Sau phát ngôn của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi trên báo chí về việc Bộ Công thương mới là nơi chịu trách nhiệm chủ trì quyết định thuế nhập khẩu mới để tính giá cơ sở điều hành xăng dầu, Bộ Công thương ngay lập tức đã có văn bản "phản pháo".
Trong văn bản gửi tới Bộ Tài chính ngày 23/3, Bộ Công thương khẳng định, "Bộ Tài chính mới là nơi chịu chủ trì quyết định mức thuế nhập khẩu mới để tính giá cơ sở điều hành xăng dầu".
Công văn do Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền ký cho rằng, phát biểu của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi liên quan tới điều hành thuế xăng dầu thuộc trách nhiệm và do Bộ Công thương chủ trì quyết định là không đúng.
“Phát biểu của ông Phạm Đình Thi là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành xăng dầu” – văn bản “phản pháo” của Bộ Công thương khẳng định.
Để dẫn giải cho lập luận của mình, công văn của Bộ Công thương cũng trích lục lại Điều 36 và điểm b, Khoản 2 Điều 40 - những quy định cụ thể của Nghị định 83 về quản lý mặt hàng xăng dầu, cho thấy trách nhiệm chính trong điều hành thuế xăng dầu là thuộc về Bộ Tài chính, chứ không phải Bộ Công thương.
Cụ thể theo các điều khoản này, “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu” và: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở (với các mặt hàng xăng dầu)”.
Đối với trách nhiệm của mình, công văn của Bộ Công thương cũng chỉ rõ điểm đ, Khoản1, Điều 40 của Nghị định 43 thì Bộ này là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu" theo điểm đ, Khoản 1, Điều 40 của Nghị định 83.
“Bộ Công thương đã tuân thủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ và quy định của Nghị định số 83/NĐ-CP”- văn bản do Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền ký nhấn mạnh.
Nhắc lại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất ngày 21/3/2016, Bộ Công thương cũng nêu rõ, việc áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu khi có nhiều mức thuế suất khác nhau giữa MFN và các Hiệp định thương mại tự do, việc tính giá cơ sở của Tổ Liên ngành điều hành giá xăng dầu theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính là mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN.
Lỗ hỏng chính sách thuế đang khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “đút túi” khoảng 3.500 tỷ đồng. Trong lúc hai Bộ chủ quản, điều hành giá và thuế mặt hàng này đang “đá” nhau, thì các chuyên gia cho rằng, thiệt thòi sau cùng vẫn là người tiêu dùng.
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội với PV Infonet, ông Bùi Đức Thụ - ĐBQH tỉnh Lai Châu nói thẳng, “phải truy rõ trách nhiệm quản lý của hai Bộ và có cơ chế thu hồi lại số tiền lãi từ chênh lệch thuế xăng dầu này từ doanh nghiệp”.
Theo ĐB Thụ, khi đã cam kết quốc tế và ký các hiệp định thương mại với các nước thì phải tuân thủ đúng theo các cam kết đó. Nhưng vừa qua, việc tính giá cơ sở xăng dầu lại được Liên Bộ Công thương – Tài chính tính theo thuế nhập khẩu từ thị trường thông thường, nên mức thuế cao, dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lãi ngàn tỷ đồng. “Lỗ hỏng thuế này cần phải được rà soát và xử lý ngay lập tức” – ông nói.
Với trách nhiệm quản lý của hai Bộ - Bộ Tài chính và Bộ Công thương khi để xảy ra lỗ hỏng này và nay thì “đổ lỗi” cho nhau, ông Thụ khẳng định, “Chính phủ giao trách nhiệm quản lý Nhà nước cho các Bộ, khi có bất cập thì phải truy rõ trách nhiệm của các Bộ này, không được né tránh. Văn bản pháp luật điều hành mặt hàng xăng dầu của hai Bộ nếu chưa hợp lý, phù hợp với thực tiễn thì phải đưa ra hình thức xử lý để thu hồi”.
Riêng với khoản lời mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã “đút túi” từ lỗ hỏng thuế này, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội quả quyết, “phải truy thu lại, hoàn trả người dân qua việc thu lại số này và đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu”.