Bộ Công Thương nói gì về việc hạn chế cho thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lẫn nhau?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một trong những điểm mới của Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu là không cho phép thương nhân phân phối (TNPP) mua bán lẫn nhau. Điều này đã tạo ra dư luận lớn từ các TNPP, doanh nghiệp bán lẻ và cộng đồng kinh doanh này đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương phản hồi gì về vấn đề này?
Bộ Công Thương nói gì về việc hạn chế cho thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lẫn nhau?

Tạo tầng nấc trung gian trong phân phối

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, hệ thống TNPP và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có Đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu. Trong đó, có nhấn mạnh đến việc dự thảo nghị định đã hạn chế quyền mua bán khi TNPP được chỉ mua từ đầu mối mà không được mua bán lẫn nhau. Trong khi đó, Nghị định mới nhất hiện hành về kinh doanh xăng dầu cho phép các TNPP mua bán lẫn nhau.

Trả lời báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định hiện hành, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi tham gia thị trường các thương nhân cần phải đáp ứng, duy trì các điều kiện và thực hiện quyền và nghĩa vụ ở từng phân khúc mà thương nhân tham gia.

Ví dụ, TNPP phải đáp ứng và duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh như: có 5 cửa hàng trực thuộc, 10 đại lý bán lẻ, có kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm,.. TNPP được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu khác; Được kinh doanh xăng dầu theo hình thức giao cho hệ thống trực thuộc theo Luật Thương mại; kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; bán lẻ tại các cửa hàng trực thuộc, bán cho các đơn vị trực tiếp sử dụng phục vụ sản xuất…

Cùng với đó, TNPP phải chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá bán trên hệ thống của mình; giám sát và chịu trách nhiệm về hệ thống đăng ký hệ thống, đăng ký thời gian bán hàng, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy….

Nhiều TNPP xăng dầu được hình thành và phát triển trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu, tạo nên một hệ thống phân phối hoàn chỉnh bắt đầu từ khâu tạo nguồn (nhập khẩu, mua của nhà máy sản xuất) - phân phối - bán lẻ.

Tuy nhiên, hoạt động của TNPP thời gian qua bộc lộ một số điểm mà qua quá trình kiểm tra, thanh tra và điều tra, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đã chỉ ra. Cụ thể như việc cho phép TNPP xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này. Theo bà Hiền, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.

Việc mua bán xăng dầu giữa các TNPP xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều TNPP xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.

Việc TNPP xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho TNPP xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nhằm loại bỏ số liệu “ảo”

Bà Hiền cho biết, từ việc thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra và nhằm giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu, Dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng “bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các TNPP xăng dầu với nhau”, loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.

Theo bà Hiền, với quy định này sẽ giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước; Cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.

Một số ý kiến cho rằng quy định TNPP xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường gây ra phản ứng của TNPP xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, bà Hiền khẳng định, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh và việc quy định TNPP xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn (làm thương nhân đầu mối).

Đọc thêm