Bộ Công Thương nói gì về việc nhập khẩu điện trong khi có hơn 4.000 MW năng lượng tái tạo đang chờ huy động?

(PLVN) - Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mặc dù có sẵn hơn 4.000 MW điện năng lượng tái tạo đang chờ nhưng để huy động được lên lưới thì cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định. 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ thông tin tại buổi họp báo ngày 26/5

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình cung ứng điện ngày 26/5, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thực chất, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ. Nhập khẩu từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, từ Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày, trong khi sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc 450 triệu kWh/ngày.

“Tổng nhập khẩu khoảng 10 triệu kWh, tỷ trọng nhập khẩu rất thấp. Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên chính phủ. Chúng ta cũng bán sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau” - ông An nói.

Đồng thời, thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, sản lượng điện năng lượng tái tạo hiện nay mỗi ngày 100 triệu kWh, chiếm 1/9 sản lượng toàn hệ thống. Đây là sản lượng tương đối lớn.

Tuy nhiên, theo ông An, thời gian vừa qua, sản lượng điện gió tương đối thấp, công suất lớn nhưng sản lượng thấp, còn sản lượng điện mặt trời cao hơn. Vì điện gió phụ thuộc tốc độ gió, hướng tuabin. Tốc độ gió dưới 3m/s thì không thể quay được, cho nên sản lượng điện gió chỉ chiếm 5-6%.

“Nếu có thêm các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào thì chúng ta cũng hấp thụ được. Nhưng tỷ trọng năng lượng tái tạo cao thì phải có giải pháp kỹ thuật, phải có những nguồn linh hoạt để đáp ứng. Thời gian tới nếu năng lượng tái tạo còn tăng nữa thì ngành điện phải có nhiều giải pháp kỹ thuật khác như thủy điện tích năng, pin lưu trữ… để phục vụ cho nguồn điện này” - ông An thông tin.

Ông An cho biết thêm, với các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp, hiện có 39 dự án với công suất 2.363MW đề xuất với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ký kết thỏa thuận giá tạm bằng 50% khung giá trần tại Quyết định 21/QĐ-BCT. Đến nay đã có 16 dự án đã hòa lưới để thí nghiệm các thông số. Còn 5 dự án hiện nay thỏa mãn các hồ sơ và đủ điều kiện phát điện lên lưới sau khi chốt thử nghiệm. Tổng công suất 5 dự án là 303 MW. Như vậy sau một vài ngày hoàn thiện COD, 303 MW này có thể vận hành thương mại được.

“Đây là con số vẫn còn khiêm tốn. Nếu chủ đầu tư không nỗ lực thì rất khó vận hành thương mại được do dự án điện có nhiều quy định phải tuân thủ” – ông An khẳng định.

Đọc thêm