Tại dự thảo Nghị định, công dân đã được cấp thẻ căn cước thì chỉ cần đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp căn cước điện tử.
Khi đó, công dân xuất trình thẻ căn cước, cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao hoặc địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục (áp dụng đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên) để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước. Người dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập căn cước điện tử.
Sau đó, cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan công an và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.
Đối với trường hợp người dân chưa được cấp thẻ căn cước, dự thảo đề xuất công dân đến cơ quan công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước; cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao, địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử. Những bước tiếp theo được thực hiện tương tự như trường hợp đã được cấp thẻ căn cước.
Theo đề xuất của Bộ Công an, công dân Việt Nam được cấp tài khoản định danh mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (căn cước điện tử). Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cũng được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Riêng cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Dự thảo cũng nêu rõ kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại nghị định này, cơ quan Công an có trách nhiệm giải quyết cấp tài khoản định danh điện tử, căn cước điện tử trong thời hạn: không quá 03 ngày làm việc với trường hợp cấp căn cước điện tử; không quá 07 ngày làm việc với trường hợp chưa có thẻ căn cước.
Riêng với tổ chức, thời hạn là không quá 01 ngày làm việc với trường hợp thông tin cần xác thực về tổ chức đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trường hợp cần xác thực các thông tin trên thì thời hạn không quá 15 ngày. Ngoài ra, Dự thảo còn quy định về việc kích hoạt căn cước điện tử, trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử...
Theo Luật Căn cước, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử, do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử gồm danh tính điện tử (số định danh cá nhân;họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay). Cùng với đó là một số thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Ngoài ra căn cước điện tử có thể được tích hợp các thông tin như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định. Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác...
Triển khai thực hiện Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).
Triển khai các tiện ích trên ứng dụng định danh quốc gia (VneID), đã tích hợp, sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia với trung bình 15.312 lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập/01 ngày, giúp người dân khắc phục tình trạng công dân không có số điện thoại chính chủ để tạo tài khoản đăng nhập, sử dụng dịch vụ công. Triển khai tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn tội phạm trên tài khoản định danh điện tử với các nội dung cảnh báo thủ đoạn giả danh các cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.