PGS, TS. Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh |
TĂNG CƯỜNG THỂ CHẾ HÓA QUY ĐỊNH CỦA ĐẢNG THÀNH PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH TRONG THỜI KỲ MỚI
Thực tế thời gian qua cho thấy những nội dung về kiểm soát quyền lực góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm và chú trọng thực hiện nhưng với sự biến đổi mau lẹ của thực tế cũng như những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp thì các quy định của Đảng rất cần được cập nhật, bổ sung và ban hành mới. Bài viết này làm rõ nội dung về thể chế hóa những chủ trương, quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đặt vấn đề
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm là hoàn thiện đồng bộ về thể chế nhằm tăng cường cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể kể ra là: Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm;Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm;Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; Quy định số: 117-QĐ/UBKTTW ngày 18/8/2023 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Chỉ trong năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành đồng bộ ba quy định về kiểm soát quyền lực trên ba lĩnh vực có thể nói là rất nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, đó là Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộngày 11 tháng 7 năm 2023; cùng ngày27 tháng 10 năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam về chống “giặc nội xâm” thông qua sự hoàn thiện về thể chế các quy định của Đảng một cách thống nhất, đồng bộ theo tinh thần: “Nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế”.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao”(1), “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng có nội dung chưa được quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về mối quan hệ, trách nhiệm giữa tập thể, cá nhân và người đứng đầu, nên khó xác định trách nhiệm của cá nhân khi xảy ra sai phạm”(2). Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy tổ chức thực hiện các quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn có những vướng mắc, bất cập do có nhiều nội dung chưa thực sự đồng bộ và thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chưa dự liệu hết những tình huống có thể xảy ra trong thực tế.
Nguyên nhân của tình trạng trên là: “Những vướng mắc, bất cập nêu trên chủ yếu liên quan đến nội dung trong các quy định, hướng dẫn của Trung ương”(3).
Do vậy, tăng cường thể chế hóa những chủ trương, quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh là rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.
PGS.TS Lê Văn Cường: "Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm là hoàn thiện đồng bộ về thể chế nhằm tăng cường cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" ( Ảnh minh họa: Đại hội XIII của Đảng diễn ra năm 2021) |
Yêu cầu và nội dung tăng cường thể chế hóa những quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước
Chỉ hơn một tháng sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (4). Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô[1], cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ” (5).
Trong thư gửi các đồng chí Bắc Bộ ngày 01 tháng 03 năm 1947, trong lúc cuộc kháng chiến còn đang khó khăn, gian khổ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm trong hàng ngũ cán bộ của Đảng. Đó là tình trạng: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh hoẹ. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc "ông tướng, bà tướng" ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân.” (6).
Mới thoát khỏi thân phận của người dân nô lệ, mất nước mà đã có biểu hiện hiện như vậy thì hiện nay có những người đánh mất mình trước những cám dỗ là điều khó tránh khỏi. Từ xưa đến nay căn bệnh Quyền – Sắc đã làm gục ngã rất nhiều người và nay có những cán bộ khi được giao quyền lại lạm quyền, lộng quyền để tham nhũng, tiêu cực phải trả giá cho lầm lỗi mà mình gây ra là điều đáng buồn nhưng cũng thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
Bàn về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Chúng ta biết rằng quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa, do vậy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng, được Đảng ta đặc biệt chú trọng. Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về kiểm soát quyền lực đã bước đầu tạo ra hiệu quả rõ nét, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, khẳng định năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần đánh giá một cách tổng thể, toàn diện kết quả, hạn chế của hoạt động kiểm soát quyền lực trong thời gian qua.
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa thật đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”(7).
Trình độ, năng lực của một số cán bộ ở các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng chưa cao nên không thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm, nên có một số cán bộ, đảng viên vi phạm. Một số cán bộ, nhất là người đứng đầu cơ quan chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ dẫn đến quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ;
Một số cấp ủy chưa thật quyết liệt, có nơi còn chủ quan, nóng vội, lúng túng, kết quả thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương. Không những vậy, quy định đã được ban hành nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu: “Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có, hoặc có nhưng chưa cụ thể, thực hiện chưa nghiêm” (8).
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới nên yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đang đặt ra cấp bách bởi vì: vẫn còn tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế.
Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.
Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh.
Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều (9).
Giải pháp tăng cường thể chế hóa những quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước trong thời gian tới
Thứ nhất, thể chế hóa những quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh cần phải được tiến hành một cách đồng bộ trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội để kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Về nội dung này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng. Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” (10).
Cùng với các quy định về kiểm soát quyền lực thì cần quán triệt và thực hiện đồng bộ các quy định có liên quan như Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Khi quyền lực không được kiểm soát sẽ có nguy cơ bị tha hoá, dẫn tới sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực. Quyền lực không được kiểm soát tốt, chính là nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực và cũng là nguyên nhân làm cho đội ngũ cán bộ vướng vào kỷ luật Đảng, kỷ luật Nhà nước thậm chí vướng vào vòng lao lý. Vì lẽ đó, trao quyền lực cũng đồng thời phải kiểm soát quyền lực và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
PGS.TS Lê Văn Cường: "Thực tiễn là thước đo của chân lý"
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt các quy định về kiểm soát quyền lực trong thực tế, nhất là trong các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Đặt ra kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch. ” (11).
Thực tế cho thấy, cùng một mặt bằng thể chế nhưng có những bộ, ngành, địa phương thực hiện rất tốt, trong khi đó, có những bộ, ngành, địa phương thực hiện kém hơn. Về bản chất, tổ chức thực hiện nghị quyết của chúng ta vẫn là một khâu yếu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Có biến được nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra được của cải vật chất và văn hóa mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không đấy mới là thành công thực tế của Đại hội” (12).
Đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nêu: “Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật cán bộ có vi phạm. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo hướng phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội” (13).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Tiếp tục kiện toàn tổ chức, thu gọn đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả mọi tác động tiêu cực, không trong sáng vào hoạt động của các cơ quan này. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành có hiệu quả ngay trong các cơ quan nội chính” (14).
“Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường kiểm soát quyền lực tư pháp” (15) .
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa thực thi các quy định của Đảng với chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “Trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”...; không có cái kiểu “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” như cụ Tú Xương đã từng phê phán; như thế là một gia đình vô phúc. Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có “nội quy”; một tổ chức, đoàn thể phải có “quy chế”, có “điều lệ”...
Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước” (16).
Quyền lực không được kiểm soát, tình trạng tha hóa quyền lực rất dễ dẫn đến quyết định, việc làm không đúng nguyên tắc, quy định, để lại hậu quả tai hại. Tổ chức càng lớn, chức vụ càng cao nếu xảy ra tha hóa quyền lực thì hậu quả, tác động càng rộng, tính chất càng nghiêm trọng, thậm chí là liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia, dân tộc, sự tồn vong của một chế độ.
Mặt khác, tình trạng “lộng quyền”, “lạm quyền”, làm không đúng quy định, thực hiện không hết chức năng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, xảy ra hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị, chế độ xã hội.
Chính vì vậy, cần “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật, xây dựng Đảng nghiêm minh với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân.
Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật cán bộ có vi phạm. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo hướng phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội” (17).
Quyền lực không được kiểm soát, tình trạng tha hóa quyền lực rất dễ dẫn đến quyết định, việc làm không đúng nguyên tắc, quy định, để lại hậu quả tai hại ( Ảnh minh họa) |
Thứ tư, thực hiện tốt quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên
Theo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024 thì trong năm 2023 “đã thi hành kỷ luật 423 tổ chức đảng; thi hành kỷ luật 18.130 đảng viên. UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 183 tổ chức đảng và 6.302 đảng viên, có 1.975 cấp uỷ viên”(18).
Một vấn đề cần quan tâm là sau khi Đảng đẩy mạnh chủ trương xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, dù đã được quán triệt nhiều nhưng vấn đề tự soi, tự sửa của từng cá nhân vẫn còn chưa thật sự trở thành yêu cầu tự thân.
Thực trạng nêu trên có nguyên nhân khách quan là đất nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, nhiều cái mới chưa từng có xuất hiện nên có tình trạng lúng túng, bỡ ngỡ và chưa có quy định, quy chế để điều chỉnh nên không tránh khỏi sai lầm, vấp váp.
Nguyên nhân chủ quan là do bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, không chống đỡ nổi sự cám dỗ của tiền tài, vinh hoa phú quý, sự ca tụng quá đáng… dẫn đến sa ngã, đánh mất mình, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung. Do đó: “phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động trong toàn Đảng và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên với tinh thần chức vụ càng cao càng phải nêu gương, càng phải gương mẫu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu” (19).
Các quy định về nêu gương đã có và điều quan trọng là tự thân từng “cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để Nhân dân noi theo, như lời Bác dạy: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (20).
Thứ năm, chú trọng công khai việc kiểm soát quyền lực cùng với xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên có sai phạm
Vấn đề đặt ra là chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực đã được thể chế hóa bằng các quy định cụ thể của pháp luật, tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm soát quyền lực, đem quyền lực “nhốt trong lồng cơ chế” không hề đơn giản. Suy cho đến cùng, cho dù các quy định về kiểm soát quyền lực có chặt chẽ thế nào, nhưng đạt hiệu quả hay không vẫn phụ thuộc về cơ chế tự kiểm soát của mỗi cán bộ, đảng viên.
“Cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị “tha hóa”. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội” (21).
Thứ sáu, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát việc thực hiện thể chế hóa những chủ trương, quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước
Các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực nếu được thực hiện quyết liệt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tuy nhiên điều quan trọng là bên cạnh ý thức tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên cần có sự giám sát từ bên ngoài. Mỗi người cần tự tu dưỡng, rèn luyện để sử dụng sao cho đúng quyền lực được giao. Đây chính là yêu cầu, là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người được giao vị trí lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan đơn vị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Phối hợp đề xuất, xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp phản ánh tới cấp ủy, chính quyền và trực tiếp đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị” (22).
Để góp phần thể chế hóa những quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra đồng bộ bốn giải pháp trong đó nhấn mạnh:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng.
Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; sự vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy nhà nước và thông qua công tác kiểm tra - giám sát.
Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng viên của Đảng chấp hành, "thượng tôn" pháp luật.
Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật.
Sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm về mọi thành công, thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.
Xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc. Nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; sớm đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp.
Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm "đúng vai, thuộc bài".
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các "tế bào" của Đảng.
Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết phải tạo ra sự tự nhận thức, tự thấm nhuần, nhất là những quan điểm, chủ trương, giải pháp mới. Tập trung xây dựng chi bộ tốt, đảng viên tốt; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.
Đảng kiểm tra, giám sát để công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả; bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối, đúng người, đúng việc; kịp thời phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo; uốn nắn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phát huy cao độ vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp. Ban hành Quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát gắn với phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng kiểm tra, giám sát để tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung chuyển đổi số trong công tác đảng; xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. (23)
Trong giai đoạn hiện nay, khi khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão thì việc tăng cường khả năng dự báo và tổ chức thực hiện thể chế hóa những quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát việc xây dựng pháp luật càng trở nên minh bạch hơn. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cần khai thác những khía cạnh tích cực của mạng xã hội đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị góp phần tích cực vào hoạt động thể chế hóa những quy định của Đảng thành pháp luật của Nhà nước trong thời gian tới.
PGS, TS. Lê Văn Cường
Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
***
Chú thích:
(1),(2),(3), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 32; 273; 300.
(4),(5) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, tr. 65; 66.
(6), Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, tr. 88.
(7),(8),(10),(12),(13),(14),(15),(17),(19),(20),(21),(22), Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 51; 372;409-410;270;139-140;137;120-121;270;360 -361;239;411-412;113.
(9), (23), https://vov.vn/chinh-tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-doi-moi-de-lam-ro-ranh-gioi-giua-lanh-dao-quan-ly-post1122656.vov
(11), Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, tr. 461.
(18), https://ubkttw.vn/danh-muc/tin-tuc-thoi-su/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-cua-dang-nam-2023-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024.html
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, 1, Nxb CTQGtr.284.
[1] Huyênh hoang, khoác lác(B.T).