Một số đối tượng đã giả danh cán bộ Nhà nước tìm đến các gia đình nhiều người già, trẻ con vào giờ hành chính để thu phí diệt thuốc muỗi của người dân. Người cảnh giác thì thoát khỏi tình cảnh “tiền mất tật mang”, người nhẹ dạ thì mất cả triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.
Chiêu lừa xưa cũ mà vẫn “hiệu quả”
Cụ thể, khoảng 9h sáng ngày 7/9 đang ngồi trong nhà thì bà Nguyễn Trịnh Ngân Lan 59 tuổi, trú tại ngõ 97 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội nghe thấy có tiếng bấm chuông. Khi bà Lan ra mở cửa thì thấy 2 người đàn ông ăn mặc lịch sự giới thiệu: “Cháu đến phun thuốc muỗi theo chỉ thị của phường bác ạ”.
Chưa kịp nói gì thì hai người này đã xông vào nhà, một người vai đeo bình thuốc màu vàng tìm đến nhà vệ sinh để lấy nước, người kia “thao thao bất tuyệt khen nhà bà có đồ này đẹp, đồ kia quý”. Bối rối vì chưa hề nghe phổ biến thông tin từ tổ trưởng dân phố hay phường Kim Liên nên bà Lan ngăn không cho những người này phun thuốc và lấy lý do nhà đang bận làm thực phẩm chưa phun được.
Những người này lập tức giới thiệu “bọn cháu phun theo chỉ thị của phường, cháu vừa phun cho nhà bác Minh công an bên kia xong”. Bà Lan cho biết, sống ở đây đã lâu nhưng chưa nghe thấy nhà ai làm công an quanh khu tập thể B21 cả. Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo, bà gọi chồng từ trên gác xuống tiếp chuyện thì những người này tỏ ra ngại ngần hơn hẳn. Họ cho biết, phường sẽ hỗ trợ thuốc muỗi nhưng các hộ gia đình sẽ phải tự trả tiền công phun thuốc phí phun thuốc diệt muỗi là 275.000 đồng/hộ, cả phường đều phải phun vì đang có dịch muỗi Zika.
Nhưng khi yêu cầu giấy tờ và thẻ làm việc từ phường Kim Liên thì 2 người này không xuất trình được. Bà vội lấy điện thoại ra chụp ảnh thì những người này vội tìm cách “đánh bài chuồn” và để lại số điện thoại 09627977… với lời hứa hẹn “hôm sau nhà làm xong đồ ăn chúng cháu sẽ qua phun”.
Sau khi 2 người đó đi rồi, bà Lan tìm tổ trưởng tổ dân phố để hỏi về việc phun thuốc muỗi thì được biết 2 người đó không phải cán bộ của phường, cũng không hề có chương trình diệt muỗi nào hết. Khi tra số điện thoại trên mạng xã hội, bà Lan cũng thấy một trường hợp nghi vấn đã bị hai người này lừa đảo.
Chị Nguyễn Thu Hằng ở Dịch Vọng, Hà Nội cũng chia sẻ trên facebook vào ngày 4/8: “Hôm nay có hai thanh niên nói là người của Viện Khoa học công nghệ đến phun thuốc muỗi định kỳ phòng bệnh Zika, và nói 275.000 đồng 1 lít, em u mê thế nào lại mở cửa cho họ vào phun, em cứ nghĩ là chỉ hết 275.000 đồng thì cũng được. Họ vào nhà em lấy 10l nước sau đó đổ hai nắp bé như nắp nước giặt mà theo họ nói là thuốc trừ muỗi vào bình, sau đó phun 4 tầng nhà em xong thì hết 4 lít nước hết 1,1 triệu.
Vì không có tiền mặt nên em đã chuyển khoản qua tài khoản cá nhân của họ. Họ lăn tăn không biết là có nhận được tiền chưa, em đã yêu cầu họ lấy máy điện thoại nháy số vào máy em để em gửi hình ảnh chuyển tiền thành công. Em kể lại chuyện này với chồng em, chồng em bảo bị lừa rồi, đấy là số của người lái xe bus. Mà rõ ràng chính mắt em nhìn thấy họ lấy máy điện thoại nháy vào máy em nên không thể nhầm số được. Số của họ là 09627977…”.
Kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng không thu phí trực tiếp
Chiêu thức của bọn lừa đảo thì có rất nhiều, nhưng mức độ cảnh giác của người dân không phải lúc nào cũng đủ độ sáng suốt để tránh được các chiêu lừa của người xấu. Các đối tượng lừa đảo thường tìm đến nhà người dân vào giờ hành chính vì khi đó người lớn đi làm hết, chỉ còn lại trẻ nhỏ, người già hoặc người giúp việc. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, chúng đưa ra nhiều chiêu trò để lấy tiền như bán hóa chất khử khuẩn, thu phí dịch vụ…
Thậm chí, một số đối tượng xấu còn dùng chiêu lừa bán thuốc phân hủy bồn cầu và đòi vào trong nhà để tự đổ cho đúng quy trình. Chiêu bài này bấy lâu nay vẫn diễn ra ở nhiều hộ nông thôn, nhưng ngay cả ở Thủ đô Hà Nội việc đi lừa đảo cũng không hiếm, nhất là khi mỗi đợt dịch bệnh bùng phát, người dân lo sợ sức khỏe của mình.
Bà Lan cho biết: “Rất may hôm đó chồng tôi ở nhà kiên quyết không cho phun, chứ thuốc họ phun không biết là thuốc gì khiến mình mê man, bất tỉnh và lấy cắp đồ đạc trong nhà thì thật là nguy hại. Đặc biệt ở khu dân cư của tôi các nhà đều đóng kín cửa cả ngày, hàng xóm ít để ý đến sinh hoạt của nhau nên rất mong mọi người cảnh giác”.
Theo quy định, khi xảy ra dịch bệnh tại cộng đồng thì quy trình kiểm soát dịch bệnh sẽ phải tuân thủ chặt chẽ vào quy trình kiểm soát dịch bệnh do Bộ Y tế quy định, có sự phối hợp của nhiều ngành từ trung ương đến địa phương, thành lập đội điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định. Hóa chất và thuốc trong công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai theo quy định, không thu phí trực tiếp từ người dân. Vì vậy người dân cần cảnh giác cao độ với người lạ “tự xưng là cán bộ, nhân viên của phường”.