Bia Tết tăng giá theo bản tin thời tiết

Nhiệt độ miền Bắc trở ấm đúng là cứu cánh cho các hãng đồ uống, đặc biệt là các nhãn hiệu bia. Hàng bán chạy, giá mỗi thùng bia lon cũng được thể tăng thêm khoảng 5-10%.

Nhiệt độ miền Bắc trở ấm đúng là cứu cánh cho các hãng đồ uống, đặc biệt là các nhãn hiệu bia. Hàng bán chạy, giá mỗi thùng bia lon cũng được thể tăng thêm khoảng 5-10%.

Khảo sát của phóng viên tại thị trường Hà Nội cho thấy, các loại bia được ưa chuộng vẫn là Heineken, Tiger, Hà Nội, Sài Gòn. Đặc biệt, năm nay Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mở “chiến dịch xuống phố” - đẩy mạnh xâm nhập thị trường miền Bắc với các quầy “Tôi yêu bia Sài Gòn” bày biện bắt mắt, âm nhạc rình rang tại vỉa hè nhiều tuyến phố. 

Bia Sài Gòn “xuống phố” đón Tết Hà Nội. Ảnh: MH

Trước tết ông Công, ông Táo, trời rét, bia còn tiêu thụ chậm, nhưng mấy ngày gần đây trời hửng nắng, nhiệt độ ấm lên trông thấy đún là cứu cánh cho các hãng bia. Sức mua tăng mạnh, các đại lý cũng đồng loạt tăng giá. Đơn cử, giá một thùng Heineken (loại bình thường) từ tăng từ 360.000 đồng - lên 375.000 đồng, Tiger có giá 310.000 đồng/thùng (24 lon 330ml), tăng 35.000 đồng/thùng; bia Hà Nội là 240.000 đồng/thùng; nước giải khát Cocacola, Pepsi, Fanta... có giá từ 165.000 – 175.000 đồng/thùng, tăng trung bình từ 10.000 - 12.000 đồng/thùng…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia đặt trụ sở tại khắp các tỉnh, thành và vẫn tiếp tục tăng về số lượng. Số liệu tổng hợp từ các nhà sản xuất, dự kiến trong đợt Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013,thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 500 triệu lít bia các loại. Chiếm thị phần nhiều nhất là Sabeco với 260 triệu lít, kế đến là Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với hơn 100 triệu lít, còn lại là bia nhập và bia từ 350 cơ sở sản xuất nhỏ khác trên cả nước.

Hiện Sabeco cung ứng cho thị trường khoảng 1,2 – 1,3 tỷ lít bia hàng năm và hoạch định mục tiêu tăng trưởng sản xuất đạt 1,8 tỷ lít vào năm 2015. VBL cung cấp khoảng 700 triệu lít và Habeco khoảng 600 triệu lít một năm. Tính theo phân khúc, Sabeco đang dẫn đầu mảng bia phổ thông, chiếm 35% lượng bia bán ra trên toàn thị trường, VBL nắm giữ 70% thị trường ở phân khúc cao cấp với nhãn hàng Heineken.

“Mồi” giảm giá!

Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International đánh giá Việt Nam là nước tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á với gần 2,6 tỷ lít trong năm 2011. Kỷ lục uống bia của người Việt còn được công ty sản xuất bia danh tiếng Kirin Holdings, Nhật Bản ghi nhận nằm trong nhóm 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, sản lượng tiêu thụ tăng 15% mỗi năm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường sản xuất bia Việt Nam, năm 2012 cả nước tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia, tức bình quân 28 – 30 lít/người/năm, và Việt Nam vẫn giữ vị trí nước thứ ba có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc. Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Cụ thể, năm 2003, sản lượng bia trong nước đạt 1,29 tỷ lít, chỉ 5 năm sau (2008) đã vượt mốc 2 tỷ và hiện nay đã lên mức gần 3 tỷ lít.

Trong khi giá bia tăng thì giá “mồi” lại có xu hướng giảm. Tại Hà Nội, giá hàng hóa tươi sống tại các chợ vẫn ổn định, chợ Xanh (quận Thanh Xuân), chợ Thái Hà (quận Đống Đa), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) giá thịt ba chỉ 80 nghìn đồng/kg, thịt nạc vai 100 nghìn đồng/kg, thịt nạc thăn 120 nghìn đồng/kg; thịt gà ta 120-130 nghìn đồng/kg, thịt bò 180-200 nghìn đồng/kg; tôm sú 150-200 nghìn đồng/kg; cá diêu hồng 70 nghìn đồng/kg .... Nguồn hàng khá dồi dào.

Các mặt hàng rau xanh cũng vẫn giữ giá, quả đỗ, bí xanh, khoai tây, cà chua có giá 20  nghìn đồng/kg; bắp cải, bí đỏ 10 nghìn đồng/kg, rau muống 10 nghìn đồng/mớ; xu xu, cà rốt 15 nghìn đồng/kg. Riêng các loại hoa quả “nhích” giá nhẹ: bưởi da xanh 100-120 nghìn đồng/quả; nhãn, chôm chôm 70 nghìn đồng/kg, nho Mỹ 200 nghìn đồng/kg ... Đặc biệt, hai mặt hàng thờ cúng là chuối xanh và quả phật thủ là “đắt hàng như tôm tươi”

Mai Hoa

Đọc thêm