Phát biểu khai mạc, ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 23 đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các chủ trương, chính sách cần thiết để giải quyết các vấn đề cấp bách của tỉnh.
Theo đó, Kỳ họp lần này nhằm xem xét các tờ trình của UBND tỉnh về chủ trương hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai; chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định; xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
|
Quang cảnh Kỳ họp |
Ngoài ra tại Kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định cũng sẽ xem xét các tờ trình bố trí vốn ngân sách tỉnh để tham gia Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng; quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định; gia hạn thời gian bố trí vốn cho các dự án sử dụng ngân sách địa phương cũng như phê duyệt bổ sung danh mục đất đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư và phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2024.
Liên quan đến các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Bình Định năm 2025 và Đề án hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Các đề án nhằm hướng tới tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của các xã, phường trên địa bàn, qua đó góp phần tạo nên một trung tâm kinh tế-chính trị vùng trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên.
Theo đề án, tỉnh Gia Lai mới sẽ có diện tích tự nhiên 21.576,5km², dân số hơn 3,5 triệu người. Đơn vị hành chính cấp xã: 135, gồm 110 xã và 25 phường. Trong đó, việc lựa chọn Quy Nhơn làm trung tâm hành chính-chính trị của tỉnh Gia Lai xuất phát từ vị trí chiến lược của thành phố, nơi kết nối Đông Nam Á thông qua cảng biển nước sâu, đồng thời là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên.
|
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Kỳ họp. |
“Tỉnh Gia Lai mới sau khi sáp nhập hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm phát triển kinh tế-xã hội vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Với vị trí chiến lược, hạ tầng được cải thiện và bộ máy quản lý tinh gọn, tỉnh sẽ có nhiều cơ hội thu hút các dự án lớn, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho hàng triệu người dân. Không chỉ vậy, tỉnh mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối miền trung với Tây Nguyên, tạo động lực phát triển cho cả khu vực và góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ khu vực”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, đề án sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đang được triển khai với tinh thần khẩn trương, hướng tới việc hoàn thành trước ngày 20/5. Đây là bước đi quan trọng nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho cả hai địa phương.
Để chỉ đạo toàn diện quá trình triển khai đề án, một Ban chỉ đạo chung đã được thống nhất thành lập và đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vướng mắc, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan và địa phương. Các tiểu ban sẽ phụ trách từng lĩnh vực cụ thể như: tổ chức nhân sự, phân bổ nguồn lực, giải quyết tranh chấp đất đai và các vấn đề liên quan đến văn hóa-xã hội.
Cùng với đó, các xã, phường thuộc hai tỉnh sẽ được sắp xếp lại để bảo đảm mô hình quản lý mới hoạt động hiệu quả, trọng tâm là bảo đảm trách nhiệm rõ ràng và phân cấp quyền lực phù hợp giữa cấp tỉnh và cấp xã.
|
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu bế mạc Kỳ họp. |
Qua đây, ông Hồ Quốc Dũng đề nghị các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục tiêu và lợi ích dài hạn, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi từ người dân và các chuyên gia để bảo đảm sự đồng thuận để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến đất đai và tài sản công một cách kịp thời và hiệu quả.
"Việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa và bản sắc địa phương. Các danh xưng mang tính lịch sử hoặc gắn liền với thi ca sẽ được cân nhắc giữ lại, thể hiện trách nhiệm với thế hệ mai sau. Lịch sử và truyền thống của từng xã, phường cũng sẽ được lưu giữ, đồng thời kết hợp với kế hoạch phát triển hiện đại để tạo động lực mới cho sự phát triển", Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Được biết, các nội dung trình kỳ họp lần này được Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo quy trình.
Sau khi thống nhất, kỳ họp đã tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung chương trình. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh triển khai các dự án, chương trình trọng điểm trong thời gian tới.