Bờ biển Đông Cà Mau sạt lở nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dọc theo tuyến bờ biển Đông (tỉnh Cà Mau), do chưa hình thành tuyến đê, cũng như mới triển khai được vài dự án kè nên tốc độ xói lở bờ biển từ Đầm Dơi qua Năm Căn về tới Mũi Cà Mau đang diễn biến rất phức tạp, làm mất hàng trăm ha đất rừng ven biển.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện trên toàn tuyến biển Đông xuất hiện 07 vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có nhiều vị trí có tốc độ sạt lở rất nhanh, tiến sát và gây áp lực lên đường Hồ Chí Minh.

Những thân cây mắm đã bị sóng biển ập vào quật ngã.

Những thân cây mắm đã bị sóng biển ập vào quật ngã.

Theo ghi nhận phóng viên tại Vàm Kinh Năm (ấp Kinh Năm, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) tốc độ sạt lở tại cửa đặc biệt nguy hiểm. Theo người dân sống tại đây cho biết, khoảng 20 năm qua, sóng biển đã phá hủy, tiến sâu vào trên 02 km, gây nhiều bất an đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Cao Thị Mai (63 tuổi) hồi tưởng nhớ lại về những vạt rừng xanh vốn rất xa ngoài kia, nay chỉ là bọt trắng của những đợt sóng trường vào. “Sóng biển cứ lùa dần gia đình tôi và những hộ ở quanh, 02 chủ vuông cũng bỏ đi, giờ thì sắp hết đường lùi vì gần đến tuyến đường Hồ Chí Minh rồi”, bà Mai trăn trở trước khoảng không trống ngay trước nhà, khi những con sóng liên tiếp ập vào tung tóe, gầm gừ nuốt trôi từng cụm đất, xô ngã từng góc cây, trơ bộ rễ trắng.

Những trụ nhà sàn còn lại của người dân ở trước đây đã phải rời đi vì sóng biển ập đến.

Những trụ nhà sàn còn lại của người dân ở trước đây đã phải rời đi vì sóng biển ập đến.

Đứng trước hiên nhà trống trơn, chị Nguyễn Thị Rộ kể, mùa con nước sắp dâng, sóng biển sẽ quật vào tận nhà, cuốn trôi tất cả. “Năm rồi, nhà ông Nguyễn Văn Nở tại đây cũng đã bị sóng biển ập vào quật ngã, cả gia đình phải bỏ của chạy thoát thân, nương nhờ nhà hàng xóm vốn cùng chung nổi lo sợ”.

Trước thực tế sạt lở nghiêm trọng bên bờ biển Đông, thông qua nhiều nguồn, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã và đang triển khai các dự án kè nhằm giảm tác động của sóng biển vào bờ tại những vị trí đặc biệt nguy hiểm, nhất là tại các cửa biển, nhưng chưa thể phủ khắp, nhiều nơi còn bất an.

Do chưa có hệ thống kè bên ngoài nên sóng biển phá hủy hàng trăm ha đất, rừng tuyến bờ biển Đông.

Do chưa có hệ thống kè bên ngoài nên sóng biển phá hủy hàng trăm ha đất, rừng tuyến bờ biển Đông.

Được biết, nhu cầu xử lý bằng giải pháp công trình tại 07 vị trí sạt lở nguy cấp trên tuyến bờ biển Đông khoảng 2.762,7 tỷ đồng. Tỉnh Cà Mau cũng đã đề xuất danh mục với 05 vị trí ưu tiên xử lý bằng hình thức kè chắn sóng với chiều dài 16,5 km tổng nguồn dự kiến khoảng 930 tỷ đồng và đã đã phê duyệt 04 dự án. Đến nay, Trung ương cũng chỉ mới hỗ trợ địa phương trên 150 tỷ đồng xử lý tại 04 vị trí và nguồn phân bổ nhỏ giọt nên trong thực hiện giải pháp công trình chưa mang lại hiệu quả, cần bổ sung khẩn cấp và kịp thời 780 tỷ đồng còn lại.

Cuộc sống tạm bợ của những hộ dân ở Vàm Kinh Năm (ấp Kinh Năm, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển).

Cuộc sống tạm bợ của những hộ dân ở Vàm Kinh Năm (ấp Kinh Năm, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển).

Đối với vị trí Kinh Năm như hình ảnh phóng viên ghi nhận, dù đã có dự án xây kè đến Kênh Chùm Gọng dài 05 km, tuy nhiên, thời gian qua cũng chỉ mới bố trí 40/296 tỷ đồng của dự án nên tiến độ công trình chưa có nhiều tiến triển. Trong khi tốc độ sạt lở đang rất nguy cấp, đất ven biển tiếp tục mất đi, những vạt rừng tiếp tục gục ngã, đời sống người dân nhiều bất an, thiếu đảm bảo, hạ tầng xây dựng trước nguy cơ bị tác động…

Trọng điểm mùa mưa bão đang đến gần, cũng như thời điểm triều cường đạt đỉnh thường diễn ra những tháng cuối năm, Vàm Kinh Năm cũng như dọc tuyến bờ biển Đông Cà Mau sẽ còn nhiều thiệt hại, nghiêm trọng hơn./.

Đọc thêm