Bộ Công an đề xuất không quy định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng

(PLVN) -Bộ Công an đề xuất, không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, vì thực tế biện pháp này không đủ nguồn lực về con người, vật chất và không hiệu quả. 


Bộ Công an cho biết, trong những năm qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả; phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật…Những kết quả triển khai Luật Phòng, chống ma túy đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, một số nội dung, quy định của Luật Phòng, chống ma túy đã lạc hậu so với thực tiễn. Tình hình số người nghiện gia tăng trong khi công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện ma túy nhiều; công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai không còn phù hợp. Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy nhất là sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá", người sử dụng ma túy tổng hợp gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này…

Trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.  Cụ thể, dự thảo bổ sung nhiều quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; quy định biện pháp quản lý sau cai làm hạn chế quyền con người không phù hợp với Hiến pháp, quản lý sau cai tại nơi cư trú tạo tâm tý tự ti, mặc cảm cho người nghiện khi hòa nhập với cộng đồng, ngoài ra còn tác động đến tâm lý không tốt của gia đình, thân nhân của người nghiện; vì vậy thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện.

Đặc biệt, liên quan đến các quy định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng nghiện ma túy thường là có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tinh thần hợp tác với lực lượng chức năng; Còn tình trạng kỳ thị trong cộng đồng đối với người nghiện; đội ngũ cán bộ chuyên trách về vấn đề tư vấn, quản lý người nghiện tại địa bàn dân cư phải kiêm nhiệm, thay đổi công việc liên tục. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ở cấp cơ sở rất hạn chế; các trạm y tế địa phương chưa đảm bảo yêu cầu thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc …

Vấn đề này, Bộ Công an thẳng thắn nhìn nhận: biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng không hiệu quả vì không đủ nguồn lực về con người, vật chất. Những năm gần đây, nhiều địa phương không triển khai thực hiện được hoặc thực hiện mang tính hình thức. Do đó, trong dự thảo mới, Bộ Công an đề xuất không quy định biện pháp nói trên. 

Đọc thêm