Bình Định hướng tới mục tiêu có 290 hợp tác xã với khoảng 280.000 thành viên trong năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) năm 2025 tỉnh Bình Định nhằm tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT (nòng cốt là các HTX) cũng như thu hút nguồn vốn góp tạo nguồn lực đẩy mạnh phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 268 HTX, tăng 11 HTX so với cuối năm 2023, với doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 1.650.000.000 đồng (tăng 40 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2023). Một số HTX mới thành lập bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Lợi nhuận bình quân của 1 HTX tăng 15 triệu đồng so với cùng thời điểm năm 2023 vì một số HTX có sản phẩm mới đã được tiêu thụ mạnh.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo HTX; nghiệp vụ kế toán HTX và hướng dẫn các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển KTTT, HTX; Ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX với 150 lượt cán bộ HTX tham gia. Tổng kinh phí hỗ trợ 154.243.000 đồng.

Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức 03 lớp bồi dưỡng về nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX nông nghiệp với 123 lượt học viên. Tổng kinh phí được giao thực hiện chính sách là 242,712 triệu đồng thuộc Chương trình MTQG XD nông thôn mới, gồm: kinh phí năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 và kinh phí vốn sự nghiệp ngân sách trung ương được giao năm 2024.

Được biết, Kế hoạch số 141/KH-UBND hướng đến việc phát triển các mô hình KTTT, HTX bền vững hoạt động hiệu quả gắn với tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm chủ lực của địa phương; Tập trung phát triển nâng cao chất lượng các HTX trọng điểm, các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng mô hình cũng như phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với khu vực KTTT, HTX; xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của tổ chức KTTT, HTX và các thành viên.

Theo đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ có 290 HTX với khoảng 280.000 thành viên; doanh thu bình quân của HTX khoảng 3,6 tỷ đồng/HTX.

Phấn đấu có khoảng 67 HTX nông nghiệp tham gia có hiệu quả vào các chuỗi liên kết giá trị sản xuất nông sản cũng như xây dựng ít nhất 05 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia có doanh thu bình quân đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lên; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX là 59 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, trong năm 2025, tỉnh Bình Định cũng sẽ tiếp tục tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nâng cao năng lực, kỹ năng cho 70% đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, thành viên của các tổ chức KTTT, HTX; hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX là 20 người/20 HTX; tỉ lệ cán bộ HTX đạt trình độ sơ, trung cấp là 49,2%; tỉ lệ cán bộ HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học là 40%.

Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bình Định đề nghị các Sở ngành, địa phương trong năm 2025 tiếp tục triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX xây dựng Dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản chủ lực tại địa phương.

Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT từ tỉnh đến cơ sở cũng như tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế (HTX, THT) tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt.

Xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn để giới thiệu sản phẩm cũng như tìm kiếm, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia liên kết, hợp tác cùng phát triển; huy động các nguồn lực đầu tư cho HTX phát triển nhất là các HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao để tạo động lực cho các HTX phát huy nội lực trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Đọc thêm