Bộ Công an trả lời về vấn nạn “ngáo đá”

(PLVN) - Theo Bộ Công an, việc xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó có các trường hợp “ngáo đá”) chưa đủ sức răn đe. Bộ luật Hình sự 2015 không còn tội danh sử dụng trái phép chất ma túy. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt trình tự, thủ tục thực hiện.
Công an khống chế một đối tượng “ngáo đá” tại Lạng Sơn
Công an khống chế một đối tượng “ngáo đá” tại Lạng Sơn

“Tội phạm ma túy phải chịu các hình phạt nghiêm khắc nhất”

Cử tri tỉnh Long An phản ánh, hiện nay các trường hợp “ngáo đá” đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi đã xảy ra các vụ án con giết mẹ, cháu giết bà…

Người dân rất lo lắng khi tình trạng này ngày càng gia tăng và đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các lực lượng chức năng “mạnh tay” xử lý với tội phạm buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy. Đồng thời cần nhìn nhận người sử dụng ma túy không phải là người bệnh mà là người phạm tội, nhằm góp phần hạn chế tình trạng sử dụng chất ma túy.

Trả lời việc này, Bộ Công an cho biết, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều dạng mới của ma túy. Số người nghiện tiếp tục gia tăng với trên 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đa số đang ở ngoài xã hội gây lo lắng trong nhân dân và cử tri.

Trong khi đó, việc xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó có các trường hợp “ngáo đá”) chưa đủ sức răn đe. Bộ luật Hình sự 2015 không còn tội danh sử dụng trái phép chất ma túy. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt trình tự, thủ tục thực hiện.

“Đây là một trong những bất cập và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghiện ma túy, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp dẫn đến “ngáo đá” diễn biến phức tạp, xảy ra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật… do đối tượng “ngáo đá” gây ra”, Bộ Công an nêu.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Công an đang tham mưu với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, phối hợp sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và sẽ nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; theo hướng nghiêm khắc hơn; đơn giản quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, thông báo rộng rãi các hình thức, biểu hiện “ngáo đá” để người dân cảnh giác phòng tránh, phát hiện và cung cấp thông tin kịp thời cho các lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý.

“Có thể khẳng định, trong tất cả các loại tội phạm, tội phạm về ma túy phải chịu các hình phạt nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, mức xử phạt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào từng tội danh, hành vi, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của người vi phạm được quy định theo khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy có hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình (9/13 tội danh)”, Bộ Công an nhận định.

Theo Bộ Công an, trong những năm qua, lực lượng công an đã tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, nhất là mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, ngăn chặn ma túy thẩm lậu từ bên ngoài vào Việt Nam. Tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm, đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy, góp phần ngăn chặn, làm giảm “nguồn cung” ma túy vào trong nước; bắt giữ, điều tra, đề nghị truy tố hàng chục nghìn vụ án, đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.

“Các cơ quan tư pháp đã áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy, số bị cáo phạm tội bị kết án tử hình, chung thân nhiều nhất trong các loại tội phạm, thể hiện sự nghiêm trị của pháp luật đối với loại tội phạm nguy hiểm này”, Bộ Công an khẳng định.

Chất lượng dịch vụ cai nghiện chưa đáp ứng được nhu cầu

Liên quan lĩnh vực ma túy, tính đến hết năm 2018 cả nước có 23 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được cấp phép, nhưng 7 cơ sở đã ngừng hoạt động. Có 2 cơ sở quy mô tiếp nhận dưới 60 lượt người/năm và 13 cơ sở trên 100 lượt người/năm. Tính bình quân hàng năm các cơ sở này đã tiếp nhận khoảng hơn 4.000 lượt người. 

Việc tiếp nhận hơn 11% tổng số người được tiếp nhận cai nghiện trong toàn bộ hệ thống cơ sở cai nghiện cả trong và ngoài công lập, tạo cơ hội cho những người muốn đi cai nghiện không phải lo lắng thủ tục hành chính phiền phức. Đồng thời, cũng làm giảm chi ngân sách tương đương trên 11% tổng chi cho công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy và góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Hiện chi phí cho 1 người khi vào cơ sở cai nghiện tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập là 10,671 triệu đồng/người/năm (theo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). 

Tuy nhiên, ngoài lực lượng y, bác sỹ được đào tạo chuyên môn sâu, còn lại chưa được đào tạo bài bản, nên các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho người nghiện còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, do quy mô nhỏ, lực lượng cán bộ hạn chế nên việc quản lý, chăm sóc những đối tượng có hành vi gây rối rất khó khăn. Mặt khác, hiện người sử dụng ma túy tổng hợp tăng rất nhanh, trong khi các cơ sở chưa đủ điều kiện tiếp nhận, điều trị cho những trường hợp có biểu hiện loạn thần.

Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ chế kiểm soát hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện, trong khi tính tự phát của thị trường và của người dân lại phát sinh khá phổ biến nên chất lượng dịch vụ cai nghiện chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có được niềm tin của người sử dụng dịch vụ. 

Ngoài ra, một số cơ sở cai nghiện tự nguyện đặt ở những khu dân cư tập trung gây lo ngại về trật tự, an toàn xã hội. Quy định về xã hội hóa cai nghiện tự nguyện còn bất cập.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy đang được Bộ Công an soạn thảo, xin ý kiến đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện: Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập hay ngoài công lập đều thực hiện bằng một chính sách xã hội hóa chung, không phân biệt. Nhà nước bảo đảm kinh phí với các dịch vụ cơ bản, cho tất cả mọi người tự nguyện cai nghiện.

Ngày 26/5, Chi cục Phòng chống tệ nạn phối hợp Thanh tra Sở Y tế và Công an TP Biên Hòa kiểm tra hành chính cơ sở cai nghiện ma túy tự phát mang tên “Nhóm P.L.H” tại KP.5B, phường Tân Biên, TP Biên Hòa. Cơ sở do ông Nguyễn Anh Khoa (ngụ Biên Hòa) thuê lại căn nhà giá 20 triệu đồng/tháng để thành lập, bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2019. Tại thời điểm kiểm tra, có hơn 90 học viên đang cai nghiện.

Qua kiểm tra, xác định cơ sở cai nghiện này không có giấy phép hoạt động. Chủ cơ sở không có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các học viên. Cơ sở không có nhân viên quản lý, theo dõi học viên, không đăng ký tạm trú, tạm vắng cho học viên.  

Cơ sở cũng không có trang thiết bị y tế phục vụ điều trị. Việc điều trị cũng như biện pháp cắt cơn không có bất kỳ một phác đồ, quy trình nào theo đúng quy định. Các học viên đến cai nghiện “tự cai sống”. Tủ thuốc cá nhân trong cơ sở không có các loại thuốc nằm trong danh mục điều trị cai nghiện ma túy mà chỉ có các loại thuốc cảm cúm, đau bụng thông thường.

Theo chủ cơ sở, các học viên đến cai nghiện tại đây phải có đơn tình nguyện vào nhóm và đóng học mỗi tháng từ 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng.

Để tránh bị phát hiện, cơ sở cai nghiện tự phát này được tổ chức hoạt động trong một cơ sở bán đồ nội thất nằm ngay QL1A. Bên trong, chủ cơ sở cho lắp rất nhiều giường tầng để làm nơi nghỉ cho các học viên. 

Với số học viên đang cai nghiện tại đây, lực lượng chức năng đã đưa về kiểm tra y tế, thử nhanh ma túy, xác minh thông tin lai lịch để có biện pháp xử lý theo quy định.

Đọc thêm