Bitcoin - Tăng giá mạnh, tiềm ẩn rủi ro

(PLO) - Bitcoin thường được gọi là đồng tiền “ảo”, song thành công của nó trong năm 2016 lại không hề “ảo”. Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2016 là một năm thực sự thành công đối với Bitcoin, khi đồng tiền này có mức tăng giá mạnh nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bitcoin - Tăng giá mạnh, tiềm ẩn rủi ro

Theo thống kê mới nhất của các chuyên gia tài chính, trong năm 2016, đồng tiền Bitcoin có mức tăng giá lên tới 126%, bỏ xa đồng real Brazil, đồng tiền có mức tăng giá mạnh thứ hai (21%). Đặc biệt, trong ba tháng cuối năm 2016, biến động giá của đồng tiền Bitcoin tính theo USD tương đương với mức biến động của đồng yen Nhật, bảng Anh và euro, ổn định hơn so với đồng real Brazil, rand Nam Phi và thậm chí cả vàng. Một điểm đáng lưu ý là Bitcoin có được sự tăng giá và ổn định nói trên mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ ngân hàng trung ương nào. 

Lý do nào khiến tăng giá?

Các chuyên gia tài chính đã chỉ ra hai lý do khiến thị trường ưa chuộng Bitcoin hơn. Thứ nhất, giới đầu tư Trung Quốc sử dụng Bitcoin để chuyển vốn khỏi nước này, cụ thể họ dùng tiền để mua bitcoin trên tài khoản ở Trung Quốc đại lục và bán bitcoin trên tài khoản nằm ngoài Trung Quốc. Trong sáu tháng gần đây, 98% hoạt động mua bán Bitcoin liên quan đến đồng nhân dân tệ (NDT). Giới chức Trung Quốc lo ngại rằng các giao dịch bằng Bitcoin sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp quản lý ngoại hối của nước này. 

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cho rằng giới đầu tư bắt đầu sử dụng Bitcoin như một tài sản trú ẩn giống như vàng. Theo chuyên gia phân tích Chris Burniske thuộc công ty quản lý đầu tư ARK, khi bất ổn chính trị phát sinh, người ta có xu hướng mua Bitcoin để hạn chế các tác động tiêu cực trên thị trường tài chính. 

Tuy vậy, các chuyên gia tài chính cũng cho biết đầu tư vào Bitcoin cũng tiềm chứa không ít rủi ro khi đầu năm 2016, giá giao dịch của Bitcoin lần thứ hai phá ngưỡng 1.000 USD và vọt lên mức 1.024 USD nhưng sau đó lại đột ngột mất giá mạnh. 

Bitcoin là cái gì?

Bitcoin ra đời vào năm 2008. Đây là thời điểm quan trọng với nền kinh tế thế giới khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu lan rộng từ những sản phẩm tài chính đầy rủi ro ở Mỹ và châu Âu, kéo đổ các ngân hàng lớn, buộc các chính phủ phải ra tay in và bơm một khối lượng tiền khổng lồ để cứu nền kinh tế.

Khi đó, vào tháng 11/2008, một nhân vật bí hiểm có nickname là Satoshi Nakamoto đã đưa lên mạng công trình nghiên cứu, miêu tả cách thức tổ chức, vận hành của một đồng tiền điện tử dưới tên gọi là Bitcoin nhằm mục đích đưa đồng tiền này thành một công cụ thanh toán không chịu sự chi phối bởi ngân hàng của bất kỳ chính phủ nào. 

Bitcoin được đưa vào sử dụng từ ngày 3/1/2009 với khối Bitcoin khởi thủy được ra đời (genesis block). Giao dịch Bitcoin đầu tiên được thực hiện giữa Satoshi Nakamoto và nhà mật mã học Hal Finney vào ngày 12/1/2009. Bitcoin là loại tiền mã hoá điển hình nhất, ra đời đầu tiên và được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại điện tử. Các doanh nghiệp có xu hướng muốn thanh toán bằng Bitcoin để giảm thiểu chi phí. Đến tháng 1/2017, lượng tiền cơ sở của Bitcoin được định giá hơn 19 tỷ đô la Mỹ - là loại tiền mã hóa có giá trị thị trường lớn nhất.

Bitcoin được hiểu là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), được tạo ra từ các thuật toán. Quá trình xử lý thuật toán trên máy tính được gọi là “đào” (mining). Chỉ cần máy tính có cấu hình mạnh là người dùng có thể tham gia vào “đào” Bitcoin. Cũng giống tiền thật, Bitcoin được chia thành các mệnh giá decibitcoin, centibitcoin, milibitcoin và được ký hiệu là BTC.

Để thực hiện giao dịch cần phải có số Bitcoin tương ứng. Đầu tiên, người dùng phải có một ví BTC (bitcoin wallet) bằng cách tải những phần mềm tạo ra nó từ một số trang web chuyên làm dịch vụ này. Mỗi ví bitcoin có một địa chỉ riêng là một chuỗi số và chữ. Tiếp đến, người dùng vào các trang giao dịch BTC để mua và được xem là đã tham gia cộng đồng BTC. BTC được mua bằng chuyển khoản, thẻ tín dụng hay tiền mặt. Sau đó, người ta giao dịch, mua bán hàng hóa hay dịch vụ và thanh toán bằng BTC. Cứ 10 phút, mọi giao dịch sẽ được cập nhật vào khối chuỗi (Block chain) và lúc đó giao dịch được xác nhận.

Mỗi khi có giao dịch được thực hiện, cộng đồng BTC quy định thông tin về giao dịch đó sẽ được ghi vào khối chuỗi. Thông tin cũng được gán vào phần cuối của dãy chữ và số tượng trưng cho BTC, cho biết số tiền đã tiêu và còn lại. Theo quy định, cộng đồng BTC sẽ đua nhau giành lấy quyền được ghi các giao dịch vào khối chuỗi, cứ 10 phút cập nhật một lần. Để không phải ai cũng giành được cơ hội, người ta sẽ gán với việc cập nhật sổ cái những thuật toán với độ khó liên tục được nâng lên, sao cho việc giải thuật toán cần thời gian trong khoảng 10 phút đúng như quy định về thời gian cập nhật. Người giành được quyền cập nhật thì sẽ được thưởng 25 BTC. 25 BTC này được tạo mới hoàn toàn, như vậy tổng số BTC cứ 10 phút tăng thêm 25 và cho đến nay, đã có khoảng 12 triệu BTC ra đời theo kiểu này. 

Với những quy định tạo ra BTC như vậy, khi mới ra đời, đồng tiền ảo này đã được xem như là một phương tiện tương thích với thương mại điện tử, giảm các chi phí trung gian (phát hành và đưa vào lưu thông), thuận lợi khi giao dịch (chỉ cần tài khoản và Internet), không chịu sự kiểm soát của tổ chức hay cá nhân nào. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, đồng tiền nhiều quốc gia bất ổn thì việc tích trữ, đầu tư BTC cũng là một kênh giao dịch được lựa chọn. Vì vậy mà BTC đã được một số nước chấp nhận và phát triển nhanh chóng về quy mô và giá trị. 

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tuy còn nhiều điểm về Bitcoin mà thế giới chưa thực sự hiểu hết nhưng Bitcoin đã khiến nhiều người phải quay cuồng theo nhịp độ lên xuống của đồng tiền ảo này. Nếu như đầu năm 2013, giá trị mỗi Bitcoin chỉ tương đương 20 USD/1BTC thì đến cuối năm đã vượt mốc 1.000 USD/1BTC, khiến đồng tiền ảo này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Cũng chính vì sự lên xuống như vậy mà giá trị của Bitcoin thiếu tính ổn định.

Chính vì giá trị của đồng BTC có những thời điểm tăng với tốc độ khó tin nên nó đã trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc. Theo trang Technology Review, vụ trộm BTC đầu tiên xảy ra năm 2011 khi tin tặc xâm nhập máy vi tính của một nhà đầu tư lấy đi 25.000 BTC tương đương 500.000 USD. Tháng 4/2013, một nhà đầu tư lại bị mất số BTC trị giá 16.500USD khi tin tặc dùng mã độc tấn công một sàn giao dịch. Tiếp đó, tháng 10, tin tặc tấn công sàn giao dịch Inputs.io và rút đi 4.100 BTC trị giá 1,3 triệu USD. Tháng 11, tin tặc tấn công vào sàn giao dịch BIPS ở châu Âu, cướp đi 1.295 BTC, trị giá 1 triệu USD. Cũng trong thời gian này, trang web Sheep Marketplace thông báo đã bị tin tặc lấy đi 96.000 BTC, trị giá 107,8 triệu USD. 

Ngày 25/2/2014, cộng đồng sử dụng Bitcoin trên toàn thế giới đã hoảng loạn sau khi sàn giao dịch Mt.Gox - một trong những sàn giao dịch tiền ảo BTC đầu tiên và lớn nhất trên thế giới, chiếm 14% tổng giao dịch toàn cầu, đột nhiên biến mất khỏi mạng Internet. Sự “mất tích” đột ngột của Mt.Gox xảy ra sau khi rộ lên nhiều tin đồn sàn giao dịch này đã bị đánh cắp 744.000 BTC và lâm vào cảnh vỡ nợ với khoản nợ lên đến 174 triệu USD. Trụ sở của Mt.Gox ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản cũng bị bỏ trống khiến những người đầu tư vào đồng tiền BTC tại sàn giao dịch Mt.Gox vô cùng hoảng loạn.

Ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo về việc sử dụng Bitcoin, có đoạn: “Về việc sử dụng bitcoin như là một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau: Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ”.

Tháng 8/2016, thông tin về việc tin tặc đánh cắp một lượng Bitcoin tương đương với 66 triệu USD từ thị trường chứng khoán Hong Kong đã làm Bitcoin mất giá 20%. Sự việc cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường giao dịch Bitcoin tại Việt Nam khi tin tặc tấn công vào hệ thống chính của Bitcoin và lấy đi 119.756 Bitcoin, tương đương hơn 65 triệu USD, khiến hàng ngàn khách hàng có nguy cơ thua lỗ nặng. 

Trước những sự cố trên, người ta đã đặt ra câu hỏi liệu Bitcoin có phải là một khoản đầu tư có thể sinh tồn hay chỉ là một đồng tiền của những nhóm tội phạm có tổ chức? Ngoài ra tính ẩn danh của người sử dụng Bitcoin đã gây lo ngại về việc sử dụng đồng tiền ảo này cho mục đích rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Dù Bitcoin đã tăng giá mạnh nhất trong năm 2016 nhưng với những rủi ro tiềm ẩn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính phủ các nước vẫn cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thị trường tiền ảo này. 

Ngày 5/10/2009, lần đầu tiên giá trị của Bitcoin được ấn định trên sàn giao dịch, khởi điểm ở mức 1 đô la Mỹ tương đương 1.309,03 bitcoin (hoặc 1 bitcoin = 0,00076 USD). Cộng đồng phát triển Bitcoin dần dần mất hoàn toàn liên lạc với Satoshi từ giữa năm 2010, sau khi ông đưa cho Gavin Andresen khóa báo động khi mạng lưới Bitcoin bị tấn công, có thể dùng để báo động tới toàn mạng lưới ngừng lưu lại giao dịch. Cho tới nay, danh tính chính xác của Satoshi Nakamoto vẫn còn là ẩn số.

Ngày 22/10/2010, lần đầu tiên Bitcoin được sử dụng để mua hàng hóa - là một chiếc Pizza với giá 10.000 bitcoin, tương đương 25 đô la Mỹ tại thời điểm đó. Trong vòng 5 ngày từ ngày 12 tháng 7 năm 2010, giá của Bitcoin tăng lên 10 lần từ 0,008 đô la Mỹ lên 0,08 đô la Mỹ.

Tháng 7/2013, Thái Lan là nước đầu tiên ban hành lệnh cấm Bitcoin, sau khi Công ty Bitcoin Thailand trình bày ý tưởng kinh doanh Bitcoin của họ tới Ngân hàng Trung ương Thái Lan. Tuy nhiên, vào tháng 2/2014, Bộ Tài chính Thái Lan tuyên bố Ngân hàng Trung ương Thái Lan không có thẩm quyền đối với Bitcoin và đã cho phép Công ty Bitcoin Thailand đăng ký kinh doanh ngay sau đó.

Tháng 1/2014, Dịch vụ bảo hiểm đầu tiên sử dụng Bitcoin được ra mắt, ngay sau đó Overstock tuyên bố họ là nhà phát hành bán lẻ đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin tại Mỹ. Một tháng sau, chính phủ Anh đưa ra dự thảo về việc sẽ tính thuế với giao dịch Bitcoin.

Đọc thêm