Theo đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Mai, trú tại xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, chị đã bị bố đẻ là ông Hoàng Văn M dùng gạch đập vào đầu và cơ thể khiến chị Mai phải nhập viện trong tình trạng chấn động não, toàn thân bầm tím. Sự việc đau lòng này xảy ra vào sáng ngày 30/9.
Do có mâu thuẫn với bố đẻ là ông Hoàng Văn M, trú tại thôn Ngọc Động, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, hai bố con chị Mai đã lời qua tiếng lại với nhau. Ít phút sau khi cãi cự, ông M đã xông vào hành hung, dùng tay tát, đấm đá con gái và và dùng gạch đập vào đầu khiến chị Mai khiến chị bị ngất xỉu tại chỗ.
Chị Mai được người thân đưa vào viện trong tình trạng trên người xuất hiện những vết bầm tím, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Sau khi được điều trị tại Bệnh viện Kiến An, chị Mai được chuyển lên bệnh viện Việt Đức để tiếp tục kiểm tra thương tích. Theo kết quả kiểm tra của các cơ sở y tế điều trị cho chị Mai thì chị bị chấn động não, không gây tụ máu, hậu quả của trận đòn nhẫn tâm của người cha đẻ.
Trao đổi với Báo Pháp Luật Việt Nam, chị Mai cho biết, sự việc xảy ra là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, việc bố đẻ đánh đập, hành hung như vậy là không thể chấp nhận được. Không những vậy khi xảy ra sự việc, chồng chị Mai can ngăn thì cũng bị ông M dùng bình cứu hỏa xịt vào người.
Chị Mai cũng cho biết thêm, chị đã bị bố đẻ “bỏ rơi” từ khi mới 3 tuổi. Hiện nay, ông M đã lấy vợ hai nhưng vẫn cư trú cạnh nhà với mẹ con chị và hai bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Trước hành động nhẫn tâm của người cha, chị Mai đã làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Lãng, yêu cầu được giám định thương tích và được giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, kể từ thời điểm xảy ra sự việc đến nay đã hơn 1 tháng nhưng Cơ quan điều tra chưa được chị đi giám định thương tích để làm căn cứ xử lý hành vi gây thương tích của ông M.
Theo Luật sư Trần Việt Hùng, ĐLS TP Hà Nội, các vụ án gây thương tích nếu không xử lý kịp thời sẽ để lọt tội phạm. Trong đó, thương tích của người bị hại là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để CQĐT quyết định có khởi tố vụ án hay không. Đối với các thương tích phần mềm thường là thương tích tạm thời, sẽ phục hồi theo thời gian. Nếu CQĐT để lâu, không đưa bị hại đi giám định thương tật thì người gây thương tích có thể thoát tội do thương tích tạm thời đã phục hồi và việc giám định muộn sẽ không xác định đúng tỷ lệ thương tật của bị hại.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.