Theo văn bản của Văn phòng Bộ Công Thương gửi các phóng viên, việc không tổ chức họp báo thường kỳ được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Văn bản nêu rõ: “Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương không tổ chức giao ban chuyên môn tháng 2/2016. Vì vậy, Bộ Công Thương chưa tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2”.
Việc Bộ Công Thương bất ngờ không tổ chức họp báo khiến nhiều phóng viên theo dõi ngành tự hỏi: Phải chăng những lùm xùm chưa dứt từ vụ đa cấp Liên Kết Việt đang là sức ép lớn dẫn đến việc lãnh đạo Bộ Công Thương lường trước được những vấn đề mà báo giới sẽ đặt ra nên tạm thời chưa tổ chức họp báo định kỳ?
|
Một buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương |
Liên quan hoạt động kinh doanh đa cấp, mới đây cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã có lệnh bắt tạm giam, quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1970, trú tại phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Việt Phát gọi tắt là (Vipha Việt Nam) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt theo điều 139, Bộ luật Hình sự.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, để dụ dỗ người dân tham gia vào hệ thống của mình, Nguyễn Thị Thu và đồng bọn đã xây dựng Dự án VIPHA kinh doanh thực phẩm chức năng theo mô hình đa cấp. Tại các huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), Thu chỉ đạo thành lập đại lý cấp huyện, chiêu mộ cộng tác viên và bằng nhiều loại giải thưởng khác nhau. Trong một thời gian ngắn xuất hiện, Nguyễn Thị Thu và đồng bọn đã lôi kéo được gần 500 khách hàng với số tiền xác minh ban đầu khoảng 20 tỷ đồng, song theo nhận định của cơ quan điều tra con số này có thể lên tới hàng trăm tỷ sau khi người dân trình báo.
Liên quan đến vụ bắt giam lãnh đạo Công ty Liên kết Việt, công ty kinh doanh đa cấp đã được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cấp giấy phép kinh doanh tháng 7/2015 Bộ Công Thương đã vào cuộc kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, xử phạt 570 triệu đồng nhưng tại thời điểm này Bộ Công Thương đã không công khai thông tin xử phạt.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 29/2, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã được hỏi: “Tại sao Bộ không lên tiếng sớm, nếu lên tiếng sớm thì không rơi vào bi kịch?” liên quan đến sai phạm của Liên kết Việt. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hải cho rằng, 22/12 mới cấp phép và tháng 7 Bộ Công Thương đã vào cuộc, như vậy với một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động mà chúng tôi xử lý như vậy không thể nói là chậm trễ được.
Một vấn đề khác, liên quan đến văn bản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trình bày những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất do sự chênh lệch về thuế suất nhập khẩu ưu đãi của nhà máy với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi khi Việt Nam thực hiện theo cam kết FTA cũng đang được báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0986 321 888 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com