Hải Phòng: Đề xuất bổ sung 2 tội danh vào Bộ luật Hình sự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 29/4, Công an TP Hải Phòng tổ chức tọa đàm khoa học Những luận cứ luận điểm của các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 9.
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an TP Hải Phòng phát biểu tại tọa đàm.
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an TP Hải Phòng phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, năm 2025, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong đó có các dự án: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Để các dự án luật được hoàn thiện bảo đảm các yêu cầu về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, Công an Thành phố (TP) tổ chức tọa đàm nhằm làm rõ sự cần thiết, những vấn đề thực tiễn đặt ra để cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện các dự án luật.

Để đạt được mục tiêu trên, Giám đốc Công an TP đề nghị các đại biểu thảo luận, góp ý làm rõ và sâu sắc thêm về các vấn đề có liên quan, trong đó tập trung thảo luận, phân tích vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng các dự án các Luật. Phân tích, làm rõ những luận cứ, luận điểm khoa học của việc xây dựng các dự án luật, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh từ thực tiễn trên địa bàn TP theo chức năng và nhiệm vụ thực thi pháp luật được giao. Đề xuất các vấn đề, các nội dung phục vụ xây dựng, hoàn thiện các dự án luật.

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự án luật.

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự án luật.

Đóng góp ý kiến vào từng dự thảo luật, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo; đồng thời đề xuất bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự của lực lượng Công an Nhân dân cũng như công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan.

Đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại diện phòng PA03 – Công an TP cho rằng, hiện nay cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt với tiến trình chuyển đổi số quốc gia, dữ liệu cá nhân là tài sản vô cùng quan trọng của người dân và doanh nghiệp; đồng thời là mục tiêu tấn công của tội phạm. Nhiều thông tin cá nhân bị lộ lọt dẫn đến bị đánh cắp, bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí bị thao túng tâm lý.

Vì vậy, Phòng PA03 đề nghị Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để hoàn thiện hành lang pháp lý, thống nhất nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền dữ liệu quốc gia; ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, Bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định cụ thể trực tiếp các hành vi vi phạm liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, vì vậy cần bổ sung thêm hai tội danh vào Bộ luật Hình sự: Tội xâm phạm dữ liệu cá nhân của người khác và Tội mua bán trái phép dữ liệu cá nhân của người khác. Ngoài ra, xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên trách đảm nhiệm công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; triển khai chiến dịch truyền thông trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội, giáo dục kỹ năng số tại trường học, khu dân cư,…

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Góp ý về Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại diện phòng PC03 – Công an TP kiến nghị cần luận giải rõ tình tiết kịch khung gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội quy định tại Điều 353, 355 đối với tội tham ô tài sản, tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; quy định thống nhất về xác định số tiền thu lợi bất chính, số tiền thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra để làm căn cứ định tội, định khung, định khoản đối với một số tội về tham nhũng; hạ thấp các mức định lượng làm căn cứ định tội, định khung các nhóm tội phạm về môi trường để đảm bảo tính răn đe, không bỏ lọt tội phạm;…

Đọc thêm