“Dân đang chờ là chưa hết giờ làm việc”
Đã 18h tối, hết giờ làm việc, nhưng Phòng Tư pháp - Hộ tịch xã Tượng Sơn cửa vẫn mở, đèn sáng, anh Nghĩa vẫn đang miệt mài bên tập hồ sơ, giấy tờ giải quyết công việc phát sinh trong ngày, dãy ghế chờ vẫn còn 2 người dân đến làm hồ sơ thủ tục.
“Mặc dù đã hết giờ làm việc khá lâu nhưng chú Nghĩa vẫn vui vẻ, nhiệt tình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho dân. Tôi rất cảm động trước thái độ phục vụ tận tình, gần gũi của chú ấy” - Đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà khi đến làm thủ tục giấy khai sinh cho con nhưng có việc gia đình nên đến muộn. Qua trò chuyện với người dân Tượng Sơn chúng tôi được biết, hình ảnh công chức tư pháp - hộ tịch Dương Chính Nghĩa đi làm sớm về muộn đã quá quen thuộc với người dân ở đây.
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành luật, tháng 10/2005, anh Nghĩa đảm nhiệm công việc của một công chức tư pháp - hộ tịch, lúc đầu công việc còn mới mẻ nên anh gặp không ít khó khăn. Xác định nhiệm vụ của một tư pháp cấp xã là người “gác cổng” cho chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan đến pháp luật và là địa chỉ tin cậy để người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, công tác tư pháp thường khô khan, người dân ngại tiếp cận, vì vậy ngoài việc tận tụy, trách nhiệm, người làm công tác tư pháp còn cần luôn tìm tòi nghiên cứu những nội dung văn bản pháp luật mới, đồng thời tự nghiên cứu sách báo để áp dụng cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân sao cho ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhất.
Anh Nghĩa chia sẻ: “Tác phong, lề lối làm việc của người công chức xã trước hết là tinh thần trách nhiệm với công việc mình đảm nhiệm. Cụ thể như việc tranh chấp của người dân, nếu nghĩ đó là chuyện của người dân mà mình không vào cuộc hòa giải thì mình đã không làm tròn trách nhiệm của người tư pháp ở cơ sở”.
Không kể trưa hay tối, người dân chưa xong việc là anh còn ở lại phòng làm việc giải quyết hồ sơ, thủ tục cũng như giải đáp những thắc mắc về pháp luật cho người dân. |
Xã Tượng Sơn là địa phương có dân số đông, địa bàn lại giáp thành phố Hà Tĩnh, một số bộ phận lười lao động thường tụ tập đua đòi ăn chơi lêu lổng dẫn đến trộm cắp vi phạm pháp luật, vì vậy việc tuyên truyền pháp luật luôn phải bám sát và có nhiều hình thức đổi mới để tiếp cận từng nhóm đối tượng. Mỗi năm, anh Nghĩa tham mưu cho xã thực hiện trên 20 cuộc tuyên truyền pháp luật, song song với đó đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như loa truyền thanh xã, cổng thông tin điện tử của xã, trang Fanpage, zalo...
Bình quân mỗi tháng bộ phận tư pháp - hộ tịch xã Tượng Sơn tiếp nhận và trả kết quả từ 400 - 500 hồ sơ hộ tịch, tư pháp như tình trạng hôn nhân, cấp bản sao giấy khai sinh, chứng thực bản sao từ bản chính và các giao dịch dân sự khác. Đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân, vì vậy người làm công tác tư pháp luôn phải có thái độ phục vụ vui vẻ, nhiệt tình, giải quyết công việc nhanh chóng, đúng pháp luật, không gây phiền hà, nhũng nhiễu, đặc biệt trong công việc “dân đang chờ là chưa hết giờ làm việc” đây là phương châm làm việc của công chức tư pháp Tượng Sơn và cũng là bí quyết giúp anh Nghĩa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong gần 20 năm qua.
Đổi mới, đi đầu các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật
Nhiều năm gắn bó với cơ sở, anh Nghĩa nhận thấy hệ thống pháp luật đã cơ bản đầy đủ nhưng việc tiếp cận của người dân nhiều khi chưa được sát do nhiều yếu tố. Trăn trở trên đặt ra cho anh bài toán khó cần đi tìm lời giải làm thế nào để bà con tận các thôn, xóm được trang bị kiến thức pháp luật cơ bản nhất. Đó cũng là lý do thôi thúc anh xây dựng nhiều sáng kiến kinh nghiệm để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cụ thể trong 3 năm, năm 2019, năm 2020 và năm 2022 anh Nghĩa đã xây dựng 3 đề tài sáng kiến kinh nghiệm với nội dung “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” năm 2019 và năm 2020 là đề tài “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua câu lạc bộ nông dân với pháp luật” còn năm 2022 là đề tài “Nâng cao chất lượng sử dụng phần mềm hộ tịch dùng chung trong đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện Thạch Hà”. Các sáng kiến này đã được đưa vào áp dụng thực tiễn rất có hiệu quả và được UBND huyện Thạch Hà công nhận.
Buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại xã Tượng Sơn. |
Giờ đây, về các thôn, xóm ở tỉnh Hà Tĩnh hỏi về các câu lạc bộ pháp luật “Nông dân với pháp luật” hay “Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu” là không ai không biết. Nhưng để có những diễn đàn tuyên truyền pháp luật ra đời và áp dụng thực tiễn rộng rãi như hiện này không nhiều người biết được nó được triển khai thí điểm đầu tiên tại xã Tượng Sơn và người “thổi hồn” cho những câu lạc bộ pháp luật này có sức sống và bay xa là công chức tư pháp - hộ tịch Dương Chính Nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn chia sẻ: Năm 2007, thấy anh Nghĩa về thông báo và tuyên truyền tại các thôn để thành lập câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” lúc đầu ai cũng lo vì chưa thấy ở địa phương nào triển khai. Sau khi câu lạc bộ thành lập mỗi tuần sinh hoạt một lần, do người dân làm nông nghiệp nên thường tổ chức vào buổi tối nhưng lần sinh hoạt nào anh Nghĩa cũng về tham gia, ngoài trang bị, cung cấp các văn bản pháp luật mới, anh còn hướng dẫn tận tình từ nội dung sinh hoạt, trong đó tập trung vào tuyên truyền, chuyển tải kiến thức về chính sách pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân. Lúc đầu trong thôn chỉ có khoảng 7 - 10 người tham gia nhưng qua quá trình sinh hoạt, câu lạc bộ đã thu hút được trên 30 người tham gia vì đã giải đáp được nhiều thắc mắc, tranh chấp trước đây không biết hỏi ai nay được giải đáp tận tình lại không mất phí.
Ông Dũng cho biết thêm, “Tổ hòa giải kiểu mẫu thôn Sâm Lộc” được chọn xây dựng mô hình tổ hòa giải kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, thành lập vào tháng 9/2021. Mỗi lần tổ hòa giải thông báo giải quyết hòa giải tranh chấp ở thôn là anh Nghĩa có mặt cùng với các thành viên trong tổ. “Giờ đây công việc hòa giải ở nông thôn không chỉ chuyện xích mích trong gia đình, mâu thuẫn làng xóm như con gà sang vườn nhà người khác, chăn thả gia súc phá hoa màu của nhau mà còn phát sinh những chuyện kiện tụng, thậm chí xảy ra đánh nhau như xây nhà lấn đất, tranh chấp đất đai được tổ hòa giải vào cuộc xử lý thành công. Nếu không có người am hiểu luật cùng “xắn tay” vào cuộc phân tích, hòa giải như anh Nghĩa thì nhiều vụ việc cũng khó thành công” - ông Dũng nói.
Bà Lê Thị Phương Thanh - Trưởng phòng Tư pháp huyện Thạch Hà cho hay: “Anh Dương Chính Nghĩa là một cán bộ tư pháp cấp xã kỳ cựu và tiêu biểu của huyện Thạch Hà luôn tận tụy, năng nổ với công việc. Từ năm 2018 đến nay, anh luôn là gương điển hình, lá cờ đầu nhận được Giấy khen của UBND huyện và Giám đốc Sở Tư pháp, năm 2021 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp - hộ tịch…”.