Bị Bộ Tư Pháp “thổi còi” ngay từ khi quy hoạch còn đang nằm trên giấy song Bộ Công Thương vẫn nhất quyết giao trách nhiệm : quản lý, khảo sát, quy hoạch sử dụng và khai thác mỏ quặng Apatít tại tỉnh Lào Cai cho Tập đoàn hóa chất Việt Nam. Hệ lụy là giờ đây các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn muốn đầu tư vào lĩnh vực này đều phải “qua cửa’ Tập đoàn hóa chất Việt Nam.
|
Khai thác quặng- ảnh PV |
Một quyết định gây nhiều bất bình
Theo khảo sát của Bộ Công Thương trữ lượng Apatít tại tỉnh Lào Cai khoảng778 triệu tấn, trong đó quặng loại I là 31 triệu tấn, quặng loại II là 234 triệu tấn, quặng loại III là 222 triệu tấn và quặng loại IV là 291 triệu tấn. Trữ lượng đã thăm dò và dự báo khoảng 2,45 tỷ tấn.
Các khu vực dự kiến tập trung thăm dò địa chất trong giai đoạn quy hoạch như khu Tam Đỉnh – Làng Phúng; khu Phú Nhuận; quặng II khu trung tâm; vùng quặng Bát Xát – Lũng Pô; vùng Bảo Hà – Trái Hút; khu Bắc Nhạc Sơn từ trường 25 đến khai trường 29. Ước tính vốn đầu tư cho công tác thăm dò trong giai đoạn quy hoạch khoảng 213 tỷ đồng.
Ngày 18/8/2008, Bộ Công Thương có quyết định số 28/ QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng Apatít giai đoạn 2008-2010, có tính đến sau năm 2020. Quyết định này đặt ra các mục tiêu : việc quy hoạch khai thác quặng apatít Lào Cai tiếp tục sử dụng và khai thác triệt để các thiết bị khai thác hiện đang sử dụng trên dây chuyền sản xuất như khoan nổ, xúc bốc, vận tải để nâng cao năng lực phục vụ sản xuất và kinh doanh. Từng bước đầu tư đổi mới công nghệ và đồng bộ thiết bị theo hướng hiện đại, hợp lý như máy xúc thủy lực, máy khoan thủy lực…Với sản lượng bình quân quặng nguyên khai loại I, loại II và quặng tuyển dự kiến cho giai đoạn quy hoạch khoảng 10,5 triệu tấn. Ngoài ra, quy hoạch tuyển quặng để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất super lân và DAP có công suất tuyển tinh quặng được xác định là 2 triệu tấn/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ này giao toàn bộ việc quản lý, khảo sát, quy hoạch sử dụng và khai thác mỏ quặng apatít tại tỉnh Lào Cai cho Tập đoàn hóa chất Việt Nam. Tập đoàn được liên kết, hợp tác với các DN khác có khả năng và mong muốn đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến quặng apatít phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Điều đáng nói là ngay khi Quyết định 28 còn là dự thảo, Bộ Tư pháp đã có văn bản cho rằng: “Không nên quy định trách nhiệm của Tập đoàn hóa chất Việt Nam trong văn bản này”. Bộ Tư Pháp khẳng định việc Nhà nước giao cho Tổng công ty hóa chất Việt Nam là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý, khảo sát quy hoạch trên toàn vùng mỏ Lào Cai…như trong quyết định của Bộ Công thương đã thể hiện sự đối xử không bình đẳng của Nhà nước đối với các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ý kiến của Bộ Tư Pháp khi đó đã không được Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa.
Khó hiểu là bản thân Bộ Công thương cũng tự mâu thuẫn với chính mình trong việc quy hoạch khoáng sản tỉnh Lào Cai. Tại văn bản số 4851/BCT – CNNg ngày 27/5/2009 Bộ này lại nêu rõ: “Mọi Doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế, không phân biệt là DN trung ương hay địa phương, nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan đều có thể được tham gia đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định…”. Như vậy văn bản 4851 đã mâu thuẫn với chính QĐ số 28 song hơn 10 năm qua vẫn mặc nhiên được thực hiện, trở thành “barie” cản các doanh nghiệp muốn đầu tư thăm dò, khai thác quặng apatít.
“Ngoại lệ” hay “rào sân” cho doanh nghiệp độc quyền?
|
Quyết định của Bộ Công Thương gây bất bình cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Lào Cai |
Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI.JSC) là một trong những doanh nghiệp bị quyết định 28 “cản trở” khi muốn đầu tư vào thăm dò, khai thác quặng apatít tại Lài Cai. Trong khi Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam muốn cấp phép cho VIDIFI…JSC thì tỉnh Lào Cai lại hướng dẫn đơn vị này phải chờ đời sự thỏa thuận với Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam. Quá bức xúc, doanh nghiệp này đã chính thức có văn bản gửi lên chính phủ, trong đó nêu rõ: “Việc cấp phép thăm dò khoáng sản không cần phải có thỏa thuận của 1 DN khác và quy định tại điểm 4 Mục IX quyết định số 28/2008/QĐ-BCT đến nay không còn phù hợp với quy định của Luật khoáng sản hiện hành”. VIDIFIJSC đã đề nghị điều chỉnh quyết định trên theo hướng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có tiềm lực về tài chính cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác và chế biến khoảng sản apatít phù hợp với quy định của Chính phủ và Luật khoáng sản.
Không phải chỉ mình VIDIFI.JSC, nhiều DN khác đã được tỉnh Lào Cai, Cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam, thậm chí cả Chính phủ có văn bản chấp thuận chủ trương để thực hiện việc thăm dò khai thác quặng apatit nhưng đến nay vẫn không được cấp phép. UBND tỉnh Lào Cai luôn trả lời là DN phải được sự chấp thuận của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ngay UBND tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản gửi về Chính phủ, Bộ ngành liên quan và đề nghị xóa bỏ nội dung bất hợp lý này trong quyết định 28. Bản thân Bộ Công Thương trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây cũng thừa nhận công tác thăm dò một số khai trường, việc nghiên cứu tuyển quặng nghèo (loại II và IV), công tác quy hoạch sử dụng và khai thác theo quy định của pháp luật về khoáng sản còn chậm. Và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng thừa nhận chưa chủ động thực hiện việc hợp tác – liên kết với các DN ngoài Tập đoàn.
Thừa nhận thế song thực khó hiểu khi mới đây trong công văn kiểm điểm thực hiện quy hoạch quặng apatit để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương vẫn nhất nhất khẳng định: gần 3 năm triển khai thực hiện QĐ 28/2008/QĐ-BCT ngày 18/8/2008 của Bộ Công thương đã thể tính đúng đắn và hợp lý; đến nay, Quy hoạch vẫn còn giá trị thực tiễn và khả thi, vì vậy, việc điều chỉnh Quy hoạch apatit tại thời điểm này là chưa cần thiết. “ cái lý” mà Bộ Công thương đưa ra là apatit là khoáng sản đặc thù chỉ có ở khu vực Lào Cai, là nguyên liệu quan trọng để phục vụ sản xuất phân bón, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là DNNN được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện quặng apatit, vì vậy, đề nghị Bộ TN&MT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ không đưa vào danh mục các mỏ đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trước lập luận này của Bộ Công Thương, “ những người trong cuộc” bức xúc cho rằng, phải chăng Bộ Công thương đang cố tình rào sân” để giúp Tập đoàn Hóa chất “né” việc thực thi Luật Khoáng sản bổ sung mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2011? Nếu quả thực như vậy thì việc khai thác quặng apatit ở Lào Cai sẽ được bỏ qua việc tổ chức đấu giá để cấp quyền khai thác mỏ và xác định lại giá trị của những mỏ hiện đang được doanh nghiệp khai thác như Luật khoáng sản yêu cầu? Quặng apatit có phải là trường hợp “ngoại lệ” của Luật khoáng sản hay còn có uẩn khúc gì cần được làm sáng tỏ?
Việt Hằng