10.263 anh hùng liệt sĩ trong diện tích mộ 23.000m2 và phân thành 10 khu vực chính. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn Đông, trong cuộc kháng Mỹ thần thánh của dân tộc.
Tại nghĩa trang này, khi đến dâng hương các mộ phần, Tổng biên tập Đào Văn Hội đã dừng bước trước cụm tượng đá khắc tạc sống động vóc dáng huyền thoại hào hùng của những chiến sĩ Trường Sơn phá bom mở đường, dùng hoả lực tấn công địch, thông ống dẫn dầu, thông tin liên lạc... 
Hôm nay lên Trường Sơn, mỗi chúng tôi đều chợt nhận ra rằng: Nghĩa trang đâu phải là nơi chết chóc? Mà chính những cái chết hoá thành bất tử đã làm phục sinh cho cõi sống, là động lực để thế hệ tiếp nối như chúng tôi kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn với nghề làm báo và xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp hơn…
Sẻ chia với 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước
Kết thúc ngày tri ân tại tỉnh Quảng Trị của Đoàn công tác Báo PLVN là hành trình lên với huyện miền núi Đakrông. Huyện này là địa bàn cư trú của cộng đồng người dân tộc thiểu số Pa Kôh, Vân Kiều và chiếm gần 80% tổng số dân toàn huyện. Huyện hiện có hơn 30,94% là hộ nghèo, cuộc sống của đồng bào chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy trên đất đồi núi khô cằn, năng suất thu lại rất thấp.
Tổng Biên tập Đào Văn Hội (bên phải) tặng quà cho đại diện UBND huyện Đakrông. Ảnh: Phạm Diệu
Tổng Biên tập Đào Văn Hội (bên phải) tặng quà cho đại diện UBND huyện
Đakrông. Ảnh: Phạm Diệu
Nằm trong chương trình “Hướng về miền Tây Quảng Trị” của tập thể cán bộ, phóng viên toàn tòa soạn, Báo PLVN đã phối hợp với hai đơn vị doanh nghiệp là: Công ty Cổ phần Lochsa Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa TH True Milk và đã trao tổng cộng 100 suất quà cho cho 50 trẻ em nghèo vượt khó học giỏi và 50 đối tượng chính sách trong các hộ gia đình ở huyện Đakrông. Mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng (bao gồm tiền mặt và sản phẩm sữa TH True Milk) đã được trao đến tận tay các học sinh nghèo và đối tượng chính sách.
Trong không khí ấm cúng, trò chuyện với lãnh đạo UBND huyện, đông đảo bà con và học sinh huyện Đakrông tại buổi lễ trao quà, Phó tổng biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến đã khẳng định: “Hàng năm vào tháng 7, đoàn công tác Báo PLVN thường tổ chức hành trình tri ân tại Quảng Trị. Và mỗi lần đến với vùng đất này, đoàn đều cảm thấy xúc động trước tấm lòng mến khách, ấm cúng của người dân nơi đây. Tuy nhiên, phần lớn người dân Quảng Trị đều gặp rất nhiều khốn khó vì chiến tranh tranh tàn phá nặng nề và điều kiện sản xuất không được nhiều ưu đãi. Hơn lúc nào hết, những cán bộ, phóng viên Báo PLVN chúng tôi nhận thấy mình cần phải đóng góp một phần trách nhiệm để cùng sẻ chia những khốn khó ấy,   mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con."
Ngoài việc trao quà cho các học sinh và đối tượng chính sách, Báo PLVN còn trao tặngcho Trường Tiểu học Pa Nang, thuộc xã Pa Nang – một trong những trường học ở địa bàn khó khăn nhất, xa xôi nhất của huyện Đakrông một chiếc tivi SamSung màn hình LCD 32 inch để phục vụ công tác dạy và học, tiếp cận thông tin với bên ngoài cho nhà trường này.
Cũng với cương vị là cơ quan truyền thông và tuyên truyên pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, Báo PLVN cũng mang đến huyện Đakrông chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” và tặng cho huyện này 8.333 tờ báo ngày PLVN cho các cơ quan, đơn vị và người dân trên các địa bàn xa xôi của huyện này. 
Xúc động trước tấm lòng san sẻ khó khăn của PLVN, bà Hồ Thị Kim Cúc - Phó chủ tịch Thường trực  UBND huyện Đakrông chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động trước tình cảm của Báo PLVN và các nhà tài trợ gửi gắm tới các hộ nghèo, gia đình chính sách và các em học sinh. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, Báo PLVN và các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành cùng những nỗ lưc của lãnh đạo huyện và người dân để hướng đến đưa Đakrông thoát khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước”. Bà Cúc cũng cam kết sẽ giám sát tích cực để việc các đối tượng được Báo PLVN sẻ chia để sử dụng một cách có hiệu quả nhất những món quà ý nghĩa và thiết thực ấy.

Đọc thêm