Bình Định: Nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách chống khai thác vi phạm IUU

(PLVN) - Sáng ngày 13/12, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chủ trì buổi làm việc về triển khai các giải pháp cấp bách chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với sự tham dự của các Sở, ngành, địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương hiện có hơn 5.700 tàu cá hoạt động khai thác trên vùng biển Việt Nam, trong đó tàu khai thác vùng khơi hơn 3.200 chiếc. Số liệu đăng ký tàu cá được cập nhật hàng ngày trên hệ thống thông tin tàu cá và được kết nối với cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài 15m trở lên của tỉnh hoạt động khai thác vùng khơi đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai đồng bộ thực hiện các giải pháp cấp bách và bước đầu đã có một số chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân được nâng cao, thể hiện sự tuân thủ các quy định trong quá trình hoạt động sản xuất thủy sản; tình trạng vi phạm IUU ngày càng giảm; công tác kiểm tra, giám sát sản lượng xác nhận và chứng nhận nguồn gốc khai thác thủy sản khai thác thực hiện tốt.

Mặc dù vậy, đến nay địa phương vẫn còn xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; hệ thống giám sát tàu cá, thiết bị VMS chưa ổn định, thông suốt, nhiều tàu cá bị mất kết nối, bị gián đoạn, vượt ranh giới bị cảnh báo; việc điều tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa kịp thời, chưa đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

Tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương nêu ra khó khăn chung là các tàu cá vi phạm thường không trở về các bến cá địa phương. Việc cấp phép tàu cá phải gắn liền với kiểm soát vùng biển khai thác. Giải pháp lâu dài, các lực lượng kiểm soát tàu cá phải tăng cường phối hợp lực lượng ngoài khơi.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Trương, Bí thư Thị xã Hoài Nhơn khẳng định: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân địa phương luôn được Hoài Nhơn đặt lên hàng đầu. Đến nay, hoạt động khai thác thủy sản mang tính "nghề cá nhân dân" đã chuyển biến tích cực sang nghề cá có trách nhiệm. Năm 2020 giảm gần hết tình trạng tàu cá Hoài Nhơn vi phạm so với trước (còn 1 trường hợp) và từ đầu năm 2021 đến nay thì đã không còn bất kỳ tình trạng vi phạm.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định vẫn còn tồn tại dai dẳng trong nhiều năm. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chấp pháp trên tuyến biên giới biển phải có các biện pháp xử lý những phương tiện, cá nhân cố tình không thực hiện các quy định để thực hiện tốt việc đánh bắt thủy hải sản.

Đặc biệt, lực lượng biên phòng cũng cần xem lại các quy định, quy chế phối hợp trong việc xử lý VPHC cũng như quản lý các phương tiện tàu thuyền của tỉnh nhà khi ra khơi bám biển khai thác thủy hải sản xa bờ.

Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Ngoài ra, các sở ngành có liên quan cũng phải tham mưu làm văn bản quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh Bình Định với các tỉnh bạn như Kiên Giang, Tiền Giang, Vũng Tàu để góp phần quản lý tốt các phương tiện đánh bắt xa bờ.

Qua đây, ông Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị các địa phương học tập và làm theo hình mẫu của Thị xã Hoài Nhơn trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là đối với các đội tàu đánh bắt xa bờ.

Trước mắt tỉnh Bình Định cũng sẽ lập 1 tổ công tác đi thực tế các tỉnh trên để tiếp cận ngư dân đánh bắt xa bờ, tuyên truyền và quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra tình trạng vi phạm của ngư dân, bởi “việc đánh bắt vi phạm chủ quyền là hành vi xấu hổ đáng lên án, làm ảnh hưởng đến quốc gia”.

Đọc thêm