Vào những năm cuối thập niên 1960 đầu 1970, khu vực tu viện và nhà thờ Kon Hring, nay thuộc xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô được chính quyền Sài Gòn cũ biến thành điểm tập trung dân cư đông nhất ở Tây Nguyên, với đỉnh điểm lên tới gần 7.000 người.
Sau khi quân đội cách mạng giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh vào tháng 4/1972, nhiều người dân đã được bộ đội đưa đến các điểm tập trung tỵ nạn. Tuy nhiên, do làng mạc đã bị bom đạn tàn phá nặng nề, nhiều người già, phụ nữ và trẻ em vẫn chọn ở lại khu vực tu viện Kon Hring vì không còn nơi nào để trú ẩn.
![]() |
Bà Y Xuân, nhân chứng sống của vụ thảm sát năm 1972, vẫn không thể quên những ký ức kinh hoàng đêm bom rơi tại nhà thờ Kon Hring. |
Vào đêm 25/5/1972, cay cú trước thất bại liên tiếp, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã huy động 12 máy bay ném bom, chia thành 4 tốp, thay phiên nhau quần thảo bầu trời Kon Hring. Chỉ trong nửa giờ, bom đạn đã cướp đi sinh mạng hơn 500 người và khiến hàng trăm người khác bị thương. Thời điểm đó, những người sống sót ôm lấy nhau chạy trốn trong hoảng loạn, lẩn sâu vào những cánh rừng già, sợ hãi không dám quay về cho đến tận hôm sau.
Là nhân chứng sống của thảm cảnh ấy, bà Y Xuân ở thôn Kon Hring (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô), khi ấy mới 10 tuổi, vẫn rưng rưng mỗi lần nhớ lại. Trong ký ức của bà Xuân, đêm hôm đó, bà và bố nghe tiếng bom vang trời nên đã chạy bộ gần 5 cây số để về khu nhà tạm lánh tìm kiếm người thân. Đập vào mắt hai cha con là cảnh tượng xác người nằm la liệt, ngổn ngang khắp nơi.
![]() |
Cây xoài cổ thụ, nhân chứng hiếm hoi còn sót lại từ trận bom năm xưa, vẫn đứng vững như một biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất này. |
"Lúc đó tôi rất sợ, chỉ biết níu chặt tay bố bước qua các thi thể, vừa đi vừa gọi tên anh chị mình. Phải đến tận trưa hôm sau, bà con từ trên núi mới dám trở về và nói cho cha con bà biết người thân vẫn an toàn. Khoảnh khắc gặp lại anh trai, chị gái, cả gia đình bà Xuân òa khóc vì hạnh phúc và cảm giác sống sót như một phép màu kỳ diệu.”, bà Xuân kể lại với đôi mắt ngấn lệ.
Cùng trải qua đêm định mệnh ấy, bà Y Phưng (hiện trú xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) khi đó 12 tuổi, cũng mang nỗi ám ảnh không nguôi. Bà nhớ rất rõ khi đó tiếng máy bay rú trên bầu trời, bom dội xuống khiến ngôi nhà tạm trú nơi bà và mẹ đang ngủ rung chuyển.
"Một quả bom đã nổ ngay giữa khu vực tập trung, khiến hàng trăm người chết tức khắc. Mẹ tôi bị mảnh bom găm vào lưng nhưng vẫn cố gượng dậy ôm tôi chạy vào rừng. Đoàn người cứ thế chạy mãi trong đêm, không ai dám ngoảnh lại nhìn.
Sau trận bom kinh hoàng, người dân làng Kon Hring cũng phân tán đi khắp nơi như huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, hay xa hơn nữa, tìm kiếm sự bình yên và mong quên đi ký ức đau thương. Phải mất nhiều năm, người dân mới dần trở lại, dựng xây lại cuộc sống từ đống hoang tàn đổ nát.” Bà Y Phưng kể lại.
![]() |
Bà Y Xuân cùng phóng viên dọn lá cây, thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân tại bia tưởng niệm Khu chứng tích nhà thờ Kon Hring. |
Ngày nay, tại mảnh đất Kon Hring đã thay đổi hoàn toàn, khoác lên mình màu xanh của cây cà phê, cao su, hồ tiêu. Dẫu vậy, người dân nơi đây vẫn không quên ký ức đau thương của quá khứ. Hàng năm, vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, bà Y Xuân và những người còn sống sót từ trận bom năm xưa vẫn tụ họp, thắp hương tưởng niệm những người đã khuất.
![]() |
Làng Kon Hring ngày nay đã hồi sinh từ mảnh đất từng bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh hơn 50 năm trước. |
Ông Nguyễn Nhật Quang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đăk Tô cho biết: "Năm 2002, chính quyền tỉnh Kon Tum đã công nhận khu vực này là Di tích lịch sử cấp tỉnh và xây dựng bia tưởng niệm tại chính nơi xảy ra trận bom. Sắp tới huyện sẽ đầu tư khoảng 1,3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp khu di tích này, qua đó như một lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình, là động lực để người dân Kon Hring nỗ lực hơn trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng phát triển và ấm no hơn".