Bộ Công thương: Các dự án thua lỗ phải tự chủ động “cứu” mình

(PLO) - Chiều qua, Bộ Công thương đã có cuộc họp thống nhất về việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành. Theo đó, bên cạnh việc giao cho các tập đoạn, tổng công ty phải tự chủ động “cứu” mình, Bộ đã chỉ đạo, ngay từ thời điểm này phải xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp. 
Bộ Công thương đang khẩn trương xử lý các dự án thua lỗ

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần có nỗ lực cụ thể giải quyết các vướng mắc của 12 Dự án tồn đọng lâu nay. Theo Bộ trưởng, xử lý các Dự án này rất phức tạp nhưng dù khó khăn vẫn phải làm.

Bộ trưởng khẳng định, để hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, điều quan trọng nhất chính là sự chủ động của chủ đầu tư, các Tập đoàn, Tổng công ty (TCTy) và của các đơn vị thuộc Bộ.

"Chúng ta phải tự cứu mình trước khi có sự phối hợp của các Bộ, ngành; trước khi Thủ tướng phê duyệt phương án cuối cùng. Chúng ta thực hiện bằng trách nhiệm của mình với những việc làm cụ thể chứ không phải chỉ lo báo cáo bằng văn bản", Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ Công thương đề nghị  các tập đoạn, tổng công ty phải tự cứu mình không nên đợi quyết định từ Chính phủ

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng gợi ý, với các vướng mắc khó khăn về vốn vay, các tập đoàn, TCTy cần xem xét lại các khoản vay để giãn nợ. Ngoài ra, các đơn vị phải tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để được giãn khấu hao.

Về việc có hay không bỏ tiền ra để cứu các dự án, Thứ trưởng Vượng cũng đề nghị lãnh đạo các tập đoàn, tcy phải tự chịu trách nhiệm về việc này chứ không nên trông chờ Chính phủ có cho phép hay không.

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong thời gian tới, có những công việc phải thực hiện theo lộ trình đề ra, do đó, các tập đoàn, tổng công ty không phải đợi các quyết định từ Chính phủ, Bộ Công Thương mà phải chủ động triển khai thật tốt để giải quyết triệt để các vấn đề tồn động.

Ngoài ra, cần phải quyết liệt trong tổ chức doanh nghiệp, kiện toàn bộ máy nhân sự; khai thác các cơ hội từ thị trường để nâng cao hoạt động, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, tạo cơ hội cho các bước tiếp theo như bán vốn…

Song song với việc tự cứu mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cho các lãnh đạo các tập đoàn, TCTy rà soát, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Công Thương giao.

Trường hợp người đứng đầu không thực hiện đúng trách nhiệm, không chấp hành đúng pháp luật thì phải thay thế, kiện toàn lại để đảm bảo hiệu quả quản lý.

Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ rà soát, cập nhật thông tin, gửi Vụ Kế hoạch là đầu mối để hoàn thiện Báo cáo liên quan đến lộ trình và kế hoạch triển khai xử lý 12 Dự án hoạt động kém hiệu quả; trình Báo cáo lên Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội vào ngày 30/9.

Bộ trưởng cũng giao Vụ Kế hoạch ngay đầu tháng 10 lên kế hoạch về việc phân công công việc cụ thể cho các đơn vị trong Bộ, phối hợp với các chủ đầu tư, các tập đoàn, TCTy để triển khai thực hiện quyết liệt việc xử lý dứt điểm 12 Dự án trong thời gian tới.

Trước mắt, Bộ Công thương cho biết, kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi sẽ do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Bộ cũng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt nam khẩn trương tiến hành thuê tư vấn xác định giá trị tàu 104.000 DWT của Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất để làm cơ sở kiểm toán, quyết toán bàn giao tàu. Còn Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam sẽ tiếp tục thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật. 

Đọc thêm