Bịt tường lối vào nhà hàng xóm tại Đông Anh (Hà Nội): Xây dựng trái phép trên đất công, sao xã lại… hòa giải?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi mua trúng đấu giá nhà đất, chủ đất đã không thể vào nhà của mình do bị chủ cũ xây tường và dựng hàng rào án ngữ phía trước. Bức tường này được cho là xây trên đất công, đất lưu không nên theo quy định thì phải xử lý phá dỡ. Thế nhưng, ông Phạm Tiến Hoàng (Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng) khi kết luận Hội nghị lại đề nghị hai bên “tự ngồi lại thỏa thuận. Nếu có nhu cầu, UBND xã sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải để hai bên đạt được tiếng nói chung”.

Không xử lý công trình trái phép, còn “bật đèn xanh” hòa giải

Năm 2020, sau khi mua trúng đấu giá tài sản là nhà đất tại thôn Vệ (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội; do cơ quan thi hành án tổ chức thi hành quyết định của Tòa án), ông Chu Mạnh Quốc đã được Sở TN&MT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích sử dụng 120,9m2. Phần đất phía trước, vốn là lối đi vào ngôi nhà được Sở TN&MT xác định là đất “lưu không”, đất công.

Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Quốc thì khoảng đầu tháng 4/2021, ông Ngô Quang Định (chủ cũ ngôi nhà) đã cho người xây tường và dựng rào sắt bịt lối đi duy nhất nêu trên, khiến gia đình ông không thể vào nhà đất của mình.

Gửi đơn đến UBND xã Nam Hồng ngay sau đó, ông Quốc đề nghị địa phương khôi phục hiện trạng lối đi cho gia đình ông bằng cách phá bức tường mà ông Định đã xây trái phép trên đất công vì theo quy định của BLDS, mua đất ở thì phải có đường vào.

Tại buổi gặp mặt do UBND xã Nam Hồng tổ chức ngày 16/4/2021, ông Định thừa nhận phần đất mình xây dựng chưa được cấp GCNQSDĐ nhưng lại cho rằng “đất này đã sử dụng lâu dài, ổn định”.

Ông Nguyễn Đức Long (công chức địa chính xã) đưa ra ý kiến ông Định “giữ nguyên hiện trạng”, dỡ bỏ cánh cổng sắt để mở lại lối đi chung.

Nhà đất của ông Quốc bị bịt cổng, không có lối ra vào.

Nhà đất của ông Quốc bị bịt cổng, không có lối ra vào.

Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Hoàng (Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng) khi kết luận Hội nghị lại đề nghị hai bên “tự ngồi lại thỏa thuận. Nếu có nhu cầu, UBND xã sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải để hai bên đạt được tiếng nói chung”.

Trao đổi với PV, ông Phan Hoàng Anh (đại diện cho ông Quốc) cho rằng việc Phó Chủ tịch xã Phạm Tiến Hoàng đưa ra quan điểm “hòa giải” như trên là không đúng quy định vì bản chất đây là hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, chứ không phải tranh chấp đất giữa hai gia đình. Còn việc ông Định có muốn mua lại tài sản đã bị kê biên, bán đấu giá thì UBND xã cũng không có trách nhiệm, thẩm quyền hòa giải hay làm trung gian mua bán.

Luật sư: “Không được phép hòa giải sự việc này”

Đồng quan điểm nêu trên, LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật Trường Lộc) cho rằng, nếu địa phương đã xác định có hành vi xây dựng trên đất công thì cần xử lý theo quy định (lập biên bản, xử phạt, cưỡng chế phá dỡ trả lại nguyên trạng đất lưu không…). “Đây không phải là tranh chấp đất đai nên không được phép hòa giải. Nếu tổ chức hòa giải để xác định quyền sử dụng đất cho một trong hai bên là sai quy định, làm thiệt hại đến tài sản Nhà nước (đất đai) mà chính quyền địa phương được giao quản lý”, LS Tuấn nói.

Phản ánh quan điểm trên với ông Trần Văn Cường (Chủ tịch UBND xã Nam Hồng), PV được ông Cường cho biết, rắc rối trong vụ việc xuất phát từ công tác quản lý đất đai từ nhiều năm trước; khi địa phương đã để ông Ngô Quang Định xây một phần ngôi nhà 3 tầng và công trình trên đất công (trên 100m2). Tới nay, phần nhà đất này vẫn do ông Định sử dụng do không đủ điều kiện bán đấu giá. Còn diện tích nhà đất hơn 120m2 khi bán đấu giá thành đã được sang tên cho ông Quốc.

Về vi phạm của ông Định, Chủ tịch xã Trần Văn Cường cho rằng việc xây chặn cổng nhà ông Quốc mới xảy ra. Trong vụ việc này, xã vẫn khẳng định “mua nhà phải có lối đi” nên tới đây sẽ cho cán bộ xuống lập biên bản về hành vi xây dựng trên đất công với ông Định và tiến hành xử lý theo quy định. “Việc này, tôi đã giao cho anh Hoàng, Phó Chủ tịch xử lý. Có gì, phóng viên cứ trao đổi với anh Hoàng” - ông Cường cho biết.

Trong khi đó, khi được PV liên hệ làm việc, ông Phạm Tiến Hoàng đều lấy lý do bận việc nên chưa thể làm việc với báo chí.

Theo ghi nhận của PV thì đến nay địa phương này vẫn chưa có động thái nào để xử lý vi phạm theo quan điểm trên. Còn gia đình ông Quốc hàng ngày vẫn phải chịu nghịch lý khi bỏ cả tỷ đồng để mua nhà đất đấu giá nhưng cả năm nay vẫn chưa thể sử dụng do bị bịt lối vào.

Đọc thêm