Bình Thuận muốn phát triển điện gió ngoài khơi để thúc đẩy kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bình Thuận có chiều dài 192 km bờ biển, với khí hậu nắng, gió quanh năm, tốc độ gió rất tốt nhất để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Nhận thấy tiềm năng gió ở Bình Thuận là rất lớn (11m/s), Tập đoàn năng lượng xanh CIP đã khảo sát dự án La Gàn có công suất 3,5 GW, tại huyện Tuy Phong, có thể cung cấp điện cho 7 triệu người.
Bình Thuận muốn phát triển điện gió ngoài khơi để thúc đẩy kinh tế biển

Nhiều lợi thế phát triển điện gió

Ngày 29/8, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Thuận và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển”. Ngài Nicolai Prytz – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cùng các chuyên gia của Tập đoàn CIP (Copenhagen Infrastructure Partners, Đan Mạch) và nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng tham dự.

Ngài Nicolai Prytz – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cùng các chuyên gia của Tập đoàn CIP

Ngài Nicolai Prytz – Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cùng các chuyên gia của Tập đoàn CIP

Ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tiềm năng điện gió của tỉnh rất lớn, thời gian qua đã và đang có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát gió, thực hiện các thủ tục đầu tư dự án điện gió ngoài khơi. Tỉnh rất ưu tiên thu hút các dự án năng lượng xanh, sạch, trong đó có các dự án điện gió ngoài khơi. “Các chuyên gia trong và ngoài nước cần làm nổi bật tiềm năng lợi thế về phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời đưa ra các ý kiến đóng góp xây dựng về cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”, ông Đăng gợi ý tại hội thảo.

Ngài Nicolai Prytz cho biết, Đan Mạch có kinh nghiệm trong ngành kỹ thuật điện gió, và sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng để ký kết và phát triển năng lượng xanh.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo báo cáo của các sở Công Thương và TN&MT tỉnh Bình Thuận, tỉnh được xác định là 3 trung tâm kinh tế của quốc gia trong đó có trung tâm năng lượng quốc gia và đang có 47 nhà máy điện, trong đó có 4 nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Mới đây Bình Thuận có thêm 3 dự án điện khí, kho cảng khí được chấp thuận đầu tư tại vùng biển Sơn Mỹ. Hiện tỉnh Bình Thuận có chủ trương tạm dừng đầu tư các dự án điện gió trên bờ, để tập trung ưu tiên cho các dự án điện gió ngoài khơi vì lợi ích kinh tế mà điện gió mang lại.

Đã có quy hoạch chiến lược cho điện gió

Theo ông Phan Văn Đăng, đảng bộ tỉnh xác định một trong 3 trụ cột lõi trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đó là công nghiệp. Trong đó, tỉnh ưu tiên nhất là công nghiệp năng lượng. Bình Thuận được các bộ ngành đánh giá là trung tâm năng lượng quốc gia nhờ có tiềm năng về năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất nước, số giờ gió, giờ nắng trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam, tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời. Với các lợi thế đó, Bình Thuận được coi là Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.

Tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Tốc độ gió và bức xạ mặt trời cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, UBND tỉnh đã lập Quy hoạch phát triển điện gió, xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư khai thác hiệu quả. Theo đánh giá, tổng công suất lắp đặt điện gió đạt xấp xỉ 700 MW, với sản lượng điện gió tương ứng xấp xỉ 1.500 triệu kWh; đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 2.500 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 5.475 triệu kWh.

Mạnh về công nghiệp năng lượng

Theo báo cáo của các sở ngành liên quan, đối với điện mặt trời, mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm đến năm 2025 của tỉnh Bình Thuận là 4.765 MWp, sản lượng điện tương ứng khoảng 7.510 triệu kWh. Còn đến năm 2030 của tỉnh với tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 6.199 MWp, sản lượng điện tương ứng khoảng 9.769 triệu kWh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã triển khai lập và trình Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực nhằm tạo cơ sở pháp lý cho ngành điện đầu tư xây dựng lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải phóng công suất các dự án nguồn điện, điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước.

Đọc thêm