Biến chủng Omicron đột nhiên chiếm ưu thế tại TP HCM: Có đáng lo ngại?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, dù số ca nhiễm Covid-19 tại TP HCM không cao so với các địa phương khác như Hà Nội. Nhưng TP HCM đã từng là tâm dịch trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, nên thông tin việc tầm soát ngẫu nhiên cho thấy biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn khiến nhiều người lo ngại.
Biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Thực tế có lây lan nhanh hơn biến chủng cũ?

Chiều qua (24/2), BCĐ phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM tổ chức buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh TP HCM có số ca mắc COVID-19 mới gia tăng những ngày gần đây. Bên cạnh đó, việc tầm soát ngẫu nhiên cho thấy, biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn.

Phóng viên đã đặt câu hỏi cho ngành Y tế về thực tế trong những công bố gần nhất, TP HCM mới ghi nhận 11 ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và đều được kiểm soát, khoanh vùng chặt chẽ, vậy nguồn lây của những ca nhiễm biến chủng mới đến từ đâu?

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phân tích, qua việc tầm soát ngẫu nhiên 92 mẫu, TP ghi nhận 70 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Ông Tâm nói: “Chúng ta cần thừa nhận, nếu tiếp tục tầm soát, số ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng sẽ còn tăng”.

“Về nguồn lây, chúng ta chắc chắn là từ nước ngoài. Việc nhập cảnh vào TP HCM ngoài Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển còn nhiều hình thức khác”, ông Tâm nói.

Cụ thể, những người nhập cảnh có thể vào các tỉnh khác và đi đường bộ tới TP HCM. Trước đó, những ca nhiễm biến chủng Omicron trên địa bàn từng nhập cảnh tại Cam Ranh rồi mới di chuyển tới TP HCM. Tuy nhiên, ông Tâm thông tin thêm, hiện tại, giới chuyên môn chưa cho thấy biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn biến chủng cũ.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc CDC TP HCM.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc CDC TP HCM.

Trước đó, tại buổi họp giao ban giữa BCĐ và các quận, huyện, Thủ Đức, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP cũng nêu rõ, nhiều khả năng biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn. Theo kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TP từ 10 - 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%. Biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%.

Để khẳng định độ chính xác của phương pháp này, ngành Y tế tiếp tục lấy ngẫu nhiên 26 mẫu trong 70 mẫu nhiễm biến chủng Omicron để giải trình tự gen và 100% kết quả là biến chủng Omicron.

Tại cuộc họp báo ngày hôm qua, một ý kiến đặt vấn đề một số nhà thuốc đã bán thuốc điều trị COVID-19 có điều kiện cho F0; vậy việc này có thể dẫn tới nguy cơ người dân mua thuốc để đầu cơ, tích trữ hay không?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế rất nỗ lực cùng các Cty dược hoàn thành cấp phép cho các Cty để cấp phép sản xuất thuốc này. Chiều 23/2, Bộ Y tế đã làm việc với 3 Cty để thống nhất giá bán ra thị trường. Các Cty này cũng đã bán cho các Cty bán lẻ thuốc. Hiện các sản phẩm thuốc của 3 Cty đã nằm tại cửa hàng bán lẻ.

“Chỉ còn khâu cuối cùng làm sao bán cho dân, đây là thuốc kháng virus, loại thuốc đặc biệt, nên phải thực hiện theo kê đơn. Muốn kê đơn thì bác sĩ phải khẳng định là có bệnh. Còn nếu dương tính chạy ra mua thuốc là không đúng quy định pháp luật”, bà Mai cho hay.

Để giải quyết khâu này, Sở Y tế có công văn gửi Bộ Y tế để xin hướng dẫn kê đơn cho bệnh dịch loại A (bệnh COVID-19). Sở kỳ vọng sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất để không bị vướng và Cty có thể yên tâm bán thuốc cho người dân.

Bà Mai cảnh báo việc mua bán thuốc không theo kê đơn rất nguy hiểm. Nếu người dân sử dụng bừa bãi kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc. Sở Y tế sẽ đi kiểm tra và nhắc nhở các nhà thuốc bán thuốc cho người dân khi chưa có hướng dẫn. “Đây là vũ khí cuối cùng hiện nay, nếu hủy hoại thì sẽ rất khó khăn cho sau này”, bà Mai nói.

Lưu ý vấn đề số ca trẻ em mắc COVID-19 tăng cao

Tại TP HCM thời gian qua, ông Phạm Đức Hải, Phó BCĐ lưu ý vấn đề số ca trẻ em mắc Covid-19 tăng cao. Tuần từ 14/2 đến 21/2, số trẻ nhiễm tăng cao gấp 3 lần so với tuần trước đó.

TP đã có kế hoạch để chăm sóc trẻ em mắc COVID-19, thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ như béo phì, có bệnh nền…

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT), khẳng định hiện nay, ngành GD&ĐT vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, theo quy định mới về xác định F1, nếu đã tiêm đủ liều vaccine thì vẫn nghỉ học để theo dõi sức khỏe tại nhà trong 5 ngày. Do đó, số lượng học sinh phải chuyển sang học trực tuyến sẽ biến động thường xuyên.

“Việc chuyển đổi này chắc chắn sẽ phát sinh nhiều khó khăn”, ông Trọng nói và cho biết quá trình chuyển đổi chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quá trình tổ chức, chất lượng học. Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã có hướng dẫn về chuyên môn để học sinh quay lại học trực tiếp được rà soát, bồi dưỡng kiến thức còn yếu, đảm bảo theo kịp chương trình học.

Về phía ngành Y tế, để ứng phó với số ca nhiễm xu hướng tăng cao, Sở Y tế TP đã gặp gỡ chuyên gia đầu ngành về nhi khoa để bàn sâu về cách chăm sóc trẻ mắc COVID-19. Tổ chuyên gia nhi khoa đã xây dựng và triển khai kế hoạch thu dung điều trị theo từng kịch bản có thể xảy ra. Sở cũng theo dõi diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu UBND TP xem xét tạm ngưng việc học trực tiếp nếu số ca trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp ở mức trên 100 ca một ngày.

Sở Y tế cùng nhóm chuyên gia cũng cung cấp số điện thoại tư vấn từ xa tại ba bệnh viện nhi nhằm tư vấn, giải đáp thắc mắc kịp thời cho giáo viên và phụ huynh. Các trung tâm y tế, trạm y tế được hướng dẫn cách chăm sóc, xử trí khi phát hiện ca mắc COVID-19 là trẻ em.

Hiện, ba BV nhi của TP có sức chứa 450 giường, 150 giường hồi sức hô hấp. Khi số nhiễm tăng cao, các BV có thể mở rộng công suất, các BV quận huyện có khoa nhi cũng sẽ “chia lửa” điều trị. Ngành Y tế sẽ thực hiện phân tầng điều trị và hướng dẫn cụ thể các trường hợp cần chăm sóc tại nhà.

TP tổ chức tập huấn cho hệ thống y tế việc thu dung, chăm sóc, điều trị trẻ F0 ở các mức độ từ nhẹ đến nặng; tập huấn cho giáo viên quy trình xử trí F0, xử trí các dấu hiệu bệnh, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng. Ngành Y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế.

Bộ Y tế tối 24/2 công bố 69.128 ca nhiễm, trong đó 69.119 ca tại 62 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay tính theo ngày; 111 ca tử vong.

Như vậy, số ca nhiễm hôm qua tăng 8.781 so với ngày trước đó, gồm 20.940 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (tăng 2.747 ca), 48.179 ca cộng đồng (tăng 6.034 ca). Nhiều tỉnh phía Bắc số ca nhiễm tăng cao, trong đó Hà Nội (tăng 1.445), Bắc Giang (tăng 1.173), TP HCM (tăng 1.015).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 51.968 ca/ngày.

Riêng tại Hà Nội, hôm qua công bố 8.864 ca bệnh (3.025 ca cộng đồng; 5.839 ca đã cách ly). Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 230.138 ca.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân trên địa bàn khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19, hoặc liên hệ CD Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.

Đọc thêm