Bình Định bắt đầu thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ ngày 1/3/2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) phải được tỉnh Bình Định xem là vấn đề trọng yếu, cấp bách. Thực hiện tốt công tác BVMT sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của mỗi người dân, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Do đó, công tác BVMT phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, đi đầu làm gương, nêu gương là lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Bình Định bắt đầu thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ ngày 1/3/2023

Đó là ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn sau Hội nghị trực tuyến triển khai công tác bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định ngày 28/11/2022 với sự tham dự của 11 điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhận định: Thời gian qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét và từng bước tạo sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng, ý thức của các tổ chức, doanh nghiệp. Để tạo sự chuyển biến trong công tác BVMT giai đoạn 2023-2025, các cấp các ngành, địa phương cần phải thay đổi toàn diện cách tiếp cận quản lý môi trường theo hướng chủ động phòng ngừa, thay thế cách tiếp cận bị động, giải quyết các vấn đề môi trường khi đã phát sinh.

Qua đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng phương án thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tổng thể của toàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/12/2022.

Ngoài ra, trên cơ sở phương án tổng thể nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình, trong đó lưu ý đến việc tăng tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là ở khu vực nông thôn; tăng tần suất thu gom (tiến tới đảm bảo 1 ngày /1 lần đối với khu vực đô thị, trung tâm huyện, thị xã, thị trấn; tối thiểu 2 ngày /1 lần đối với khu vực nông thôn), cũng như thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý theo phân loại bắt đầu từ 01/03/2023.

Hướng dẫn, giám sát các địa phương xử lý môi trường chăn nuôi, xử lý bao bì, vật tư thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thải bỏ gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Về công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu đối với các khu đô thị mới bắt buộc phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, từng bước xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở các khu đô thị lớn có hạ tầng đầy đủ. Riêng các khu đô thị cũ sẽ từng bước được cải tạo, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải khi đảm bảo nguồn kinh phí.

Bên cạnh đó, các Sở, ngành địa phương trên địa bàn cũng cần sớm có biện pháp đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn; Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn thị xã An Nhơn và Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà.

Bình Định phấn đấu đến năm 2025 giảm xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp xuống 10%

Bình Định phấn đấu đến năm 2025 giảm xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp xuống 10%

Thời gian sắp tới, tỉnh Bình Định sẽ tiến hành quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành 3 vùng. Trong đó, khu vực phía Bắc tỉnh bao gồm thị xã Hoài Nhơn, huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ (lấy thị xã Hoài Nhơn là trung tâm); khu vực phía Nam tỉnh gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát (thành phố Quy Nhơn là trung tâm) và phía Tây tỉnh gồm: huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (huyện Tây Sơn là trung tâm).

Các Sở, ngành, địa phương có liên quan có trách nhiệm trong việc rà soát, thống nhất về địa điểm quy hoạch và công nghệ xử lý (lựa chọn trong các công nghệ xử lý: chôn lấp hợp vệ sinh, làm phân, đốt hoặc đốt kết hợp phát điện…) để khẩn trương đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt tiêu chuẩn. Thành lập tổ công tác liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường làm Tổ trưởng để xử lý, đề xuất xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương về các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đọc thêm