Bảo đảm không bỏ lọt vấn đề bình đẳng giới
Xác định BĐG phải bắt đầu từ nhận thức và các chính sách, qui định pháp luật, việc lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQQPL) đã được Bộ Tư pháp thực hiện như một giải pháp quan trọng để các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác BĐG thực sự được phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Ông Trần Văn Quảng (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó trưởng Ban VSTBPN, Bộ Tư pháp) cho biết, năm 2013 các nội dung, yêu cầu, mục tiêu về BĐG và VSTBPN luôn được quán triệt và quan tâm lồng ghép trong quá trình xây dựng các VBQPPL do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, đánh giá vấn đề lồng ghép giới trong quá trình thẩm định các dự thảo VBQPPL trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành, đặc biệt là các văn bản có hiệu lực pháp lý cao và có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến phụ nữ.
Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn lồng ghép BĐG trong xây dựng pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho các Bộ, ngành thực hiện lồng ghép giới trong quá trình xây dựng VBQPPL, cũng như hoàn thiện Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng VBQPPL để nâng cao hiệu quả lồng ghép giới trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Để thực hiện lồng ghép giới ở tầm vĩ mô như vậy, năm 2013 Bộ Tư pháp đã có nhiều hoạt động cụ thể để thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG như rà soát, hệ thống hóa VBQPPL nhằm bảo đảm BĐG trong các lĩnh vực pháp luật về đất đai, lao động, hộ tịch, kinh doanh, tài nguyên môi trường…, làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án luật có liên quan “không bỏ lọt vấn đề BĐG”.
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Cùng với đó, công tác hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy BĐG, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện lồng ghép giới, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới và chính sách, pháp luật về BĐG, tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học về BĐG, thanh, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BĐG… cũng là những công việc mà Bộ Tư pháp đã thực hiện để góp phần thúc đẩy BĐG thực chất trong cơ quan, đơn vị nói riêng và xã hội nói chung.
Tạo điều kiện cho phụ nữ “tự khẳng định mình”
Suốt nhiều năm thực hiện công tác này, nhiều đại biểu nhận thấy điểm yếu nhất khiến công tác BĐG và VSTBPN vẫn đang chỉ mấp mé mục tiêu mong muốn chính là vì mới chỉ có phụ nữ quan tâm, tham gia các hoạt động BĐG và VSTBPN, còn nam giới gần như bàng quan hoặc chỉ tham gia chiếu lệ.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Trần Tiến Dũng (Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp), thực chất có nhiều công việc phụ nữ làm “không kém, thậm chí hiệu quả hơn nam giới”. Hiện ở Bộ Tư pháp 57% là cán bộ nữ, có đơn vị số cán bộ nữ chiếm hơn 80% và có xu hướng ngày càng tăng cho thấy, cán bộ nữ đang ngày càng đóng vai trò quyết định trong hoạt động của cơ quan, đơn vị nhưng tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo vẫn còn quá mỏng so với lực lượng cán bộ nữ.
Vì thế, đại diện nhiều đơn vị thuộc Bộ cùng kiến nghị cần phải có giải pháp để phụ nữ “tự khẳng định mình”, thực sự là lực lượng cán bộ nòng cốt của cơ quan, đơn vị bằng sự quan tâm đến việc bồi dưỡng, bổ nhiệm cho cán bộ nữ để phát huy năng lực của đội ngũ này, khắc phục tình trạng sự tham gia của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách còn hạn chế thông qua việc tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia các ban soạn thảo dự án luật, văn bản dưới luật… Và cũng cần có sự quan tâm tích cực của nam giới xuất phát từ việc thay đổi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác BĐG và VSTBPN vì sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp và xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao kết quả công tác BĐG và VSTBPN của Bộ, ngành Tư pháp năm 2013, trong đó sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, các đơn vị mang tính quyết định cho sự phát triển của cán bộ nữ thời gian qua. Điểm lại những kết quả nổi bật của công tác BĐG và VSTBPN của Bộ, ngành Tư pháp, Thứ trưởng bày tỏ niềm tự hào khi Bộ Tư pháp là một trong những cơ quan trung ương có nhiều cán bộ nữ đang giữ các chức danh lãnh đạo từ cấp Vụ, tuy công tác BĐG và VSTBPN vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cũng đề nghị trong năm 2014, để công tác BĐG và VSTBPN thực chất hơn nữa, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức về BĐG và VSTBPN, thực hiện tốt BĐG và lồng ghép giới trong hoạt động chuyên môn của ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ và học tập kinh nghiệm thực hiện BĐG.